Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh trái quy định hàng trăm chỉ tiêu

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, Học viện Phụ nữ Việt Nam có nhiều sai phạm trong tuyển sinh tại cơ sở chính và cơ sở TPHCM.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học hình thức liên thông chính quy và liên thông vừa làm vừa học năm 2022, 2023 chưa đúng chỉ tiêu.

Cụ thể, năm 2022, học viện xác định chỉ tiêu trình độ đại học và hình thức liên thông chính quy từ trung cấp, cao đẳng lên đại học (ĐH) ngành Công tác xã hội là 50 trong khi quy định chỉ được tuyển 26, vượt 24 chỉ tiêu, tương đương 92,3%.

Ở ngành luật, việc xác định chỉ tiêu trình độ đại học hình thức liên thông vừa làm vừa học là 63, trong khi chỉ tiêu quy định là 11, vượt 52, tương đương 472,7%; ngành công tác xã hội tuyển sinh 50 chỉ tiêu, trong khi quy định là 8, vượt 42, tương đương 525%, vi phạm quy định.

Cũng ở hình thức liên thông này, năm 2023, tỉ lệ vượt của ngành luật là 40, trong khi chỉ tiêu đưa ra 34, vượt 17,6%; ngành công tác xã hội tuyển 42 chỉ tiêu trong khi quy định đưa ra là 37, vượt 5 chỉ tiêu, tương đương 13,5%.

Ở chỉ tiêu trình độ đại học hình thức liên thông vừa làm vừa học của ngành luật là 60 chỉ tiêu, trong khi quy định là 11, vượt 49, tương đương 445,5% và ngành công tác xã hội tuyển 20 chỉ tiêu trong khi quy định là 12, vượt 8, tương đương 66,7%.

Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh trái quy định hàng trăm chỉ tiêu - 1

Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT, Học viện Phụ nữ Việt Nam có nhiều sai phạm trong tuyển sinh (Ảnh: Website nhà trường).

Chỉ tiêu liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học chính quy do học viện xác định trong hai năm 2022 và 2023 cũng vượt 13,5-92,3%.

Theo giải trình của Học viện, năm 2022, số sinh viên nhập học của ngành công tác xã hội là 57, do sơ suất về số liệu và sau thời gian nhập học, có 8 sinh viên bỏ học. Học viện đã có thông báo xóa tên khỏi danh sách sinh viên, không công nhận trúng tuyển đại học liên thông hệ vừa làm vừa học ngành Công tác xã hội năm 2022.

Đặc biệt, Học viện tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học ở cơ sở TPHCM vi phạm quy định khi chưa có quyết định thành lập phân hiệu tại đây.

Việc tổ chức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ ở trụ sở chính và tại cơ sở TPHCM vi phạm quy định.

Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT trước đó, từ năm 2022 đến tháng 8/2023, có 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã được mở ngành.

Số lượng này tăng đột biến so với 28 quyết định xử phạt của năm 2021. Các quyết định xử phạt chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo và duy trì điều kiện những ngành đã mở.

Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cũng nêu ra thực trạng số ngành được mở tăng cao khi các trường được tự chủ. Thống kê cho thấy trong 6 năm thực hiện tự chủ đại học đã có 1.194 ngành được mở mới.

Đáng chú ý, có những trường trong vòng 3 năm mở mới 27 ngành, từ đó, cũng nảy sinh nhiều sai phạm trong chấp hành các quy định.