Dự thảo chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới:
Học sinh lớp 11, 12 tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp
(Dân trí) - Theo định hướng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới đối với học sinh THPT, chương trình sẽ dành một năm lớp 10 làm năm dự hướng, lớp 11 và lớp 12 để HS tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định: “GDPT 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho HS tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.”
Theo GS Thuyết, nhìn chung, ý kiến chuyên gia và dư luận xã hội đồng tình với dự thảo CT tổng thể thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở Tiểu học và THCS.
Tuy nhiên, ở THPT, phương án mà CT tổng thể đưa ra chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trước hết, HS vẫn phải học quá nhiều môn, không có điều kiện đi sâu vào những lĩnh vực cần cho nghề nghiệp tương lai. Thứ hai, nội dung học tập chủ yếu vẫn giới hạn trong một số môn học truyền thống (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học); không đáp ứng được nhu cầu định hướng nghề nghiệp rất đa dạng của HS.
GS Thuyết cho rằng, để đáp ứng yêu cầu “bảo đảm HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu, CT cấp THPT phải thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn. Theo định hướng này, CT sẽ dành một năm lớp 10 làm năm dự hướng, lớp 11 và lớp 12 để HS tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.
Cụ thể, là ở lớp 10, HS vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn CT hiện hành. Trừ ba môn công cụ Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ.Môn Giáo dục Thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, số lượng các môn học ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7 môn.
Sau giai đoạn dự hướng, từ lớp 11 trở đi, HScần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
GS Thuyết cho biết, mỗi HSchỉ cần chọn khoảng 4 hoặc 5 môn học. Bên cạnh những môn cần cho nghề nghiệp tương lai, các em có thể chọn thêm ít nhất một môn phù hợp với sở trường, sở thích của mình.Ví dụ, một HSdự kiến theo đuổi nghề Y sẽ chọn Toán, Hóa học, Sinh học; bên cạnh đó, có thể chọn thêm Ngoại ngữ, Mỹ thuật (vẽ, điêu khắc, thời trang,…) là những môn HSđó yêu thích hoặc có năng khiếu nhất định.
Theo giải pháp này, đối với mỗi HS, số môn học sẽ giảm được hơn một nửa; các em vừa có điều kiện học sâu hơn, có thời gian thực hành nhiều hơn để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai, vừa có điều kiện phát triển một số NL khác.
Vì được chọn ít nhất 5 môn nên các em cũng có điều kiện chuyển sang định hướng khác, nếu thấy định hướng nghề nghiệp ban đầu chưa thật phù hợp với mình.
Mặt khác, với 5 môn tự chọn, những HSkhông dự thi hoặc không thi đỗ đại học, cao đẳng vẫn có thể nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống và tìm cho mình một công việc phù hợp.Ví dụ những HS có khiếu về mỹ thuật hoàn toàn có thể tự khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang, đồ họa.
Giải pháp dành thời gian học sâu hơn, có điều kiện thực hành nhiều hơn còn là sự hỗ trợ cần thiết để HSchuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai khi thời gian đào tạo đại học được rút ngắn một năm như quy định mới về hệ thống giáo dục quốc dân.
"Để hỗ trợ HS chọn được những môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, cần có sự tư vấn của các thầy cô chủ nhiệm, thầy cô phụ trách môn học và phụ huynh học sinh. CT cũng có thể dành cho cơ sở giáo dục quyền xây dựng các tổ hợp môn học phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở và địa phương mình" - GS Thuyết nhấn mạnh.
Tăng thời gian hoạt động trải nghiệm
So với CT hiện hành, dự thảo CT tổng thể có một số môn học và hoạt động giáo dục mới; cụ thể: Hình thành một số môn học tích hợp (Khoa học Xã hội, Khoa học Tự nhiên), phân hóa (Ngữ văn 1, Ngữ văn 2; Toán 1, Toán 2; …) và các chuyên đề học tập.Bổ sung hai hoạt động giáo dục là Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và Nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Theo ý kiến chuyên gia, việc hình thành các môn học tích hợp ở Tiểu học và THCSlà đúng; nhưng kéo dài lên THPT thì không nên vì đây là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp có yêu cầu phân hóacao.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, nếu được học một số chuyên đề học tập thì HSsẽ có điều kiện nghiên cứu vấn đề sâu hơn. Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy việc này không dễ thực hiện. Nếu CT GDPT xác định sẵn tên và nội dung các chuyên đề thì điều đó có thể khiến CT xơ cứng, không phù hợp với sự đa dạng của nhu cầu học tập ở các địa phương khác nhau và khả năng biến động về ngành nghề trong thực tế. Nhưng nếu giao cho địa phương hoặc các trường biên soạn chuyên đề thì vì nhiều lý do điều này rất khó trở thành hiện thực.
Hoạt động Trải nghiệm sáng tạo được dự thảo CT tổng thể dành số giờ tương đương môn Toán ở các cấp Tiểu học, THCS và bằng hoặc hơn tổng số giờ dành cho hai môn môn Toán, Ngữ văn cộng lại ở cấp THPT. Nhưng nội dung của hoạt động này chưa rõ ràng; có lúc bao gồm cả những hoạt động tập thể như chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn thể,...
GS Thuyết cho rằng, theo quan điểm của chúng tôi, Hoạt động Trải nghiệm sáng tạo (nên gọi là “Hoạt động Trải nghiệm” cho gọn và chính xác) bao gồm hai loại, thứ nhất, loại hoạt động gắn với nội dung từng môn học và loại hoạt động mang tính tích hợp liên môn hoặc xuyên môn.
Loại thứ nhất, do giáo viên môn học thực hiện trong số giờ quy định cho môn học đó; CT, SGK môn học cần thể hiện hoạt động này.
Loại thứ hai, do từng trường xác định phù hợp với yêu cầu của địa phương, đặc điểm và điều kiện cụ thể của trường;việc thực hiện hoạt động tính vào thời gian dành cho giáo dục địa phương.
Những hoạt động này tuy không thể biên soạn thành bài, mục, chương trong CT GDPT nhưng cần có tài liệu hướng dẫn.
"CT GDPT cần coi việc tham gia Hoạt động trải nghiệm là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp và khuyến nghị các trường đại học, cao đẳng coi đó là điều kiện ưu tiên để tuyển sinh.Nếu hiểu Hoạt động trải nghiệm như trên thì Nghiên cứu khoa học kỹ thuật cũng là một loại Hoạt động trải nghiệm" - GS Thuyết nhấn mạnh.
Hồng Hạnh