“Học Sử không phải để trả bài”

(Dân trí) - “Học Sử là một quá trình để các em cảm nhận, hiểu biết về các giai đoạn lịch sử chứ không phải để trả bài, làm bài. Không chỉ học sinh mới cần hứng thú để học mà chính người thầy cũng cần cảm hứng để truyền đạt”.

Đó là chia sẻ của ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) tại chuyên đề “Dạy và học Lịch Sử cấp tiểu học bằng phương tiện nghe nhìn” của ngành Giáo dục TPHCM.

Cách đây hai năm, trước thực trạng học sinh (HS) thiếu hứng thú với môn Sử vì nặng về học thuộc, UBND TPHCM chỉ đạo ngành tăng cường hơn nữa việc giảng dạy môn học này thông qua hình ảnh, clip để giúp việc dạy học hiệu quả hơn, tạo hứng thú cho cả người học lẫn người dạy.

“Học Sử không phải để trả bài”
Mô hình sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ do Trường tiểu học Chính Nghĩa, Q.5 thực hiện để đưa vào việc dạy học môn Lịch sử.

Các đơn vị giáo dục quận/huyện được chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, thể hiện cách dạy, cách truyền đạt tích cực vào bài giảng nhưng

"Trách nhiệm của nhà trường đối với môn Lịch sử rất quan trọng. Việc dạy học môn Sử phải trở thành linh hồn của giáo dục" - ông Nguyễn Hoài Chương, phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

vẫn đảm bảo các quy định về môn học như thời gian, kiến thức. Đến nay, ngành tổng hợp lại thành nguồn tư liệu phong phú, các quận huyện chia sẻ với nhau và chọn lọc các nội dung phù để áp dụng vào việc giảng dạy.

Ông Lê Ngọc Điệp nhấn mạnh tinh thần: "Học sử không phải để trả bài, để làm bài” phải được truyền đạt không chỉ tạo hứng thú cho HS mà quan trọng còn tạo hứng thú cho cả người dạy. Môn Sử không khó nếu dạy và học đúng cách". 

Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) cho hay, chúng ta đang quy kết trách nhiệm chán ghét môn Sử về phía HS. Nhưng phải nhìn thẳng, Sử là môn học nặng về tái hiện sự kiện, buộc phải ghi nhớ máy móc về nhiều thông tin, số liệu, thời gian, địa điểm… Việc dạy học quá chú tâm vào tính thuộc bài, theo kiểu học vẹt và thiếu không gian tư duy nên các em không háo hức.

Trong khi chờ đợi một phương pháp vĩ mô ở cấp độ quốc gia để chấn hưng môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông, bà Điệp cho rằng mỗi GV phải nhận thức đúng tầm quan trọng của môn Sử để có những đổi mới tích cực về phương pháp, hình thức dạy học, hình thức vận động truyền cảm hứng cho HS. Điều này đặc biệt quan trọng ở bậc tiểu học, phải cuốn hút được HS vào dòng chảy của lịch sử nước nhà.

Cô Nguyễn Ngọc Hảo - GV Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 cho rằng phương tiện nghe nhìn là người bạn đồng hành với GV qua từng tiết dạy, nhất là với môn Sử. Nhờ vậy, GV không còn phải cặm cụi nhiều giờ để cắt, dán, vẽ, hay “rát cổ” tường thuật sự kiện cho HS mà những hỗ trợ hình ảnh trực quan, sinh động. Việc này cũng đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, GV phải có niềm đam mê thật sự với công việc, phải sáng tạo và biết chọn lọc.

“Học Sử không phải để trả bài”
GV tiểu học tìm hiểu về bộ chuông điện tự động áp dụng cho chương trình thi đố về môn Lịch sử của Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Q.5, TPHCM).

Ông Lâm Văn Đua - chuyên viên phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-TPHCM để việc dạy học thật sự có hiệu quả thì GV phải lưu ý trong việc đánh giá kết quả học tập. Không yêu cầu HS phải học thuộc lòng câu chữ trong sách hay vở ghi mà cần trình bày được các sự kiện, nhân vật lịch sử bằng ngôn ngữ của mình.

Việc giảng dạy môn Lịch sử bằng phương tiện nghe nhìn bậc tiểu học ở TPHCM đạt được những hiệu quả ban đầu khi HS có thái độ tích cực, chủ động với môn học. Thế nhưng, nhiều ý kiến bày tỏ việc thực hiện theo phương pháp dạy học bằng phương tiện nghe nhìn cũng gặp nhiều khó khăn như hiện sĩ số HS quá đông, trường lớp còn thiếu không gian để bố trí việc dạy học phù hợp, việc GV tự mày mò tư liệu cho bài giảng mất rất nhiều thời gian và cũng khó đảm bảo được tính chính xác.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm