Ai mà không yêu Sử?

(Dân trí) - Ai mà không yêu Sử, có điều đó là môn mà phải học thuộc bài, nên khi được thông tin thi tốt nghiệp không có môn Sử thì chúng em ai cũng vui mừng vì đỡ một gánh nặng... - đó là trần tình trên Facebook của học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TPHCM).

Học sinh sợ thi Sử hơn thi Địa
 
Theo đánh giá của nhiều thầy cô, việc học sinh vui mừng khi biết thi môn Địa mà không thi Sử ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 là điều dễ hiểu. Dù sao học ôn tập môn Địa cũng dễ dàng hơn môn Sử. Bên cạnh đó lại có bản đồ Atlat Việt Nam làm “phao” cứu sinh nên học sinh không sợ bị điểm quá thấp.
 
“Nếu biết sử dụng Atlat thì việc học Địa lý sẽ “nhàn” hơn rất nhiều vì không phải ghi nhớ nhiều địa danh và số liệu” - cô Vũ Thị Mai Huế, giáo viên Địa Lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) lý giải.

Tại trang Facebook của Trường THPT Nguyễn Hiền, nhiều em học sinh đồng loạt lên tiếng cho rằng dư luận đang đẩy sự việc theo hướng không đúng sự thật.

“Ai mà không yêu Sử, có điều đó là môn mà phải học bài, nên khi được thông tin thi tốt nghiệp không có môn Sử thì ai cũng vui mừng, mừng đó không phải mừng vì môn mình ghét không có, mà mừng vì đỡ một gánh nặng. Chúng em quá khích nên chúng em làm vậy, để chúng em hào hứng hơn trong mùa thi, chứ không phải chúng em ghét bỏ gì môn Sử, chúng em yêu Sử Việt. Lớp 12 rồi, năm cuối cấp 3 rồi, sắp là sinh viên rồi, chúng em đã biết suy nghĩ rồi, chứ không hồ đồ như mấy báo nói đâu. Thử hỏi nếu xé đề cương rồi thì làm sao chúng em thi học kì II đây?” - đó là lời trần tình trên Facebook của học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé đề cương ôn luyện môn Lịch sử thả xuống sân trường
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé tài liệu ôn tập môn Lịch sử thả xuống sân trường. (Ảnh chụp từ clip)
 
Trao đổi với PV Dân trí xung quanh vụ học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé tài liệu ôn tập môn Sử, PGS Văn Như Cương cho rằng, không nên quá nặng nề với hiện tượng này bởi nó chỉ là cá biệt và trong đó có cả sự bốc đồng của tuổi trẻ.
 
PGS Văn Như Cương phân tích: Thực trạng của việc dạy và học môn Sử trong trường phổ thông, chúng ta đã bàn và phân tích nhiều. Bản thân Bộ GD-ĐT và các nhà nghiên cứu cũng đã thừa nhận những bất cập về việc giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông và đang nỗ lực để “cải tiến” trong chương trình sách giáo khoa mới. Chính vì thế sự việc ở Trường THPT Nguyễn Hiền không phải là điều gì đó mới để khiến chúng ta phải nhận định thêm về môn Lịch sử bất cập.
 
“Qua báo chí tôi được biết, chỉ có một số bộ phận nhỏ học sinh xé tài liệu ôn tập môn Lịch sử khi biết môn này không thi tốt nghiệp còn phần lớn các em khác ủng hộ bằng việc xé giấy trắng. Điều này cho thấy đó chỉ là sự bốc đồng và các em cũng chưa lường hết được hậu quả của nó. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn vấn đề này một cách nhẹ nhàng, không nên phức tạp quá bởi các em học sinh này sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và cần ổn định tâm lý ôn tập để có kết quả thi tốt” - GS Văn Như Cương chia sẻ.

Những điều trăn trở phía sau

Qua sự việc của Trường THPT Nguyễn Hiền cho thấy một thực tế, ở giáo dục phổ thông hiện nay, tình trạng học tủ, học lệch và học không đồng đều, đặc biệt là các môn xã hội còn khá phổ biến. Việc hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn.

Cô Trần Thị Kim Oanh - Tổ trưởng, nhóm trưởng Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) chia sẻ: “Hầu như khi các em theo học lớp chuyên Sử đều có lòng đam mê chính vì thế việc học rất thú vị. Còn đối với những em không học chuyên thì có hiện tượng coi môn Sử là môn phụ, bản thân các bậc phụ huynh cũng có tư duy như vậy, đây mới là mấu chốt của vấn đề”.

Cũng theo cô Oanh, ngoài vấn đề chương trình sách giáo khoa còn nặng nề, hàn lâm thì việc các ngành khoa học xã hội chưa được quan tâm đúng mức cũng có tác động lớn đến việc học tập của học sinh phổ thông.

Đồng quan điểm này, PGS Văn Như Cương cảnh báo thêm: “Với việc tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành ngành Khoa học xã hội ngày càng giảm sút cho thấy nhiều sự bất cập. Nếu chúng ta không giải quyết được bài toán này thì chắc chắn việc học sinh quay lưng lại với các môn xã hội là điều khó tránh khỏi”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc thí sinh thờ ơ với các ngành Khoa học xã hội là do các ngành này ngày càng kém thu hút được nhân lực vì tìm việc khó khăn, lương thấp… Bên cạnh đó, việc giảng dạy các môn xã hội ở các cấp học hiện nay quá khô cứng, thiên về học thuộc lòng, không hấp dẫn học sinh. Tại bậc đại học, giáo trình của những môn học này thường nặng về tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, xa rời thực tiễn, không tạo hứng thú cho sinh viên.

Để giải quyết bài toán học sinh chưa thích thú học môn xã hội nói chung và môn Sử nói riêng thì không chỉ dừng lại thay đổi chương trình mà cần có một sự quan tâm đúng mức đối với ngành khoa học xã hội. Nếu điều này không được thực hiện đồng bộ thì có lẽ việc “chán” môn xã hội vẫn còn.

Nguyễn Hùng