8 kĩ năng thiết thực con trẻ cần biết để vào lớp 1
(Dân trí) - Trong tháng 8 này, trẻ mầm non trên cả nước sẽ nhập học vào lớp 1. Dưới đây là các kĩ năng các con cần biết và cách thức bố mẹ rèn luyện cho con kỹ năng đó được TS. Vũ Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ tới các vị phụ huynh.
Kĩ năng 1: Tự tìm lối thoát hiểm
Ở bất kể một môi trường nào cũng sẽ tiềm ẩn các nguy cơ. Hướng dẫn con tìm lối thoát hiểm là việc nên làm sớm.
Cách làm: Các cha mẹ thực hiện theo các bước như sau:
- Hướng dẫn con tìm ra cửa ra vào để chạy ra được chỗ thoáng đãng. Chỗ đó bao giờ cũng an toàn nhất.
- Dặn con lắng nghe theo lời cô giáo hướng dẫn thoát ra trong thời điểm khẩn cấp.
- Dặn con không chen lấn xô đẩy, xếp hàng đi theo thứ tự.
- Hướng dẫn con tránh sử dụng thang máy trong trường hợp khẩn cấp.
Kĩ năng 2: Sử dụng nhà vệ sinh công cộng
Con sẽ ở trường tiểu học trong 5 năm liền, vì thế, xác định nhà vệ sinh ở khu vực nào là điều vô cùng quan trọng. Con rất cần tìm đúng và nhanh nhà vệ sinh khi có nhu cầu. Khi sử dụng nhà vệ sinh, yêu cầu con sử dụng đúng cách, sạch sẽ và văn minh để không gây ảnh hưởng đến nhà trường, các bạn bè khác.
Nếu nhà vệ sinh của nhà trường chưa thực sự sạch sẽ, cha mẹ nên khuyên con cố gắng vì không nên nhịn, chờ đến khi trở về nhà vì như vậy rất nguy hiểm.
Cách làm: Khi đưa con đi chơi ở những nơi công cộng như công viên, nhà hàng, cha mẹ nên cho con tự tìm vị trí nhà vệ sinh. Nhớ dặn con đi vệ sinh xong dội nước và giữ vệ sinh chung. Nếu con thực hiện nghiêm chỉnh, nhớ khen ngợi con. Nếu con không thực hiện nghiêm chỉnh, nhớ phạt con nhẹ nhàng.
Kĩ năng 3: Đi cầu thang đúng cách
Nếu đi cầu thang mà chen lấn xô đẩy, rất dễ có thể làm không chỉ bản thân bị ngã mà các bạn xung quanh cũng ngã theo. Cha mẹ có thể hướng dẫn con đi cầu thang đúng cách như sau:
- Dán hình bàn chân nhỏ xíu theo hình bên ở cầu thang khu nhà hoặc ở trong nhà.
- Hướng dẫn con đi lên theo dấu chân mầu đỏ và đi xuống theo dấu chân mầu xanh.
- Cả nhà tập đi theo đúng quy định.
- Ai thực hiện sai sẽ bị phạt nhẹ.
Kĩ năng 4: Ăn uống ở trường
Nếu con được cha mẹ xúc ăn suốt từ 0 - 6 tuổi thì việc ăn uống của con ở trường sẽ là điều rất phiền phức đối với cả con và thầy cô giáo. Các cha mẹ chú ý: thầy cô giáo tiểu học không phải là bảo mẫu như các giáo viên mầm non. Họ sẽ không có nhiệm vụ bón cho con, dỗ con ăn cho đủ suất. Nếu bé nhà mình ăn chậm, bé sẽ mệt, không đủ sức chịu đựng hết cả ngày học. Vì thế, dạy con ăn tự giác và đầy đủ sẽ là bài học các cha mẹ phải dạy con trước khi con bước chân vào trường tiểu học. Ngoài ra, con cũng cần được học cách ăn uống gọn gàng, lịch sự.
Cách làm: Để con có được nếp ăn uống phù hợp với sức khỏe, cha mẹ nên cho con ăn đầy đủ các chất ngày từ bé. Yêu cầu con tự xúc mọi bữa ăn. Nhớ đặt đồng hồ để con ăn trong thời gian quy định, thông thường là 30 phút. Khi con ăn chậm hơn, cha mẹ cất bát và không cho con ăn thêm gì cả. Bữa sau con đói sẽ ăn đúng giờ quy định. Làm liên tục như vậy độ 1 tuần, con sẽ vào nếp ăn rất nhanh mà không phải nhờ cha mẹ xúc. Lưu ý: Tuyệt đối không cho con ăn vặt trong thời gian 1 tuần tập luyện ăn đúng giờ.
