Giáo viên nhắn tin “OK”: Chuyện bình thường, nhưng...
(Dân trí) - Giáo viên trả lời “OK” khi phụ huynh nhắn tin xin cho con nghỉ học đi khám bệnh là tình huống nhiều giáo viên gặp phải. Vấn đề cần được ra là có nên để giáo viên “ôm” việc xin nghỉ học từ học sinh, phụ huynh hay không?
Hầu hết các ý kiến đánh giá, việc cô giáo trả lời “OK” khi trả lời phụ huynh nhắn tin cho con xin nghỉ học đang gây tranh cãi trên các diễn đàn là hết sức bình thường. Nhiều giáo viên cũng bày tỏ, họ cũng từng trả lời phụ huynh ngắn gọn là “OK” khi nhận tin nhắn cho con xin nghỉ học. Trong hoàn cảnh này, đó là cách thông tin ngắn gọn nhất để phụ huynh biết họ đã nhận được tin nhắn và đồng ý.
Cô Hồng Anh, một giáo viên ở TPHCM chia sẻ, nhiều lúc cô nhận được tin nhắn xin cho con nghỉ học đột ngột của phụ huynh ngay trên đường vào lớp. Thậm chí có lúc không kịp nhắn tin lại ngay hoặc vội vàng gọi điện thoại lại cho phụ huynh nói vào ba lời “Được! Được!” rồi tắt điện thoại để kịp giờ dạy.
“Tôi biết, nhiều người kỳ vọng rằng giáo viên phải nhắn lại có đầu có đuôi, rồi phải xem lý do nghỉ học của học sinh để hỏi han. Nhưng quả thật có những lúc chỉ mong kịp phản hồi lại thông tin là mừng lắm rồi. Nên mọi người cần nhìn tình huống này một cách thoáng và đặt vào hoàn cảnh cụ thể để hiểu hơn”, cô Hồng Anh nói.
Tuy nhiên, cách trả lời được cho là bình thường trong tình huống này của giáo viên cũng dẫn đến những phản hồi, đánh giá không hay. Nhiều người thầy khó chấp nhận cách trả lời như vậy từ giáo viên và cho rằng giao tiếp như vậy là chưa có đầu đuôi, vô tình...
Hay như phụ huynh chia sẻ trong tình huống này đã “choáng” và than “Giáo dục ơi là giáo dục...” khi nhận được tin nhắn của cô. Muốn hay không thì vẫn nhiều ý kiến “mổ xẻ” về cách giao tiếp, ứng xử của thầy cô khi giao tiếp với phụ huynh trong hoàn cảnh cụ thể.
Thầy Ng.L.Đ., giáo viên dạy THCS ở TPHCM cho biết, trước đây bản thân đã gặp những sự cố không hay khi nhắn tin qua lại với phụ huynh. Phụ huynh mắng vốn nhắn tin mà không thấy thầy nhắn lại, xin nghỉ học thì thầy “OK” một tiếng nghe... ngang ngang. Thấy không ổn vì những trách móc không cần thiết, ngay từ đầu năm học, khi họp phụ huynh, thầy Đ. nói rõ với phụ huynh khi ở trường, thầy không có nhiều thời gian để cầm điện thoại, để nhắn tin một cách “trọn vẹn” như phụ huynh mong muốn. Thậm chí có khi phụ huynh nhắn tin từ sáng sớm nhưng có khi đến trưa, chiều phụ huynh mới nhận được tin nhắn.
Ngoài ra, thầy Đ. cũng đề nghị phụ huynh nếu xin cho con nghỉ học thì một là gửi đơn, hai là gọi điện một tiếng nhưng phải tránh giờ lên lớp chứ gọi điện thầy không nghe... có phụ huynh lại trách.
Thầy nói thêm: “Có nhiều tình huống đột xuất, gọi điện không được phụ huynh có thể nhắn tin nhưng không thể mong chờ giáo viên phải “chỉn chu” được” vì đòi hỏi giáo viên nhắn tin trọn vẹn khi họ đang làm việc ở trường là rất khó”.
Cô Minh Ngọc, giáo viên tại một trường tư thục ở TPHCM cũng bộc bạch ở trường mình, giáo viên dạy không được nghe/gọi/nhắn tin điện thoại. Chưa kể, khi nhận tin nhắn từ phụ huynh, tâm lý của giáo viên là sợ quên trả lời nên bấm tin nhanh để phản hồi. Thậm chí, công việc áp lực đến độ nhiều khi mẹ gọi, cô còn không nghe được máy... Vậy nên hãy thông cảm để đỡ phiền lòng nhau.
Một phụ huynh cũng đặt ra vấn đề ở Việt Nam, việc liên lạc vào số cá nhân của giáo viên hình như rất dễ dàng, phụ huynh muốn nhắn tin, gọi điện lúc nào cũng được. Ở nhiều nước chị biết, phụ huynh chỉ biết số điện thoại nhà trường. Con nghỉ học, chỉ có cách gọi tới số đó hoặc tới tận trường thông báo.
Để tránh những phiền toái hay những tình huống "khó xử" cho giáo viên, một số trường học cũng đưa ra nội quy học sinh nghỉ học phụ huynh không được gọi điện, nhắn tin cho giáo viên mà phải đến trường nộp giấy phép cho giám thị hoặc gọi vào số của nhà trường. Tuy nhiên, chưa nhiều trường đưa vấn đề vào nội quy một cách cụ thể, phổ biến rõ tới phụ huynh và cả giáo viên nên khó tránh "tương tác" qua lại trong việc xin nghỉ học cho học sinh giữa giáo viên và phụ huynh.
Chị Mai Xuân, một phụ huynh chia sẻ, trước đây khi nghe quy định này chị cứ nghĩ nhà trường làm khó phụ huynh. Nhưng giờ chị đã hiểu nó giúp tránh những hiểu lầm, phiền toái không đang có cho cả phụ huynh lẫn giáo viên.
Đây cũng là một tình huống thể hiện liên kết giữa phụ huynh và giáo viên. Mà theo nhiều người, tạo điều kiện để mối quan hệ này tốt cũng là một yếu tố tích cực để giúp cải thiện môi trường giáo dục cũng như giúp giáo viên thấy yêu công việc của mình hơn, phụ huynh yêu thầy cô, trường lớp hơn.
Lê Đăng Đạt