Thí sinh khóc vì đề toán TPHCM lạ: "Khả năng của học trò thấp đến vậy sao?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước cảnh tượng học trò khóc như mưa vì đề toán lớp 10 của TPHCM "lạ", một giáo viên đã phải thốt lên: "Khả năng đọc - hiểu và vận dụng của học sinh mình đã thấp đến như vậy sao?"

Sau môn thi toán sáng 7/6 trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 ở TPHCM là hình ảnh "nước mắt đã rơi" của nhiều học sinh vì đề thi được cho là vừa lạ, vừa khó, vừa dài. 

Ngay sau đó, đề thi "lạ" của TPHCM liên tục được chia sẻ kéo theo nhiều ý kiến, tranh luận, góc nhìn. 

Thí sinh khóc vì đề toán TPHCM lạ: Khả năng của học trò thấp đến vậy sao? - 1

Một nữ sinh ở điểm thi TP Thủ Đức, TPHCM bật khóc sau khi rời phòng thi môn toán (Ảnh: Hoài Nam).

Phía sau nước mắt của học trò cùng những lời than khó, làm chưa hết bài, khó ghi điểm… nhiều ý kiến đánh giá đề thi của TPHCM hay, phá bỏ khuôn mẫu "ra đề thi trên giấy", yêu cầu học sinh phải có năng lực tư duy, giải quyết vấn đề thực tế. 

ThS Phạm Phúc Thịnh, giáo viên toán, nguyên hiệu trưởng một trường phổ thông ở TPHCM chia sẻ mấy năm nay TPHCM ra đề toán rất hay, mang tính thực tế và có tính phát triển năng lực cao.

Sau buổi thi, ông Thịnh xem đề và không khỏi ngạc nhiên trước cảnh học trò than khó, khóc như mưa.

"Đề thi toán của thành phố vẫn hay như mọi năm, mang tính thực tế rất cao và còn phần nào trả lời được câu hỏi của học trò học toán để làm gì?", ông Thịnh nói.

Giáo viên này phân tích, nhìn tổng thể đề thi 8 bài với 14 câu hỏi chia ra áp dụng kiến thức đại số 7 câu, áp dụng kiến thức hình học 6 câu, áp dụng suy luận logic 1 câu.

Về mức độ tư duy có thể thấy có những câu (1a,b; bài 5a; bài 8a) là dạng kiến thức cơ bản, học sinh trung bình cũng có thể giải quyết trọn vẹn.

Câu 2, 3, 4, 6a, 8b đòi hỏi sự thông hiểu (hiểu rõ kiến thức để biến đổi) học sinh trung bình khá và khá có thể làm được. Còn lại là bài vận dụng (thấp, cao).

Theo ông Thịnh, với đề thi này học sinh ở mức độ thông hiểu (trung bình khá) có thể bỏ túi được 7 điểm. Còn học sinh khá, giỏi có thể đạt 7,5-9 điểm. Còn câu cuối không bàn đến vì dành cho học sinh năng khiếu toán.

Ông Thịnh đánh giá đề thi này đúng với định hướng học toán để giải quyết những vấn đề trong thực tế chứ không phải là để giải những bài toán thuần lý thuyết sách vở.

Kiểu đề này cũng sẽ hạn chế được việc giáo viên luyện "dạng đề" và thủ thuật giải, chứ không dạy cho các con tư duy toán học.

Thí sinh khóc vì đề toán TPHCM lạ: Khả năng của học trò thấp đến vậy sao? - 2
Thí sinh khóc vì đề toán TPHCM lạ: Khả năng của học trò thấp đến vậy sao? - 3

Đề toán vào lớp 10 của TPHCM năm 2024 (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Đặng Hoàng Dư, giáo viên luyện thi toán ở TPHCM đánh giá đề toán lớp 10 của thành phố độ dài, khó nhỉnh hơn mọi năm nhưng không thể phủ nhận đề khá hay, phân loại được thí sinh.

Đề mang tính sáng tạo, đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy chứ không phải luyện đề rồi lắp con số, công thức vào để giải.

Theo ông Dư, câu 7 là câu hay nhất của đề thi, yêu cầu thí sinh phải thực sự có khả năng phân tích, tư duy mới giải được.

"Khả năng đọc hiểu, vận dụng của học trò thấp đến vậy sao?"

Trước cảnh tượng học trò khóc như mưa vì đề toán lớp 10 của TPHCM "lạ", một giáo viên ở TPHCM đã phải thốt lên: "Khả năng đọc - hiểu và vận dụng của học sinh chúng ta đã thấp đến như vậy sao?"

Theo người này, đề thi toán nhưng không đơn thuần là cho phương trình quen thuộc rồi lắp vào để giải mà đầu tiên, đòi hỏi ở học sinh phải có khả năng đọc hiểu.

Tiếng khó của học trò trước đề thi đã lập thức phơi bày thực tế nhiều học trò không có khả năng này, chưa nói đến năng lực tư duy, giải quyết những bài toán trong thực tế đời sống. 

Với cô, đây là dịp chúng ta phải nhìn thẳng vào năng lực thật sự của học trò, năng lực thật sau những bảng điểm toàn 9, toàn 10, toàn học sinh giỏi ở trường học tràn lan nhiều năm qua.

Đề thi hay nhưng tại sao học sinh kêu khó? Theo ThS Phạm Phúc Thịnh, đơn giản vì thói quen học rập khuôn theo "dạng" chứ không phải học để hiểu vấn đề cơ bản.

Khi học theo dạng thì các em như robot, gặp kiểu đề phát triển năng lực cần tư duy là.. ngắc ngứ liền.

Thí sinh khóc vì đề toán TPHCM lạ: Khả năng của học trò thấp đến vậy sao? - 4

Sau nước mắt của học trò trước một đề thi thực tế, nhiều người băn khoăn về năng lực đọc hiểu, khả năng tư duy của học trò hiện nay (Ảnh: Nam Anh).

Ông Thịnh đưa ra ví dụ như ở câu 6a hay câu 4 hoàn toàn là những bài đơn giản nhưng được bọc dưới lớp vỏ thực tế nên học sinh nào học vẹt… gặp khó ngay.

Trước ý kiến đề toán dài 2 trang có thể làm học sinh "ngộp", ông Thịnh cho rằng nếu như vậy thì thật sự cần phải xem lại kỹ năng đọc hiểu của học sinh.

Không ngạc nhiên với điều này, thầy Nguyễn Cao Trọng, giáo viên toán ở TPHCM cho biết, khi dạy nhiều học sinh có điểm toán 7-8.5 ở các trường, ông nhận thấy kỹ năng học hiểu của học sinh rất kém, các em làm bài theo mẫu y một cái máy.

Thầy cô thường dạy "gạ" theo dạng bài mẫu. Học trò chỉ cần nhìn thấy đề dài chút sẽ lười đọc, sẽ kêu khó ngay lập tức. Nên khi đề yêu cầu năng lực đọc hiểu, giải quyết vấn đề thực tế, nhiều em "bó tay" ngay, chỉ còn... biết khóc. 

Thầy Nguyễn Cao Trọng băn khoăn, việc học trò chăm chỉ học hành, chăm chỉ đọc để hiểu, để chịu khó tư duy áp dụng tổng hợp kiến thức đã học để giải bài toán giờ đây dường như không có, rất hiếm. Ở nhiều em là sự uể oải, chán nản, không hăng say với việc học. 

Đánh giá đề toán của TPHCM hay, đòi hỏi tư duy nhưng khi đặt trong thực tế dạy học và năng lực của học trò như hiện nay, thầy Trọng cũng đưa ra góc nhìn cần cân nhắc khi ra đề thi tránh "độ vênh" ảnh hưởng đến tâm lý học sinh.

Đề thi mang tính thực tiễn, yêu cầu tư duy là cần thiết nhưng nếu "bỏ qua" khả năng thực tế của học sinh thì đề thi hay lại có thể trở nên vô ích, gây áp lực và lại không có tác dụng khuyến khích học sinh chăm chỉ học tập.

Thí sinh khóc vì đề toán TPHCM lạ: Khả năng của học trò thấp đến vậy sao? - 5

Học trò TPHCM sau giờ thi môn toán trong kỳ thi vào lớp 10 ngày 7/6 (Ảnh: Hoài Nam).

Không chỉ giáo viên, nhiều học sinh cũng đánh giá đề toán lớp 10 của TPHCM "lạ và thú vị" so với các đề thi quen thuộc các em được học, được ôn luyện lâu nay. Đề có tính thực tế cao, đòi hỏi học sinh phải có tư duy để làm bài.

Tuy nhiên, một số học sinh cũng thừa nhận, nếu thi để lấy điểm, các em chọn đề thi "không lạ" để... chắc ăn.

Học sinh cần phải có năng lực đọc hiểu, tư duy vấn đề

Trong buổi họp thông tin về kỳ thi lớp 10 chiều 7/6, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM thông tin xuyên suốt từ năm 2014, hàng năm đối với môn toán ở TPHCM đều có tăng thêm về mức độ vận dụng kiến thức của đời sống để giải quyết trong đề thi.

Trước khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra, hội đồng đề đã xây dựng ma trận đề. Trong ma trận đề đã xác định các mức độ hiểu biết, vận dụng và vận dụng cao.

Các em phải lựa chọn kiến thức toán đã học để áp dụng giải quyết các vấn đề đặt ra trong câu hỏi.

Đặc biệt, đến thời điểm này, khi đã hoàn tất chương trình phổ thông 2006 và bước sang chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giải quyết năng lực và phẩm chất, không còn giải quyết kiến thức. Do đó, học sinh cần phải có năng lực đọc hiểu để suy luận, tư duy vấn đề.