Học trò khóc như mưa và một đề thi toán "không mẫu mực" của TPHCM
(Dân trí) - Đề thi toán "không mẫu mực" của TPHCM không "vứt cho một phương trình rồi giải đi" hay cho một bài toán y như khuôn đúc rồi "thay số vào". Đề yêu cầu năng lực tổng hợp ở học trò...
"Vấn đề không phải chỉ là dài hay ngắn, khó hay dễ. Vấn đề là cách thiết kế đề thi theo hướng "không mẫu mực" như thế này sẽ giúp đánh giá được năng lực tổng hợp của học sinh, từ kỹ năng đọc - hiểu, khả năng tư duy mô hình hóa tình huống và giải quyết vấn đề.
Nó không phải là "vứt cho một phương trình rồi giải đi", hay cho một bài toán y như khuôn đúc rồi "thay số vào" - vốn là những tồn tại suốt nhiều năm qua khiến học sinh Việt Nam giải toán ầm ầm nhưng không giỏi toán".
Đó là dòng bình luận của ông Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia của Hệ thống giáo dục Học Mãi trên trang cá nhân về đề thi toán lớp 10 năm nay của TPHCM - đề thi làm nhiều học trò khóc như mưa - nhận về nhiều lượt biểu cảm yêu thích, đồng tình.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vũ Khắc Ngọc cho biết, phía sau dòng bình luận ngắn này, có rất nhiều điều để nói về đề toán lớp 10 của TPHCM - một đề thi ông gọi là "không mẫu mực".
Ông nghĩ thế nào về cảnh tượng học trò khóc như mưa trước đề toán thi vào lớp 10 của TPHCM?
- Đây là kỳ thi tuyển sinh, kết quả sẽ lấy từ trên cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu.
Miễn là đề thi có khả năng phân hóa tốt và đảm bảo công bằng. Còn đề thi khó không ảnh hưởng đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh, đề khó không làm giảm chỉ tiêu. Cơ hội của thí sinh vẫn được đảm bảo và không thay đổi đáng kể.
Điều tôi muốn nói là cách thức ra đề thi môn toán của TPHCM, đề thi đúng tinh thần giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Tức là học sinh phải có năng lực tổng hợp trong việc vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề mang tính thực tiễn của đời sống.
Trước đây, với cách ra đề thi lâu nay, các con làm toán như một cỗ máy. Học sinh được hướng dẫn các dạng bài rất cụ thể, với các dạng này thì cách làm là gì, bước một là gì, bước hai là gì, cứ thế áp vào hoặc thay công thức thôi là cho ra kết quả.
Những đề thi như vậy rất vô hồn và vô nghĩa, không có tác dụng trong việc đánh giá năng lực thật của học sinh cũng như giúp cho quá trình học tập để các em phát triển năng lực toán học.
Chúng ta hô hào đổi mới giáo dục nhưng sức ì là không nhỏ. Nhiều thầy cô chỉ muốn như cũ, không phải sửa đổi giáo án, không phải thay đổi chương trình, cứ vậy mà dạy. Phụ huynh, học sinh muốn như cũ thôi cho dễ ôn tập.
Nếu cứ trì trệ như vậy sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới. Sự vận động của xã hội đang rất nhanh bởi tác động của các yếu tố công nghệ, trí tuệ nhân tạo… đòi hỏi giáo dục phải thay đổi.
Chúng ta cần phải hiểu năng lực, kỹ năng của con người trong thời đại này phải khác so với thời đại trước đây.
Ví dụ rất đơn giản, khoảng 20 năm trước, chỉ sinh viên tốt nghiệp đại học mới biết sử dụng Email, mới biết thiết kế PowerPoint để thuyết trình. Nhưng với yêu cầu hiện nay thì học sinh cấp 2 đã biết tất cả những kỹ năng này.
Cuộc sống mới đòi hỏi những kỹ năng mới, năng lực mới như thế thì không thể nào áp dụng cách làm cũ. Nhưng hiện nay đa số các địa phương vẫn ra đề theo cách cũ. Lạc hậu và không ổn chút nào.
Ông dùng từ "không mẫu mực" cho đề thi toán lớp 10 của TPHCM, ông có thể nói rõ thêm về điều này?
- Như tôi nói ở trên, đề thi ở nhiều địa phương 20 năm qua vẫn theo đúng một cấu trúc, không thay đổi. Đề thi thiết kế theo đúng dạng bài 1 là gì, bài 2 là gì, bài 3 là gì theo khuôn mẫu, học sinh được hướng dẫn dạng bài này thì giải như thế nào, theo bước 1, 2, 3, cần chú ý điều gì…
Học sinh giải toán như cái máy. Bạn nào chăm chỉ hơn một chút là có thể làm bài tốt hơn chứ không phản ánh hết năng lực tổng hợp của học sinh.
Điều này dẫn đến việc học sinh của chúng ta giải toán rất tốt nhưng nếu cho một vấn đề thực tế trong đời sống, cũng là toán nhưng các em không giải quyết được. Các em không có khả năng tư duy mô hình hóa tình huống bằng các phép toán đã học.
Chiếu vào "khuôn mẫu" này, đề thi toán của TPHCM là đề thi "không mẫu mực". TPHCM lấy ngữ liệu, bối cảnh rất đa dạng trong cuộc sống, học sinh không học tủ được. Như đề yêu cầu tính hệ số điện, thứ rất thực tế trong đời sống nhưng không ai đoán được sẽ ra vấn đề đó.
Học sinh không học tủ được về lâu dài có rất nhiều lợi ích. Trước đây thi theo dạng, mọi người đều tham vọng phải học hết các dạng để đi thi trúng dạng nào còn làm được bài dẫn đến áp lực của việc học thêm rất lớn.
Còn khi thi theo kiểu mới, đánh giá năng lực của học sinh, không theo dạng, không theo mẫu mực thì dần dần mọi người nhận ra việc học theo dạng, theo mẫu không còn ý nghĩa bởi không thể nào phủ hết các tình huống.
Học sinh, phụ huynh cần hiểu đề thi mới lạ như thế là tất yếu và mình cần làm quen với điều đó. Làm quen nhưng không cần phải lo lắng vì đề khó thì điểm chuẩn có thể thấp hơn, còn cơ hội trúng tuyển không giảm. Ai có năng lực đến đâu vẫn đỗ vào trường phù hợp với năng lực của mình.
Sau tiếng khóc của học trò trước một đề thi, nhiều người phải thốt lên "năng lực đọc hiểu, vận dụng của học trò chúng ta yếu đến vậy sao?". Góc nhìn của cá nhân ông về cảm thán này?
Đúng vậy, năng lực đọc - hiểu của học sinh chúng ta nói chung rất yếu. Đây là vấn đề theo tôi rất nghiêm trọng.
Thế hệ các bạn trẻ bị chi phối, chìm đắm trong mạng xã hội. Văn hóa tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội rất ngắn, lên Facebook thấy một status (trạng thái) nào chỉ vài dòng mà không kèm hình ảnh, clip hấp dẫn các bạn sẽ bỏ qua ngay.
Trong khi để theo đuổi quá trình học tập mang tính chất học thuật như theo học THPT, theo học đại học, năng lực đọc và năng lực tự học cực kỳ quan trọng.
Các kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học hiện nay đều có yêu cầu cao về phần đọc hiểu, như đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có riêng bài thi tư duy đọc hiểu.
Đề toán của TPHCM thiết kế không dừng lại ở việc giải toán mà đánh giá được năng lực tổng hợp. Trong đó có năng lực đọc - hiểu, phân tích thông tin, thu thập xử lý thông tin, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề của học sinh.
Đây mới là điều có ý nghĩa. Còn ra những bài mẫu, có khi học sinh không thèm đọc đề, chỉ cần nhìn đề bài đã biết làm gì rồi sẽ càng làm thui chột năng lực đọc - hiểu của các em.
Với tôi, đề toán của TPHCM là đề thi tiêu biểu cho tinh thần đổi mới giáo dục. Tôi hy vọng nhiều địa phương nhân rộng cách làm này thì giáo dục mới có thể thay đổi một cách thực chất.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!