Học phí 1 đồng, phụ thu 10 đồng: Biến tướng lạm thu giống tham nhũng "vặt"
(Dân trí) - Phụ phí đè học phí. Hàng loạt các khoản đóng góp, phụ thu cao hơn nhiều học phí đang giống như một "ung nhọt" trong ngành giáo dục. Nếu không được giải quyết sẽ trở thành nạn tham nhũng "vặt".
Năm nào cũng đóng tiền lắp điều hòa, máy chiếu, tivi, sửa chữa cơ sở vật chất
Trong căn phòng trọ cũ kỹ ở quận Bình Tân (TPHCM), chị Bích Tuyền cùng chồng đang tính toán xem tới đây phải chi tiêu như thế nào để có tiền đóng học cho con. Trước đây, con gái lớn vào lớp 1, anh chị đã đóng gần 2 triệu đồng tiền cơ sở vật chất cho 5 năm.
Năm nay con lên lớp 6, những tưởng sẽ "thoát" được khoản phí ấy, nhưng mọi thứ lại tái diễn. Trong cuộc họp đầu năm học, chị đau đầu khi nghe cô giáo thông báo có thể thu 1 triệu đồng/phụ huynh để mua máy lạnh. 1 triệu đồng, là cả một vấn đề đối với gia đình chị Tuyền thời điểm này.
Vợ chồng đều là công nhân của Công ty TNHH Pouyuen, từ vài tháng trước đã bị giảm giờ làm. Tổng thu nhập của hai vợ chồng cỡ 14 triệu đồng, tiền nuôi con hằng tháng đã chiếm quá một nửa.
Trong đó, học phí của con gái lớn mỗi tháng là khoảng 1,5 triệu đồng. Vì tiền lương không đủ nuôi con, chị Tuyền không thể cho con gái học thêm tăng cường trong suốt 5 năm qua.
"Tiền ăn, tiền học cho con mỗi tháng, tiền đóng góp đầu năm. Còn tiền trọ, tiền điện, nước, ăn uống, thuốc men... chưa kể", nữ công nhân nhẩm trong đầu, rồi chợt bất ngờ khi tính đi tính lại, trong túi không còn dư đồng nào.
Ngoài khoản phí máy lạnh đầu năm, chị Tuyền còn phải đóng thêm kinh phí mua rèm cửa, mái che,.. và nhiều thứ chưa có báo giá khác.
"Giờ lớp 40 người, hết 39 người đồng ý đóng thì mình cũng phải ráng gồng theo. Khó khăn lắm, nhưng rất sợ con bị thua thiệt, bị phân biệt đối xử và sợ các phụ huynh khác họ phàn nàn", chị Tuyền nghẹn ngào.
Đặc biệt vào mỗi đầu năm học, nếu chưa kịp nhận lương, chị Tuyền phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để đóng học cho con. Nữ công nhân cay đắng, tự mô tả cuộc đời mình là "ăn trước, trả sau". Mọi thứ cứ như một vòng lặp và gia đình chị mãi không thoát được cảnh nghèo, 4 người chui rúc trong căn trọ chật hẹp.
Cầm chiếc bánh mà phóng viên Dân trí gửi tới nhân dịp tết Trung thu, người mẹ trẻ ngậm ngùi bởi lần cuối chị ăn bánh trung thu là 14 năm trước.
"Nói ra thì mắc cỡ quá. Từ hồi lấy chồng, sinh con đến giờ, có năm nào tôi dám bỏ tiền mua bánh trung thu đâu. Tiền làm ra, có đồng nào là lo cho con hết đồng nấy, không có dư hoặc nếu có cũng chỉ đôi ba triệu để đó phòng hờ đau bệnh", chị Tuyền bộc bạch.
Đêm trước Trung thu, hai vợ chồng ăn mì tôm cả ngày, dành tiền chợ đưa chồng chở con đến khu vui chơi. Dù không thể mua lồng đèn cho con nhưng chị phần nào thấy ấm lòng khi cậu bé tươi cười hớn hở.
Dẫu vậy, đêm đến chị lại mất ngủ khi tháng 11 tới, công ty có thể tiếp tục đợt sa thải mới, sợ vợ chồng sẽ có tên trong danh sách cắt giảm lao động. Ước mơ của anh chị chỉ là có được công việc ổn định để lo cho con cái được học hành đàng hoàng, để thoát cái khổ, cái nghèo.
Đến hẹn lại lên, năm học mới bắt đầu, nhiều phụ huynh lại đau đầu với nhiều khoản chi tiêu cho trẻ. Chưa hết lo tiền mua sách vở, đồng phục, bảo hiểm, học thêm..., giờ đây, cha mẹ lại phải xoay khắp nơi để đóng khoản lắp điều hòa, máy chiếu, tivi thậm chí gánh luôn khoản sơn, sửa lớp học, bàn ghế. Với những phụ huynh không có điều kiện, các khoản đóng góp đầu năm trở thành gánh nặng.
