Gia Lai:

Học sinh lớp 12 chế ra phân hữu cơ để trồng rau sạch

(Dân trí) - Mới đây, hai học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trường Chinh (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã mày mò làm ra loại phân hữu cơ từ cây hoa dã quỳ để giúp các bà con trong việc trồng rau sạch được đảm bảo, tiết kiệm chi phí.

Trước đó, những hộ dân trồng rau luôn phải “đau đầu” để tìm ra loại phân bón và thuốc trừ sâu để đảm bảo an toàn và phòng trừ được sâu bệnh tốt.

Phân hữu cơ cho rau sạch

Sinh ra và lớn trong gia đình thuần nông, từ lúc nhỏ em Trần Hoàng Quân đã cùng bố mẹ đi làm nên em luôn hiểu những khó khăn của nhà nông trong việc chăm sóc cây trồng.

Từ khi học cấp hai, Quân đã say mê nghiên cứu lĩnh vực khoa học tự nhiên nên em đã xây dựng cho mình được những vườn rau sạch. Thường ngày, Quân quan sát thấy bà con nông dân thường sử dụng các phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để bón cho rau, nhưng kết quả và năng suất không được cao lại không đảm bảo an toàn, ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ phong trào ý tưởng sáng tạo ở trường nên Quân đã đề đạt ý tưởng “Sử dụng cây dã quỳ làm phân bón và thuốc phòng trừ sâu hại trên cây cải xanh và cải ngồng” nhằm giúp bà con nông dân trên địa bàn sản xuất rau sạch. Ý tưởng này được các thầy cô trong trường đánh giá rất cao và động viên em triển khai nghiên cứu một cách cụ thể.

Hai em học sinh đã nghiên cứu tạo ra phân hữu cơ cho rau sạch
Hai em học sinh đã nghiên cứu tạo ra phân hữu cơ cho rau sạch

Cùng thực hiện với Quân có em Bùi Thị Hiền (bạn cùng lớn 12A1). Bắt đầu từ tháng 6/2015, hai học sinh đã mày mò nghiên cứu để tìm ra một loại cây phù hợp cho việc ủ làm phân hữu cơ.

Hai em đã thử nghiệm hơn 1 tháng ở các loại cây như: cỏ mực, cây chó đẻ, cây dã quỳ… nhằm tìm ra loại cây phù hợp.

Sau khi tổng hợp kết quả, Quân và Hiền đã quyết định chọn cây dã quỳ bởi dã quỳ là một loại cây phổ biến và mọc rất nhiều ở vùng Tây Nguyên. Đồng thời, trong loại cây này cũng chứa hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao tốt cho các loại cây trồng và vị đắng trong cây cũng giúp phòng được các loại sâu bệnh hại trên các loại rau.

Mẫu phân hữu cơ từ cây dã quỳ
Mẫu phân hữu cơ từ cây dã quỳ

Dù đã chọn được loại cây thích hợp nhưng để chế ra loại phân hữu cơ thì hai em học sinh lại gặp rất nhiều khó khăn và thất bại trong việc ủ, xử lý các vi khuẩn. Em Trần Hoàng Quân nhớ lại: “Em ủ mấy lần lá cây đều bị chảy nước và có vi sinh vật xâm nhập. Sau đó, em cùng Hiền đã phải nghiên cứu trên mạng, hỏi ý kiến thầy cô và xử lý bằng cách ủ phân trong thùng xốp kính và đảo thường xuyên để cho phân đạt hiệu quả như mong muốn…”.

Em Quân cho biết thêm, cây dã quỳ khi mang về được cắt khúc khoảng 3cm, sau đó bỏ vào thùng xốp kín và bỏ thêm chất hữu cơ vi sinh Trichoderma, sau đó ủ trong 15 ngày. Đặc biệt, phân phải được đảo đều để giữ phân luôn khô ráo và thấm đều. Để chắc chắn về chất lượng của phân, Quân đã gửi mẫu ra TPHCM để kiểm nghiệm hàm lượng các chất dinh dưỡng của phân và khả năng phòng trừ sâu bệnh.

Mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân

Để chứng minh về hiệu quả của phân bón hữu cơ, Quân và Hiền đã đi thực tế lấy mẫu đất và rau của các hộ gia đình trồng rau cải bán để kiểm nghiệm phân hữu cơ vi sinh mà mình đã chế tạo ra. Em Bùi Thị Hiền tâm sự: “Mới đầu các hộ dân trong thôn đều không tin, vì thấy các em còn nhỏ mà phân lại không rõ nguồn gốc sợ chết rau. Nhưng bằng sự thuyết phục và chứng minh bằng mẫu báo cáo kết quả kiểm nghiệm ở Sài Gòn nên bà con đã tin tưởng dùng thử. Mới đầu chỉ là thử trên diện tích nhỏ, nhưng sau khi thấy rau cải rất xanh tốt, các loại sâu ăn lá trước kia đã không thấy xuất hiện…”.


Loại phân hữu cơ từ cây dã quỳ đã đưa ra thử nghiệm tại các hộ trồng rau cải và cho kết quả rất tốt.

Loại phân hữu cơ từ cây dã quỳ đã đưa ra thử nghiệm tại các hộ trồng rau cải và cho kết quả rất tốt.

Thấy phân hữu cơ của các học sinh tạo ra có hiệu quả, chi phí rẻ và an toàn cho người sử dụng nên các hộ trồng rau đã tới để xin về thử nghiệm tại vườn rau cải nhà mình. Vượt qua sự mong đợi của Quân và Hiền, các luống rau cải đều phát triển tốt, sức chống chịu được sâu bệnh cao và an toàn cho người dùng. Đặc biệt hơn, khi dùng loại phân hữu cơ trên dã quỳ, năng suất tăng lên khoảng hơn 15% so với dùng phân hóa học và phun thuốc trừ sâu.


Kết quả kiểm định về loại phân hữu cơ từ cây dã quỳ

Kết quả kiểm định về loại phân hữu cơ từ cây dã quỳ

Ông Bùi Xuân Bắc (thôn Mỹ Thạch 2, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho biết: “Nhà tôi đã trồng rau đã lâu đời. Trăn trở nhất là khi rau thường bị sâu bệnh phá. Việc lựa chọn phân hóa học và thuốc trừ sâu là điều bắt buộc nhưng cân đối hợp lý để phòng trừ được sâu bệnh và an toàn. Khi được hai cháu học sinh giới thiệu về sản phẩm phân hữu cơ, mới đầu tôi cũng nghi ngờ vì loại cây dã quỳ là loại cây dại sao có thể làm phân và phòng trừ sâu bệnh được. Tôi cũng dùng thử ở một vài luống sau thấy hiệu quả, rau cải sinh trưởng và phát triển tốt, phòng được các loại sâu ở cải nên tôi đã mạnh dạn mở rộng dùng ra cả vườn. Tính đến ngày thu hoạch, tính toán lại thấy năng suất tăng khoảng 15% so với trước đây, mà chi phí đầu tư thấp hơn nhiều.

Cô Nguyễn Thị Diệu Hành (giáo viên môn Sinh, trường THPT Trường Chinh) cho hay: “Đề tài nghiên cứu của các em có tính ứng dụng rất cao. Nhìn chung về hiệu quả chế phẩm phân hữu cơ rất tốt lại tiết kiệm chi phí, năng suất được tăng đáng kể cho bà con nông dân. Đặc biệt, việc tạo ra loại phân hữu cơ này rất đơn giản nên các bà con có thể làm tại gia đình…’.

Hiện để nghiên cứu thêm, hai em Quân và Hiền đang tiếp tục thử nghiệm trên các loại cây cà phê và tiêu là loại cây phổ biến và nguồn thu nhập chính của các bà con trên địa bàn Tây Nguyên.

Phạm Hoàng

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm