Bộ Giáo dục: Để chấm dứt lạm thu phải kỷ luật nghiêm người đứng đầu cơ sở vi phạm

(Dân trí) - Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, để xảy ra tình trạng lạm thu hiện nay là do người đứng đầu ngành Giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, đồng thời chưa giám sát, kiểm tra tới nơi tới chốn...Theo đó, cần kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm lạm thu.

Để làm rõ nguyên nhân và hướng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề lạm thu, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để họ hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện cho tốt. (Ảnh minh họa)

Cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để họ hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện cho tốt. (Ảnh minh họa)

Lạm thu do sự "vô tình" của đại diện cha mẹ học sinh?

Thưa ông, câu chuyện lạm thu đầu năm học không còn là hiện tượng mới, nhưng năm nào cũng được dư luận phản ánh với những hình thức và mức độ khác nhau, gây băn khoăn và bức xúc trong xã hội. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Tú Khánh: Câu chuyện lạm thu đầu năm học đúng là không phải mới, năm nào cũng tái diễn với những mức độ và hình thức khác nhau, trong đó có nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa ­­­­“tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước”, gây ra những phản ứng trong dư luận.

Để diễn ra những sự việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và ngành Giáo dục các địa phương. Về phía phụ huynh và hội cha mẹ học sinh, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã “vô tình” để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội.

Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Về các khoản thu xã hội hóa, thu hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động giáo dục, tài trợ học bổng trợ cấp cho người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, hướng dẫn rất rõ tại các Thông tư. Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã quy định, đơn vị sự nghiệp nói chung được thu hoạt động sự nghiệp khác.

Vì vậy, trong trường hợp các cơ sở giáo dục đào tạo có tổ chức các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo như tổ chức bữa ăn trưa, trông giữ xe, thu phí vào bể bơi trong trường… thì phải báo cáo thông qua Hội đồng nhân dân địa phương và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Ngành Giáo dục đã có những văn bản chỉ đạo quyết liệt chống lạm thu đầu năm, tuy nhiên thực tế vẫn có nhiều kẽ hở để “lách” quy định chống lạm thu dưới danh nghĩa là đóng góp “tự nguyện” hay “thỏa thuận” của Ban đại diện cha mẹ học sinh, những khoản đóng góp đó thường không do cha mẹ học sinh nghĩ ra. Phải chăng công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm trong thu - chi chưa đủ sức răn đe?

Ông Trần Tú Khánh: Ngày 28/7/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 3936/BGDĐT-TTr về việc Hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018. Theo đó, đề nghị Chánh Thanh tra các Sở Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào văn bản này và các văn bản liên quan, tham mưu Giám đốc Sở ban hành Kế hoạch thanh tra năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương và tổ chức thanh tra theo quy định.

Trong đó, đặc biệt tập trung thanh tra để kịp thời chấn chỉnh sai phạm (nếu có) trong việc dạy thêm học thêm, thu chi các khoản kinh phí đầu năm học và các vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Việc thanh tra về thu chi cần bám sát tinh thần Công văn số 2794/BGDĐT-KHTC ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục và chống lạm thu năm học 2017-2018.

Như vậy, cùng với các quy định về thu - chi, Bộ cũng đã có những giải pháp về thanh tra, kiểm tra hết sức chặt chẽ và quyết liệt. Tuy nhiên, như tôi đã nói, để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm là do người đứng đầu ngành Giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, không theo dõi giám sát các quy định đó được thực hiện ra sao và công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn.

Mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm

Một số địa phương và cơ sở giáo dục cho rằng, do ngân sách không chi cho các hoạt động của học sinh, giáo viên và nhà trường nên cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh để thực hiện hoạt động giáo dục tốt nhất cho con em của họ. Điều này có hợp lý không thưa ông?

Ông Trần Tú Khánh: Các địa phương khi phân bổ ngân sách cho các trường có tiêu chí riêng nhưng về nguyên tắc phải đảm bảo chi cho lương là 82% và 18% cho các hoạt động thường xuyên.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương do ngân sách hạn hẹp nên khi phân bổ chưa đảm bảo cơ cấu chi như trên mà đa phần là chi tới 90% hoặc cao hơn cho lương và các khoản theo lương, dẫn tới thiếu hụt phần chi cho hoạt động thường xuyên.

Có một thực tế hiện nay là do cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học nên các địa phương đã vận dụng xã hội hóa để thu.

Tuy nhiên, do một số nơi chưa xây dựng danh mục xã hội hóa để trình HĐND tỉnh thông qua và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện nên dẫn tới có tình trạng thu chưa đúng quy định.

Việc huy động xã hội hóa tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012, trong đó trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là chỉ đạo UBND các cấp trực thuộc, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan quản lý tài chính và các ngành liên quan thực hiện Thông tư này trên địa bàn theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Thông tư để kịp thời chấn chỉnh và xử lý những trường hợp sai phạm.

Giải pháp từ Bộ GD&ĐT về tình trạng này trong thời gian tới và những năm tiếp theo sẽ như thế nào để phòng cũng như chống lạm thu đầu năm học?

Ông Trần Tú Khánh: Thời gian tới, cùng với những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tài chính, thu chi trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường hoạt động thanh kiểm tra tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm (nếu có).

Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý là trách nhiệm của địa phương, Bộ không có thẩm quyền để xử lý trực tiếp. Ở đây đòi hỏi trách nhiệm của chính địa phương phải được nâng cao hơn nữa, mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm thì việc xử lý mới có thể dứt điểm được.

Ngoài ra, cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để họ hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện cho tốt.

Xin cảm ơn ông!

Kim Anh (thực hiện)