Anh Minh Hoàng - một phụ huynh học sinh ở quận 3, TPHCM - chia sẻ con học tiểu học nên không phải đóng học phí nhưng phụ phí lại nhiều vô kể. Đủ các loại quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh, chi phí cho hoạt động trải nghiệm, học kỹ năng sống, môn liên kết...
Anh Hoàng làm về công trình, vốn có mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng nhưng kể từ 5 tháng trước, công ty dừng hoạt động nên anh chưa thể xin được việc. Dù hạ mức lương xuống 25 triệu đồng/tháng vẫn chưa có nơi thuê.
Chi phí cả 4 người ăn ở tại thành phố phụ thuộc vào nguồn thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng của vợ.
"Hình thức tự nguyện ngày càng biến tướng. Cơ quan chức năng cứ có văn bản cấm là bên dưới lại có cách để lách. Ngay như việc cấm bán sách bài tập thì đầu năm nhà trường không bán, chỉ nguyên bộ sách giáo khoa.
Tôi đang mừng vì trường có cải tiến. Ai dè, khi vào học, giáo viên lớp yêu cầu phải mua sách bài tập nếu không có cô không dạy con mình nữa. Vậy là phụ huynh lại chạy vạy khắp nơi để mua. Dù nhà trường không bán sách bài tập nhưng vẫn có cách để "ủng hộ" nhà xuất bản", anh Hoàng bức xúc.
Tại Trường THPT Bình Phú (quận 6, TPHCM), khi tiếp nhận hồ sơ lớp 10, một nhân viên trong quá trình hướng dẫn mua đồng phục đã yêu cầu phải mua đủ cả "combo" và còn "hù" học sinh không đeo balo đồng phục, bảo vệ không cho vào trường.
Sau khi có phản ánh, Hiệu trưởng Trần Nghĩa Nhân đã phải lên tiếng cho hay chủ trương của trường là tự nguyện chứ không ép buộc học sinh; đồng thời phải chấn chỉnh nhân viên có phát ngôn không đúng.
Còn gia đình chị Thanh Mai (tên nhân vật đã được thay đổi), dù hai vợ chồng đều có công việc ổn định trong môi trường công sở ở TP Thái Nguyên, thế nhưng, nỗi lo đóng góp đầu năm học mới cũng không hề nhỏ. Băn khoăn nhất là những khoản thu gắn mác "tự nguyện" ở trường.
Con vừa vào lớp 1, phụ huynh đã nhận được bảng dự trù quỹ lớp đến gần 35 triệu đồng. Các hạng mục cần mua sắm như: một chiếc tivi 11 triệu đồng, 2 chiếc điều hòa 13 triệu đồng, rèm cửa 5 triệu đồng, sơn tường lớp học 2,3 triệu đồng, bóng đèn 1 triệu đồng...
Chưa kể, còn đủ các mục khác như giá để dép, cốc uống nước, giỏ đựng sách, lọ hoa, ghế nhựa, bóng bay trang trí lớp nhân sự kiện, tiền mái che tủ đồ...
"Tự nguyện" nhưng không... tự nguyện
Với người mẹ 2 con, dù thu nhập của vợ chồng chị Mai vẫn đủ điều kiện để đóng các khoản trên nhưng nếu để nói tự nguyện lại không vui vẻ.
Nhìn bảng danh sách dự chi dài đến gần 20 mục mà phụ huynh trăn trở. Hễ có con vào đầu cấp là lại các khoản quen thuộc mang tên điều hòa, tivi, sửa cơ sở vật chất...
"Nói là tự nguyện chứ bảng liệt kê đã ghi rõ mua loại nào, công trình sơn sửa tường và mua rèm cửa cũng được chỉ định thuê cùng một nhà thầu, mua một chỗ.
Đây đều là những khoản cần sắm ngay đầu năm, chứ rồi còn phát sinh nữa", chị Thanh Mai chia sẻ.
Chị Thanh Mai kể, nhiều phụ huynh trong lớp cũng bất bình nhưng không dám nói sợ con mình bị đưa vào "danh sách đen".
Phụ huynh Trường Tiểu học CN2 (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) mới đây cũng bức xúc kiến nghị về những khoản thu vào đầu năm học 2023-2024.
Trường tổ chức thu khoản tiền 300.000 đồng/học sinh để cải tạo khuôn viên vì một số nơi ẩm mốc, đóng rêu. Bên cạnh đó, phụ huynh được gợi ý trang bị mỗi lớp 1 tivi với giá gần 9 triệu đồng.
Sau khi phụ huynh phản ánh, Phòng GD&ĐT TP Cam Ranh có kết quả kiểm tra, các khoản thu được trả lại.
Hay như mới đây, câu chuyện quỹ phụ huynh 310 triệu đồng, mỗi người đóng 10 triệu tại Trường Tiểu học Hồng Hà (TPHCM) đã gây bất bình trong dư luận. Tại Trường THPT Thanh Miện III (tỉnh Hải Dương), một lớp dự thu gần 9 triệu đồng/học sinh với 21 khoản.
Tại Hà Nội, Trường THPT Chu Văn An đã yêu cầu hoàn lại khoản tiền thu 4,5 triệu/học kỳ/học sinh của phụ huynh lớp 12 Văn. Bản dự trù kinh phí hoạt động của ban phụ huynh một trường thuộc huyện Thanh Trì với số tiền gần 500 triệu đồng cũng khiến dư luận hoảng hốt.
Theo các phụ huynh, những khoản đóng góp đầu năm hay các môn liên kết đào tạo đều mang danh "tự nguyện" nhưng thực tế không nộp không được.
Chị Mai Ngô (tên nhân vật đã được thay đổi) - phụ huynh học sinh lớp 3 tại quận Gò Vấp, TPHCM - kể phụ huynh lớp chị đã tranh luận gay gắt khi có quá nhiều khoản được yêu cầu cha mẹ đóng góp vô lý như tiền tập văn nghệ của chung trường, tiền chi phí bồi dưỡng thi...
"Nếu trên tinh thần tự nguyện thì có sao góp vậy nhưng hầu hết đều đang chia đều về từng lớp, từng phụ huynh. Chi xong mới báo thu tiền", chị Ngô nói.
Việc kêu gọi xã hội hóa, đóng góp tự nguyện để mua sắm, tu bổ thiết bị vật chất, hỗ trợ công tác giảng dạy là chuyện phổ biến ở các trường học trước thềm năm học mới.
Trong đó, đại diện hội phụ huynh sẽ là người đề xuất, các mục thường được xé nhỏ, nếu chỉ đọc qua sẽ nghĩ "không đáng bao nhiêu". Tuy nhiên, khi gộp hơn chục đầu mục, phụ huynh phải nộp lên đến tiền triệu.
"Cô giáo chủ nhiệm hay trưởng ban phụ huynh ngày nào cũng nhắn thúc giục. Sợ con bị đì nên ai cũng phải đóng", chị Thanh Mai bày tỏ.
Lý giải về việc năm nào cũng thu tiền máy lạnh, tivi, sửa chữa phòng học, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết những nội dung như trang bị tivi, điều hòa, máy chiếu, cải tạo phòng học... phần lớn các đơn vị vẫn tập trung vận động từ phụ huynh học sinh thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây là hạn chế lớn.
Qua quá trình sử dụng thiết bị bị hư hỏng hoặc một số trường thực hiện theo hình thức cuốn chiếu nên dẫn đến thông tin năm nào cũng thu.
Ông thừa nhận dù HĐND, UBND TPHCM, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn và quy định chi tiết về thu chi, vận động tài trợ nhưng trong thực tế vẫn còn một số nơi thực hiện chưa đúng.
"Đầu năm học, phụ huynh phải lo nhiều khoản tiền mua sách, vở, dụng cụ học tập, quần áo đồng phục; nếu thêm các khoản vận động tài trợ cũng gây khó khăn cho phụ huynh học sinh", Chánh văn phòng nêu hạn chế.
Ông Hồ Tấn Minh chỉ ra hướng khắc phục là các đơn vị trường học cần thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư 55 và Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, cần tiếp tục mở rộng các đối tượng vận động tài trợ trên địa bàn, không chỉ tập trung vào một đối tượng là phụ huynh học sinh; không tập trung vận động tài trợ vào đầu năm học.
Ngoài ra, các đơn vị phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp quản lý, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản thu không đúng quy định.
Lạm thu không khác gì tham nhũng "vặt"
Trả lời câu hỏi tại sao lạm thu mãi không dứt điểm, năm nào cũng bùng nổ phản ứng của phụ huynh, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - phân tích để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, bản thân giáo viên, nhà trường tham gia, tổ chức rất nhiều hoạt động mới đảm bảo yêu cầu cần đạt.
Trong khi đó nguồn lực dành cho việc đó chưa tương xứng, lương giáo viên còn thấp, cơ sở vật chất chưa đảm bảo... nên việc huy động các nguồn lực xã hội hóa là cần thiết.
"Nếu nguồn xã hội hóa được thực hiện minh bạch và phụ huynh hiểu những khoản đóng góp thực sự mang lại hiệu quả cho con cái của họ thì phụ huynh sẽ đồng tình", ông Nam nhận định.
Song, trên thực tế có nhiều biến tướng, chuyển hóa, việc thu chi không đảm bảo sự minh bạch, tất cả khoản thu tập trung vào một thời điểm đầu năm học, còn mang nặng tính cào bằng khiến gia đình học sinh gặp khó khăn.
Từ đó, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất xây dựng văn hóa quyên tặng cho giáo dục, cho thế hệ tương lai của đất nước.
"Người Việt Nam chúng ta rất giàu lòng hảo tâm, khi có sự cố thiên tai, hỏa hoạn đã huy động được rất nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, chúng ta chưa tạo dựng được văn hóa quyên tặng thường xuyên cho giáo dục để đào tạo, chăm lo cho con em mình", ông Nam nhận định.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, văn hóa quyên tặng nên được xây dựng thành sự chủ động, thường xuyên, lâu bền chứ không chỉ khi có sự cố. Tuy nhiên, cách thức triển khai phải đảm bảo sự công bằng trong nhà trường. Không phải bố mẹ quyên tặng nhiều là con được đối xử đặc quyền, đặc lợi, được ưu tiên, còn không quyên tặng lại bị ghẻ lạnh.
Bên cạnh đó, tiêu chí bầu vào hội phụ huynh cần rõ ràng, minh bạch để chọn đúng người thể hiện ý chí của cha mẹ học sinh. Thực tế, nhiều Ban đại diện phụ huynh được chỉ định sẵn từ trước, là những người có điều kiện kinh tế và sẵn sàng chi tiền đóng góp nên họ nghĩ ai cũng đủ điều kiện như mình.
Ông Nam chỉ ra thực trạng không ít người trong Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng không đọc và thực hiện quy định tại Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT. Họ sẵn sàng trở thành "cánh tay nối dài" để lạm thu.
"Họ sẵn sàng trở thành "cánh tay nối dài" để vận động thu cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm. Dễ dàng bị điều khiển, vận động nguồn lực theo hướng gợi ý của giáo viên chứ không nói lên tiếng nói, nguyện vọng của phụ huynh.
Cách thức huy động đôi khi không nhân văn, theo hình thức chia đều".
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội
Góp ý về công tác quản lý, ông Nam nói rằng cần tránh những phiền phức, hình thức, áp đặt tiêu chí đánh giá thi đua cho nhà trường. Không ít nơi đánh giá hiệu trưởng bằng cách vận động nguồn lực hỗ trợ, xây dựng công trình mới, cải tạo lớp học... Điều này dẫn đến không vận động được ngoại lực, lãnh đạo trường buộc phân chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm, phải huy động nội lực từ phụ huynh các lớp.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần có văn bản hướng dẫn xây dựng và phát triển nguồn lực quyên tặng, xã hội hóa một cách thiết thực hơn.
"Chúng ta không chỉ có văn bản cấm hay hướng dẫn một cách máy móc mà không có gợi ý phát triển việc xây dựng nguồn lực phù hợp. Có nhiều cách để phát triển nguồn lực như từ các nhà hảo tâm, từ cựu sinh viên hay phụ huynh có tấm lòng đóng góp, bán đấu giá sản phẩm sáng tạo của các con để tạo nguồn lực...", PGS.TS Trần Thanh Nam nói.
Song song đó, chuyên gia này cho rằng cần tăng tính xử phạt nghiêm minh, không phải làm sai trả lại là xong, cần có trách nhiệm liên đới của cấp quản lý trực tiếp, từ phòng GD&ĐT, hiệu trưởng... để buộc họ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát.
"Nói một cách nghiêm trọng về bản chất, lạm thu cũng không khác gì tham nhũng khi tiếp nhận, sử dụng một khoản tiền sai mục đích. Khi vi phạm dừng chi, trả tiền ngay là hành động xoa dịu dư luận, "né tội". Cần có chế tài nghiêm khắc hơn như xử phạt, cắt giảm đầu tư...", PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - nguyên Vụ trưởng của Bộ GD&ĐT - bày tỏ, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng nhằm huy động nguồn lực xã hội để chung tay phát triển giáo dục. Tuy nhiên, một số nơi đã lạm dụng chính sách này để "lách luật", biến tấu thành các khoản thu không phù hợp tạo gánh nặng cho học sinh. Vì thế, cần phải xử lý nghiêm khắc hiệu trưởng nếu để xảy ra lạm thu; qua đó đảm bảo tính răn đe, không để lạm thu trở thành vấn đề "đến hẹn lại thu".
Kỳ 1: Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để "mua chữ" cho con
Kỳ 2: Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị "hút máu", người nghèo chạy vạy