Kĩ năng 5: Rửa tay đúng cách
Các mẹ hãy cố gắng dạy con quy trình rửa tay đúng cách theo quy định của bộ Y tế. Con làm quen rồi thì việc rửa tay trở nên đơn giản thôi.
Cách làm: Cha mẹ hãy in bảng Quy trình rửa tay đúng cách ra hoặc đi mua ở các hiệu sách. Dán đó vào trước khu vực rửa tay. Đặt ở đó một bánh xà phòng hoặc chai nước rửa tay. Tự mình rửa theo đúng quy trình và yêu cầu con thực hiện theo. Khi cả nhà cùng làm, thói quen tốt sẽ rất nhanh chóng được hình thành.
Kĩ năng 6: Ngủ ở trường
Các cha mẹ lưu ý, con đi học tiểu học chắc chắn sẽ ăn và ngủ trưa tại trường. Các bé nào không hòa nhập được, khó ngủ trưa, sẽ bị mệt và chiều học hành sẽ khó khăn. Vì thế, các cha mẹ cần tập cho con thói quen ngủ trưa vào 1 giờ nhất định.
Ở trường tiểu học, thời gian ngủ trưa sẽ là từ 12h - 13h45, nếu con có thói quen này từ trước thì con sẽ rất dễ dàng theo dược lịch làm việc của trường. Các con cũng cần được tập thói quen nới rộng quần áo trước khi ngủ. Nếu là mùa đông, con cần phải cởi bớt quần áo cho đỡ vướng. Chăn và gối cần được giữ sạch và chia sẻ với bạn bè. Cha mẹ nhớ dặn dò con cẩn thận về điều này nhé.
Cách làm: Cha mẹ nên đặt lịch sinh hoạt như ở trường tiểu học. Thời gian đi ngủ giữ nghiêm chỉnh không thay đổi dù là ngày nghỉ hay ngày thường. Con sẽ theo thói quen đó và có nếp sinh hoạt phù hợp với trường Tiểu học.
Kĩ năng 7: Sinh hoạt với đồng phục
Khác với mầm non, tiểu học sẽ luôn sống cùng đồng phục. Đồng phục của con sẽ là áo trắng và quần hoặc váy. Với các bé gái, các cha mẹ cần dặn con đi đứng chú ý để khỏi bị tốc váy. Khi ngồi khép chân để không bị lộ đồ lót.
Với các bé trai, các cha mẹ cần chọn áo rộng một chút để con có thể mặc thoải mái. Các con cần học cách xắn tay áo lên cao khi vận động. Mùa hè con mặc quần sooc cũng nên chú ý chọn quần dài, nên cho con mặc quần lót để vận động thuận tiện mà không bị lộ. Áo các con mặc cần cái cúc cổ vừa đủ. Nên mở cúc cuối cùng để con có thể vận động dễ dàng mà không bị nghẹn cổ. Các kĩ năng này rất cần thiết, cha mẹ nhớ dặn dò con cẩn thận.
Cách làm: Cha mẹ hãy mua trước đồng phục cho con mặc thử nhé. Nhớ lâu lâu cho con mặc cho quen. Khi đi đứng, nói năng, cha mẹ làm mẫu và hướng dẫn con làm theo. Khi con làm tốt nhớ khen ngợi kịp thời.
Kĩ năng 8: Giữ trật tự trong lớp học
Trẻ mầm non thì được tự do nói chuyện thoải mái. Nhưng khi lên tiểu học, các con sẽ không được tự do như vậy. Để bài giảng được tiến hành, chắc chắn cô giáo sẽ yêu cầu các con phải giữ trật tự. Với người lớn điều này quá dễ dàng nhưng với trẻ thì không dễ. Vậy cha mẹ cần phải làm gì để luyện cho con kĩ năng này.
Cách làm: Cha mẹ có thể yêu cầu con chơi trò chơi “Im lặng là vàng”. Cả nhà đang ngồi nói chuyện vui vẻ, đột nhiên người quản trò yêu cầu trật tự. Lúc đó mọi thành viên trong gia đình giữ trật tự trong một thời gian ngắn. Ban đầu là 2 phút, sau đó tăng dần lên 5 - 10 phút. Để tiện cho việc giữ trật tự, các thành viên sẽ đặt ngón tay lên môi. Ai giữ trật tự được lâu và ngoan sẽ được thưởng. Lâu lâu cha mẹ cho con làm quản trò, con sẽ hào hứng chơi lắm đấy.
TS. Vũ Thu Hương
(Đại học Sư phạm Hà Nội)