DNews

Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị "hút máu", người nghèo chạy vạy

Huyên Nguyễn Huy Hậu Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tự nguyện góp 10 triệu đồng và tặng thêm 3 thùng sơn (giá 10 triệu đồng) để cải tạo lớp học cho con nhưng chị Đặng Ngọc Minh bất bình với cách tiêu tiền chóng vánh của hội phụ huynh.

Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị "hút máu", người nghèo chạy vạy

Phụ huynh hào phóng nhưng thất vọng vì tiền quỹ bị chi không chính đáng

Suốt nhiều năm qua, cứ mỗi dịp đầu năm học mới, "căn bệnh" lạm thu lại tái phát, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Năm học mới 2023-2024 mới bắt đầu chưa được một tháng nhưng các khoản chi quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã lên tới hơn 260 triệu đồng.

Đọc danh sách các khoản chi dài tới 2 trang, chị Đặng Ngọc Minh (phụ huynh có con tại lớp Một 2) "ngã ngửa" với nhiều mục không chính đáng.

Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 1

Trong khoảng 1 tháng, quỹ phụ huynh của lớp Một 2 đã chi tới hơn 260 triệu đồng (Nguồn: Phụ huynh cung cấp).

Chị Minh cho biết, năm nay con chị vào học lớp Một 2 là hệ tích hợp. Thay vì sự háo hức, mong chờ cho lớp học đầu cấp của con, chị Minh ngỡ ngàng khi "phòng học tồi tàn hơn cả cái kho chứa đồ".

Lớp học quá cũ nên khi được giáo viên đề nghị phụ huynh góp tiền sửa chữa, cơ bản mọi người đồng ý ngay bởi... thương con.

"Cứ nghĩ trường điểm, lớp điểm sẽ có cơ sở vật chất tốt nhưng khi nhận phòng thì bất ngờ. Con còn bé, học 5 năm trong phòng học cũ như vậy thì cha mẹ nào chẳng xót xa. 31/32 phụ huynh của lớp đồng ý đóng tiền sửa chữa.

Tôi cũng rất vui vẻ, tự nguyện đóng luôn 10 triệu đồng/học sinh, còn tặng thêm 3 thùng sơn (trị giá khoảng 10 triệu đồng) nữa là 20 triệu đồng", chị Minh bày tỏ. Tuy nhiên, sau khi nắm được cách thức chi tiêu của nhà trường, phụ huynh hào phóng cảm thấy không hài lòng.

Lý giải về việc đóng liền một lúc 10 triệu đồng quỹ phụ huynh, chị Đặng Ngọc Minh cho hay hội phụ huynh trước đó thống nhất đóng một lần chi cho cả 5 năm học tiểu học. Hai năm đầu chi nhiều hơn vì phải sửa chữa phòng học, mua sắm đồ mới. Ai không đồng ý được gợi ý "chuyển lớp".

"Từ sự vui vẻ, tự nguyện, mọi việc chuyển sang phản đối vì không nghĩ mới một tháng đã chi hết 260 triệu đồng", chị Minh kể.

Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 2
Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 3
Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 4
Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 5

Phòng học lớp Một 2, Trường Tiểu học Hồng Hà được sửa chữa, cải tạo từ sự vận động, đóng góp của phụ huynh (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Cùng trong hội phụ huynh lớp Một 2, anh Thành Trung bày tỏ bức xúc khi một số phụ huynh đã thẳng thắn nêu ý kiến nhưng phần trả lời trước đó chưa được thỏa đáng.

Anh Trung nói: "Chúng tôi bức xúc không phải vì tiếc tiền, tôi đủ sức để đóng góp cho con học. Nhưng, tôi không đồng tình với cách chi tiền của hội phụ huynh. Nhiều khoản chi nhưng không hỏi trước ý kiến mọi người. Cứ tưởng 10 triệu đồng/học sinh sẽ chi trong 5 năm mà tháng đầu đã chi hết 260 triệu đồng, còn hơn 52 triệu đồng thì sao đủ chi cho 5 năm nữa".

Sau khi hai luồng ý kiến của hội phụ huynh không thống nhất, một số phụ huynh từng có ý định chuyển trường cho con.

"Tôi không đồng ý với cách điều hành quỹ hội phụ huynh và mong muốn chuyển trường cho con. Giờ tôi phải đi tìm trường nào khác đồng ý nhận con về học rồi mới đến rút hồ sơ", một phụ huynh nói.

Cách đây 3 năm, chị Mai Ngọc - phụ huynh của lớp tích hợp của cơ sở giáo dục này - cũng đóng quỹ lớp tới 8 triệu đồng để sửa chữa phòng học.

"Giống như đã thành thông lệ, cứ vào đầu cấp là phụ huynh đóng tiền sửa phòng học. Vì thế, không ai dám ý kiến, cứ thế mà làm. Hiện đa số các phòng học đều được sửa mới do phụ huynh đóng góp. Gần như chỉ có những khối lớp sắp tốt nghiệp không cải tạo", chị Mai Ngọc nói.

Đấy là với những người có điều kiện, khi sẵn sàng đóng góp cũng có thể không nhận về sự hài lòng. Chưa kể, rất nhiều phụ huynh là công nhân, lao động nghèo quanh năm lo đủ tiền trang trải cuộc sống nay lại thêm đủ khoản đóng góp mang tên "tự nguyện" nhưng không tự nguyện.

Và rồi... cái vòng luẩn quẩn "vay rồi tháng sau trả" đã trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống của nhiều gia đình trong bài viết "Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để "mua chữ" cho con" mà phóng viên Dân trí đã thực hiện.

Chạy vạy xoay tiền đóng góp đầu năm để con không bị kỳ thị

"Đi ngược lại với số đông, phụ huynh sẽ bị kỳ thị" - đó là tâm lý của chị Hoa Lan (36 tuổi, ngụ Gò Vấp, TPHCM).

Theo đó, vào đầu năm học mới, với những khoản thu không bắt buộc, phụ huynh như Lan hoàn toàn có thể không đóng. Thế nhưng, chính tâm lý danh sách 50 thành viên mà 45 người đóng, 5 người còn lại thường xuyên bị nhắc trong nhóm chung khiến phụ huynh này luôn cảm thấy ngại ngùng.

"Không đóng chả sao nhưng con mình mắc cỡ với bạn bè, giáo viên nêu tên khiến bản thân phải gồng mà nộp thôi", chị Lan nói.

Là gia đình khá giả nên khi con lên lớp 1, Hoa Lan đã chọn một trường bán trú chất lượng trên địa bàn quận. Khi con gái thứ hai vào tiểu học, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh đóng thêm tiền mua bàn ghế, loa, âm li, máy in, máy lạnh… với mức gần 2 triệu đồng/người.

Toàn bộ số tiền thu được hơn 50 triệu đồng kê khai đầy đủ trong nhóm trao đổi chung và vật dụng dùng cho đến khi hết lớp 5.

Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 6

Đến hẹn lại thu, năm nào phụ huynh cũng phải đóng góp các khoản mang tên điều hòa, máy chiếu, sửa bàn ghế, rèm cửa... (Ảnh: PHCC).

"Dù đã đóng từ đầu nhưng quá trình sử dụng thì phần vật tư hư hỏng, phí vận chuyển... nên mỗi kỳ mình vẫn đóng thêm 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Có thể nó không phải gánh nặng với mình nhưng không phải phụ huynh nào trong lớp cũng lo được vậy", Hoa Lan nói.

Câu chuyện đóng góp đầu năm học cũng là nỗi ám ảnh với Mai Trang (33 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) khi nuôi 3 đứa con ăn học. Trang làm công việc buôn bán nên cũng có đồng ra đồng vào nhưng lớp nào cũng đóng góp thì số tiền cộng lại rất lớn.

"Cô giáo chủ nhiệm nói lớp đã cũ rồi nên đóng tiền sửa chữa bàn ghế, 4 cái quạt treo tường, cây cảnh, màn cửa, trải bàn, dọn vệ sinh vì các bé còn nhỏ… Tất cả là 700.000-800.000 đồng/học sinh. Tính thêm tiền sách vở, quần áo, học phí, bảo hiểm... cho cả 3 đứa nên số tiền đầu năm là rất lớn", Trang nói.

Cuối cùng, Trang chọn cách gọi điện về nhà, xin bố trợ cấp thêm cặp sách cho cháu. Riêng số tiền học của đứa con thứ 2, Trang vẫn chưa thể xoay kịp do công việc kinh doanh gặp khó khăn sau dịch Covid-19. Giáo viên chủ nhiệm đành gia hạn cho người mẹ trẻ đến hết ngày 10/10.

"Tôi thường bị nhắc trong nhóm chung của phụ huynh. Ngại nhưng cũng đành chấp nhận, nếu bí quá chỉ còn nhờ ông ngoại hỗ trợ thêm lần nữa", phụ huynh này chia sẻ.

Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 7

Cuộc sống vốn khó khăn nên khoản đóng góp đầu năm học thành gánh nặng với nhiều người (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngoài các khoản chính, việc học phụ đạo cũng trở thành gánh nặng. Mới học lớp 3, con trai Trang đã phải đăng ký thêm nhiều môn liên kết như tiếng Anh tăng cường, toán, STEM, kỹ năng sống…

Người mẹ trẻ chia sẻ, học sinh hoàn toàn có thể không đăng ký, thế nhưng sau đó sẽ thua thiệt bạn bè, cảm thấy bị tách biệt khỏi thế giới ngay trong chính lớp học của mình.

"Mỗi tháng tiền nộp chính thức về trường khoảng 2 triệu đồng/cháu nhưng các phần phụ, tiền học thêm cũng hết khoảng 6 triệu đồng/tháng. Tôi có 3 đứa con và mức thu nhập không tồi nhưng cũng không tích cóp được nhiều. Nhất là đầu năm phải đóng góp tập trung là cả một gánh nặng", chị Mai Trang tâm sự.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho biết ngay từ tháng 8, Sở GD&ĐT TPHCM có công văn hướng dẫn thu chi đầu năm học và hoạt động Ban đại diện cha mẹ học sinh tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, nhưng vẫn còn những nơi chưa thực hiện đúng quy định. Thời gian tới, Sở sẽ có những đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động này.

Chữa căn "bệnh" lạm thu

"Đừng để ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành vỏ bọc cho lạm thu với việc kêu gọi đóng góp và thu tiền, điều này không đúng với chức năng, nhiệm vụ theo quy định" - Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) bày tỏ.

Một số trường đang "nhờ cậy" Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động, ủng hộ đóng góp các khoản thu dịch vụ. Tại các cuộc họp phụ huynh, vấn đề quản lý thu chi lại "chiếm sóng" thay vì cùng nhau bàn các phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục con cái.

Theo bà Tú Anh, vai trò của một số ban đại diện cha mẹ học sinh đang bị lạm dụng thái quá, trở thành cánh tay nối dài của nhà trường. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, một số đơn vị đã thu những nội dung thu không đúng quy định, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Nữ đại biểu bày tỏ, phụ huynh đều mong muốn được góp sức, chung tay tạo môi trường giáo dục tốt đẹp cho con. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kinh phí để "cào bằng".

Dù có những bất cập, song bà Tú Anh khẳng định, không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Bệnh lạm thu nan y, người giàu bị hút máu, người nghèo chạy vạy - 8

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: NVCC).

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh nêu 3 vấn đề cần siết chặt nếu muốn "trị bệnh" lạm thu.

Thứ nhất, xã hội hóa giáo dục theo nguyên tắc tự nguyện dựa trên cơ sở pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Các trường thu bao nhiêu, nội dung cụ thể phân bổ thế nào cần được phổ biến rõ ràng, minh bạch với phụ huynh, học sinh và Công đoàn.

Thứ hai, tổ chức lại hoạt động và trả lại chức năng, nhiệm vụ thực tế của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban phụ huynh học sinh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học.

Đồng thời, tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.

Bà nhấn mạnh thêm, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường và tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho ban đại diện phụ huynh là điều cần thiết.

Theo nữ đại biểu, khi có dấu hiệu sai phạm không chỉ hiệu trưởng bị xử lý mà còn cần truy trách nhiệm của trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đôi khi chính bản thân người đứng ra "vận động" đóng góp chỉ nghĩ đơn thuần là đang ủng hộ cho hoạt động học tập của con em, họ chưa nắm rõ những khoản nào được phép thu và không được phép thu. Đồng thời, phụ huynh cũng cần hiểu được quyền của bản thân theo quy định.

Thứ ba, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hoặc ủy quyền cho Sở GD&ĐT địa phương, đặc biệt công tác này cần sát sao ở những "điểm nóng" lạm thu mà dư luận xã hội phản ánh.

* Tên các phụ huynh trong bài đã được thay đổi

Kỳ 1: Vòng xoáy nợ nần vì đóng góp đầu năm học để "mua chữ" cho con