Bạn đọc viết:

Khi con vào lớp 1

(Dân trí) - Con vào lớp 1 cần lắm bố mẹ quan tâm, yêu thương và mềm mỏng khi dạy con. Có thực sự đồng hành khi con vào lớp 1, phụ huynh sẽ phần nào thông cảm với áp lực giảng dạy mấy chục học trò của cô giáo.

Tôi thường không để ý lắm tới việc cô giáo phê bình, ghi vào vở con khi con viết chậm, viết xấu, hay nói chuyện. Tôi luôn hỏi xem, hôm nay ở lớp cô giáo dạy con điều gì hay, điều gì mà con thích. Con gái 6 tuổi của tôi thật hồn nhiên, con đứng giữa nhà múa hát, bày trò đố vui mới và bảo Con rất thích cô giáo, cô biết nhiều bài múa hát rất hay mẹ ạ. Con đi học ngồi ngoan trong lớp, cô giáo thưởng quả bóng bay mà con cứ rối rít khoe, đầy vui sướng. Con luôn nhớ lời cô dặn: Ngày khai giảng, con mặc quần áo đẹp, mang theo cờ hoa tới lớp. Con và mấy bạn cùng khu tập thể cứ háo hức mong chờ tới ngày khai trường vì được mặc bộ đồng phục áo trắng, váy chấm bi thật xinh mẹ mới may cho, được đi dép xăng đan giống các anh chị lớp lớn.

Tôi nhận thấy, một tháng học hè của con ở trường có thật nhiều ý nghĩa, con được làm quen với trường lớp, với cô giáo, không bỡ ngỡ khi bắt nhịp vào năm học mới. Thú vị nhất là con trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, biết tự mình chuẩn bị đồ dùng học tập, biết dậy sớm để đi học đúng giờ. Về nhà, con còn nhắc bố mẹ phòng chống dịch sốt xuất huyết ra sao, nhắc bố mẹ treo cờ ngày Quốc khánh vì cô con dặn thế... Những ngày nghỉ, bố mẹ cùng các con chộn rộn đi nhà sách mua sắm đủ thứ chuẩn bị cho năm học mới. Tôi động viên các con chăm chỉ học hành, đọc sách mỗi ngày để có thêm nhiều hiểu biết về cuộc sống và thiên nhiên thú vị xung quanh.

Trẻ con lớp 1 như trang giấy trắng tinh khôi, các con ngây thơ và háo hức đi học, còn ham chơi và hay quên. Chuyện mất bút vở, quên đồ dùng ở lớp, quên không làm bài tập xảy ra thường xuyên. Bố mẹ mỗi buổi tối cần dành thời gian học cùng con và dặn con kiểm tra lại sách vở, đồ dùng đầy đủ cho ngày mai tới lớp. Rèn thói quen cho trẻ con cần kiên nhẫn, bố mẹ cáu gắt mắng mỏ sẽ khiến trẻ sợ hãi. Con vào lớp 1 cần lắm bố mẹ quan tâm, yêu thương và mềm mỏng khi dạy con. Có thực sự đồng hành khi con vào lớp 1, phụ huynh sẽ phần nào thông cảm với áp lực giảng dạy mấy chục học trò của cô giáo.

Người lớn chúng ta lăn xả vào công việc mưu sinh, tận tâm tận lực với việc cơ quan và xã hội vì nhìn thấy ngay kết quả là đồng lương lĩnh về mỗi tháng. Nhưng việc học cùng con thì không phải ai cũng sẵn lòng, bố mẹ thường phó mặc việc học của con cho nhà trường và giáo viên vì “tôi đã đóng cả đống tiền”. Nhiều phụ huynh để mặc con tự học, cô phê bình là việc của cô, con hỏi bài thì bố mẹ cáu kỉnh, chửi mắng nhưng cuối năm thì cứ mong chờ con được khen thưởng. Thử hỏi, thế có vô lý không?

Giáo dục từ cấp tiểu học đến cấp THPT liên tục thay đổi, phụ huynh cũng cần linh hoạt trong cách dạy con. Bố mẹ có thể không quan trọng con đạt thành tích này kia nhưng nhất định phải biết con đang học những gì và gặp vướng mắc ra sao.

Tôi đã trải qua vô số kỉ niệm vui buồn thời đi học, có những thất bại làm bản thân rẽ sang hướng khác. Thỉnh thoảng, tôi kể về thời đi học ngày xưa của mẹ với các con, những ngày khai giảng rộn ràng tiếng trống trường, quyển sách có biết bao bài thơ, câu chuyện thật hay mà mẹ ghi nhớ đến bây giờ. Thế là con trai lớn lém lỉnh kể kỉ niệm ngày khai trường của con, lớp con có tiết mục múa hát ra sao, con có thêm nhiều bạn thân thiết, cô giáo chủ nhiệm của con làm tổng phụ trách trường, cô giỏi kỹ năng sống khiến cả lớp háo hức lắng nghe bài cô giảng. Nghe anh kể chuyện ríu rít, em gái tròn xoe mắt ngạc nhiên và bảo với bố mẹ: Con mong đến ngày đi khai giảng quá, mẹ ơi.

Tiếng trống trường sẽ vang trong tâm trí các con như lời giục giã các bạn nhỏ tới trường, hăng say học tập. Mong sao mỗi ngày tới lớp, các con đều vui vẻ biết thêm những kiến thức mới mẻ, thú vị. Tôi luôn nói với các con, chịu khó học tập để khi lớn lên được đi tới những vùng đất mới, có nhiều cảnh đẹp, khám phá đất nước sơn thủy hữu tình như chương trình S Việt Nam mà cả nhà đều thích xem vì bước chân ngàn dặm luôn bắt đầu từ trang sách...

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm