Hành trình kỳ diệu của cậu học trò khuyết tật đến trường trên lưng bạn
(Dân trí) - Bị tật ở chân, không thể đi lại nên nhiều năm qua, Lâm phải nhờ sự giúp đỡ của 2 người bạn thân để đến trường. Tình bạn đẹp của 3 cậu học trò nhỏ đã tạo lên điều kỳ diệu.
Đến trường trên lưng bạn
Em Hồ Thanh Lâm là học sinh lớp 2A6, điểm trường Pa Nho, Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Gia đình Lâm có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân em từ nhỏ đã không may bị teo cả 2 chân, không thể đi lại.
Bố Lâm bỏ nhà đi khi em còn trong bụng mẹ, một mình chị Hồ Thị Ê (mẹ Lâm) chèo chống nuôi 5 người con. Dù khuyết tật nhưng Lâm luôn khao khát được đến trường, từ nhỏ đã đòi mẹ được đi học.
"Lúc sinh ra, chân trái Lâm cong về trước bụng, chân phải quặp sau lưng, việc đi lại phải nhờ vào đôi bàn tay hoặc mẹ. Thấy các bạn đi học, nó cứ nằng nặc đòi theo. Thương con, tôi đến lớp xin cho con nhập học và may mắn được nhà trường tạo điều kiện", chị Ê tâm sự.
Lâm hòa đồng, nghị lực nên được thầy cô và các bạn cùng lớp hết sức yêu mến, tận tình giúp đỡ. Đặc biệt, suốt 2 năm đi học, Lâm đã có được một tình bạn đẹp với 2 bạn cùng lớp là Hồ Văn Phát và Hồ Anh Tân.
Nhiều lần chứng kiến Lâm phải ngồi chờ vì mẹ đến muộn, Phát và Tân đã cõng bạn về nhà. Vài, ba lần rồi dần thành thói quen, 2 cậu học trò Phát và Tân đã quyết định đảm nhận luôn công việc đưa đón bạn đến trường.
Phát người to con nhất nên phụ trách cõng Lâm, còn Tân thì xách cặp sách cho bạn. Không chỉ thế, Phát còn cõng bạn đi vệ sinh, ra sân chơi. Những khi Lâm đau nhức chân, 2 người bạn thân còn giúp nắn bóp, xoa chân.
"Bạn Lâm thiệt thòi, không đi lại được nên chúng em rất thương, muốn giúp đỡ để bạn được đến trường. Chúng em còn hỗ trợ nhau để học tập thật tốt. Được cô giáo chủ nhiệm động viên, khen chúng em làm việc tốt, rất ý nghĩa nên rất vui", Tân chia sẻ.
Theo lãnh đạo Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh, vượt những khó khăn, nghịch cảnh, Lâm là cậu học trò chăm ngoan, ham học, là tấm gương cho các bạn trong việc vượt khó vươn lên. Nhà trường cũng luôn tạo điều kiện và dành cho Lâm một tình cảm đặc biệt để em không phải chịu thiệt thòi, có điều kiện phát triển tốt nhất.
Hành trình kỳ diệu của cậu học trò tật nguyền
Tình bạn đẹp của Phát, Tân và Lâm nhiều năm qua cũng khiến thầy cô, phụ huynh và học sinh hết sức cảm phục. Câu chuyện về "3 chàng ngự lâm" của Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh còn lan tỏa trên mạng xã hội và khiến nhiều người cảm phục.
Cuối tháng 3 vừa qua, niềm vui đã đến với Lâm và gia đình khi em nhận được sự giúp đỡ để tìm lại đôi chân lành lặn, đây thực sự là một điều kỳ diệu đối với cậu học trò khuyết tật.
Câu chuyện của Lâm được anh Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thương nhau (Đà Nẵng) chia sẻ, kết nối và nhận được sự hỗ trợ từ Giáo sư, bác sĩ Rene D. Esser, một chuyên gia về phẫu thuật xương khớp, đang công tác tại một bệnh viện ở TPHCM.
Anh Nam chia sẻ, thông qua mạng xã hội cũng như đồng nghiệp, anh biết đến câu chuyện Lâm và 2 người bạn thân. Sau khi xem xét, tìm hiểu, anh Nam quyết định đứng ra kêu gọi, hỗ trợ Lâm trên hành trình tìm lại đôi chân lành lặn.
"Sau khi đưa câu chuyện của các em lên mạng, tôi nhận được tin nhắn của Giáo sư Rene D. Esser về việc nhận mổ chân miễn phí cho Lâm, bệnh viện nơi chuyên gia này công tác sẽ tài trợ kinh phí", anh Nam nhớ lại.
Ngày 7/4, hành trình tìm lại đôi bàn chân lành lặn của Lâm bắt đầu. Lâm và mẹ được anh Nam đưa đến Đà Nẵng rồi bay vào TPHCM để khám và chuẩn bị cho ca phẫu thuật.
Tại đây, Lâm được Giáo sư, bác sĩ Rene D. Esser trực tiếp khám, phẫu thuật. Ca mổ thành công, cơ hội được đi lại bằng chính đôi chân của Lâm không còn xa nữa. Không chỉ được hỗ trợ phẫu thuật, mẹ con Lâm còn được chuẩn bị cho nơi ăn, chốn ở.
"Nhờ vào tình cảm, sự yêu thương của mọi người, hành trình lại đôi bàn chân lành lặn của Lâm đã ở rất gần dù phía trước còn nhiều thử thách và khó khăn. Việc Lâm được phẫu thuật là điều ngoài mong đợi đối với gia đình và những người quan tâm đến em", anh Nam cho biết thêm.
Anh Nam thông tin, hơn nửa tháng điều trị ở TPHCM, hiện Lâm và mẹ được anh đưa về ở cùng mình tại Đà Nẵng để thuận tiện cho việc tập luyện, phục hồi đôi chân. Hiện sức khỏe Lâm đã ổn định, đã có thể tự mình bước đi trên chính đôi chân của mình.