“Học sinh bây giờ khổ cực quá”
Có sự trái ngược giữa đánh giá của cấp quản lý với góp ý của các giáo viên đứng lớp về chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông - GS Văn Như Cương thẳng thắn nhận định với buổi giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại trường mình.
30% kiến thức Toán là vô bổ
Trước nhiều ý kiến của cấp quản lý cho rằng CT-SGK hiện nay phù hợp với tâm sinh lý đối tượng học sinh và không “quá tải”, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh lại có quan điểm ngược lại. “Trường THPT Lương Thế Vinh có tỷ lệ học sinh đỗ ĐH cao, điểm trung bình tuyển sinh ĐH trên 18 điểm trong khi mức trung bình của Hà Nội là dưới 13 điểm. Tuyển sinh lớp 10, trường có mức điểm chuẩn thuộc tốp đầu toàn thành phố. Tuy chất lượng đào tạo của trường khá cao nhưng để nói về CT-SGK hiện hành tôi vẫn phải thừa nhận học sinh đi học bây giờ khổ cực quá.” - GS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Chia sẻ về những điểm “vô lý” của CT-SGK hiện nay, GS Văn Như Cương cho biết, trừ những giáo viên dạy toán mới cần đến số phức thì không thể hiểu dạy học sinh kiến thức này để làm gì. Vô lý nhưng không thể bỏ qua vì theo giáo sư kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có 1 câu liên quan đến kiến thức này. “30% kiến thức Toán là vô bổ nếu không theo học chuyên ngành Toán” - ông kết luận.
Một giáo viên dạy Văn trường Trung học Lương Thế Vinh cho rằng việc xa rời thực tế, nặng tính hàn lâm thể hiện khá rõ trong SGK. Giáo viên này đưa ra ví dụ SGK Ngữ văn lớp 7 với cụm bài “Thơ Đường”quá cao so với tư duy, khả năng cảm nhận của học sinh. Nặng về kiến thức nhưng phân phối chương trình cứng nhắc, không hợp lý, không giao quyền chủ động cho giáo viên cũng là nguyên nhân dẫn tới quá tải với cả học sinh lẫn giáo viên.
“Bộ biết mà sao không sửa?”
“Bộ GD-ĐT biết quá tải từ lâu khi thực hiện CT-SGK cải cách nhưng đến năm ngoái mới đưa ra chương trình giảm tải hết sức chắp vá, vụn vặt, bỏ một, hai bài tập, bỏ câu a, b nhưng không dám bỏ chương bỏ bài. Đấy là năm ngoái, năm nay thì không thấy bổ sung gì” - GS Văn Như Cương góp ý. Thầy Nguyễn Hoàng Liêm, giáo viên Toán trường THCS Liên Mạc cũng thừa nhận chương trình Toán THCS nặng, giáo viên thực sự gặp khó khăn khi thực hiện chương trình. Trong khi đó, về việc giảm tải, thầy Liêm khẳng định: “Nội dung giảm tải vụn vặt, ít đem lại tác dụng. Bài tập trong SGK thường có tính liên hoàn, cắt bài tập ở chương trình này nhưng kiến thức lại có ở chương sau nên dù có giảm tải thì giáo viên vẫn phải dạy. Nếu muốn giảm tải thì phải làm tổng thể”.
Một thực tế nữa được nhiều giáo viên phản ánh là CT-SGK phổ thông với một số môn học yêu cầu cao khiến học sinh dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và học sinh có học lực yếu khó theo kịp. Trong khi đó, việc sử dụng CT-SGK đại trà sẽ dẫn tới lãng phí, không phát huy được với những học sinh có năng lực vượt trội, vì vậy ông Phạm Văn Đại, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam kiến nghị: " Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng chương trình SGK THPT chuyên để áp dụng đồng bộ trên phạm vi cả nước. Chương trình chuyên cần cho phép 70% phần cứng bắt buộc thực hiện chung cho toàn quốc, mang tính hệ thống. Ngoài ra, 30% dữ liệu mở để cho phép bổ sung trên cơ sở phù hợp với trình độ, năng lực học sinh, phù hợp với thời đại, phù hợp với điều kiện cơ sở vùng, miền khác nhau...”.
Không đơn giản chỉ nặng nhẹ về nội dung kiến thức, GS Văn Như Cương còn nêu ra thực trạng đáng lo ngại hơn khi chương trình không đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. "Chúng ta hiện đang thiếu hẳn việc dạy làm người, dạy kỹ năng sống mà thiên về kiến thức văn hóa, mất cân đối nghiêm trọng. Xã hội nhiều tệ nạn mới, phức tạp, nhưng nhà trường không giúp học sinh có sức đề kháng. Điều này cần phải được thay đổi trong CT-SGK mới".
Kêu gọi sự đóng góp khách quan, trung thực về những tồn tại của CT-SGK phổ thông hiện hành để rút kinh nghiệm cho việc đổi mới CT-SGK phổ thông sau năm 2015, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết đây là mục tiêu của đợt giám sát lần này tại nhiều trường học ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. “Chúng tôi muốn nắm rõ điểm yếu của CT-SGK hiện hành qua tiếng nói của thầy cô giáo, đồng thời tìm hiểu các mô hình đặc thù để thấy được những ưu việt của mô hình này. Từ đó sẽ rút kinh nghiệm để Quốc hội góp ý vào việc đổi mới CT-SGK sắp tới”.