Đắk Nông:

Hai nữ sinh chế đồ chơi thông minh từ con chuột vi tính hỏng

(Dân trí) - Từ một con chuột máy tính bị hỏng, một hộp nam châm, một mô tơ, hai nữ sinh tiểu học ở tỉnh Đắk Nông đã tạo ra một món đồ chơi đặc biệt. Hai tác giả của sáng chế hy vọng, món đồ chơi này sẽ được cải tiến, nâng cấp để có thể hút đinh, vật sắc nhọn bị rải trên đường.

Trở về từ cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 13 năm 2017, hai nữ sinh Nguyễn Đặng Thảo Vân và Vương Khả Ngọc Hạnh (cùng sinh năm 2008) vẫn chưa hết vui mừng, bất ngờ. Nhóm hai nữ sinh này là nhóm đạt thành tích cao nhất trong tổng số 8 đề tài mà đoàn Đắk Nông tham dự cuộc thi.

Gặp Vân, cô học trò nhỏ của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông), cô bé có vẻ bạo dạn hơn bạn bè cùng trang lứa. Vân cho hay, cuối tháng 10 vừa qua, em cùng Ngọc Hạnh (học sinh Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân) được ra Hà Nội nhận giải, gần một tuần trôi qua nhưng cảm xúc trong em vẫn rất hồi hộp và đầy tự hào.

Vân và Hạnh bên cạnh mô hình đồ chơi thông minh
Vân và Hạnh bên cạnh mô hình đồ chơi thông minh

Chia sẻ về ý tưởng đưa Vân tới giải Nhì quốc gia, cô học trò kể lại: “Trong lúc con xem ba con tháo một cái loa ra sửa, con thấy có một vật tròn nằm trong. Ba con giải thích vật tròn đó là có chứa nam châm ở trong đó cho nên nó hút được tất cả các vật làm bằng sắt”.

Sau đó, Vân lấy thanh nam châm ra chơi và hút các ốc vít và đinh sắt bỏ vương vãi trên phản. “Trong quá trình chơi với thỏi nam châm, con nảy ra ý tưởng kết hợp cái nam châm đó với một vật mà có thể tự chạy thì nó sẽ tự động thu gom đinh. Sau đó con mang ý tưởng này nói với Hạnh để rủ bạn ấy cùng thực hiện chung”, Vân nhớ lại.

Vân và Hạnh mang gắn thỏi nam châm vào chiếc xe đồ chơi nhưng trong quá trình hoàn thành sản phẩm, cả hai phát hiện ra con chuột ở máy tính bị hỏng cũng có thể thực hiện ý tưởng này.

Sản phẩm mang lại cho các em giải Nhì trong một cuộc thi sáng tạo
Sản phẩm mang lại cho các em giải Nhì trong một cuộc thi sáng tạo

“Chúng con muốn làm cho con chuột máy tính hỏng đó thành một “con vật” biết chạy. Dù gì sau khi bị hỏng, nó cũng bị bỏ đi nên con muốn tận dụng nó vào một việc có ích như dùng làm đồ chơi cho em trai chúng con”, Ngọc Hạnh cho hay.

Để hoàn thành món đồ chơi, Hạnh và Vân chỉ sử dụng một con chuột máy tính bị hỏng, một hộp kẹp giấy lá, một hộp nam châm, một mô tơ trong xe đồ chơi, pin tiểu. Sau khi tháo toàn bộ linh kiện bên trong và ra chỉ lấy vỏ bên ngoài bên ngoài, hai nữ sinh gắn các kẹp giấy lá vào phía dưới của con chuột rồi dán lại bằng keo nến làm chân hút.

Vân cho biết: “Để con chuột này hoạt động, chúng con lấy hai cái pin tiểu và một cái mô tơ của xe ô tô đồ chơi cho gắn vào bên trong của con chuột. Sau đó chúng con cắt một hình tròn bằng bìa và cho một cái nẹp trên hình tròn đó với tác dụng vừa làm mặt cho con côn trùng và cũng nhằm để khi mô tơ quay thì cái kẹp đó chạm xuống đất và sẽ làm cho con chuột chạy”.

Dù được tận dụng từ con chuột vi tính hỏng, nhưng nó có rất nhiều chức năng
Dù được tận dụng từ con chuột vi tính hỏng, nhưng nó có rất nhiều chức năng

Cô Đặng Thị Bình, giáo viên hướng dẫn cho hai học sinh này cho biết, món đồ chơi từ con chuột máy tính của hai nữ sinh sử dụng mô tơ quay lệch tâm tạo nên độ rung tương thích với những đôi chân mềm mại để chuyển động, thực hiện việc gom đinh và mạt sắt trên đường... Kết hợp với đôi “càng” phía trước và đuôi phía sau nên nó có thể thu gom những góc nhỏ, di chuyển mọi nơi không bị mắc kẹt.

Theo chia sẻ của Ngọc Hạnh, đây là một sản phẩm đơn giản nhưng có nhiều chức năng nên cả hai em thống nhất đặt tên là “Đồ chơi con chuột máy tính thông minh”. Hai nữ sinh này hy vọng, ngoài việc làm đồ chơi cho trẻ em, món đồ chơi sẽ được cải tiến, nâng cấp như “một con vật” tự động thu gom đinh và mặt sắt trên đường, hạn chế nạn đinh tặc.

Thầy Đào Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu đánh giá, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất nơi các em theo học còn nhiều khó khăn, nhưng các em đã biết sáng tạo, vận dụng kiến thức thực tế để cho ra đời mô hình đồ chơi đặc biệt. Tuy còn một số hạn chế, nhưng so với độ tuổi của các em thì đó đã là một thành công. Ngay từ ban đầu, mô hình đã được Hội liên hiệp khoa học tỉnh Đắk Nông đánh giá cao, được đề cử tham gia tranh giải.

Dương Phong

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm