Giáo viên nhắn tin “OK” trả lời phụ huynh gây tranh cãi
(Dân trí) - Phụ huynh nhắn tin xin cho con nghỉ học vì bị bệnh, giáo viên trả lời ngắn gọn “OK”. Cách trả lời này của giáo viên dẫn đến những tranh cãi trái chiều.
Mới đây, trên một diễn đàn, có thành viên chia sẻ về tình huống phụ huynh nhắn tin cho cô giáo xin nghỉ phép cho con nghỉ học để đi khám bệnh. Theo thông tin từ tin nhắn, phụ huynh giới thiệu mình là phụ huynh của em học sinh lớp 7, xin con con nghỉ phép vì bị sốt phải đi khám. Phụ huynh cũng nói thêm, khi con đi học lại sẽ gửi giấy xin phép đến nhà trường. Cô giáo nhắn tin trả lời “OK”.
Theo thông tin thì phụ huynh đã "choáng” và than "giáo dục ơi giáo dục..." khi nhận tin nhắn phản hồi từ giáo viên. Ngoài ra, thành viên chia sẻ thông tin này cũng cung cấp, phụ huynh ngoài 30 tuổi, còn giáo viên 55 tuổi.
Khó chấp nhận
Sau khi tình huống này được chia sẻ, rất nhiều ý kiến cho rằng tin nhắn phản hồi của giáo viên là khó chấp nhận. Cụt lủn và có phần hơi lạnh lùng, nhất là đặt trong bối cảnh học sinh bị bệnh phải nghỉ học đi khám.
Chị Nguyễn Mai, một phụ huynh cho rằng, có thể thông cảm nếu cô bận rộn, nhưng dù thế nào đi nữa, câu trả lời ngắn gọn thế này gây cảm giác lạnh lùng, khó gần. Cô có thể thêm câu hỏi thăm hay chúc học sinh mau khỏi bệnh.
Nhiều người “khó tính” hơn cho rằng, chỉ mất khoảng 30 giây là cô có thể nhắn một câu dài hơn là một câu phản hồi cụt ngủn, cộc lốc. Câu trả lời như trên cho thấy sự thờ ơ của cô.
Một phụ huynh khá gay gắt: “Tôi dị ứng với câu trả lời thế này. Vì tôi cảm nhận được một sự vô cảm từ cô giáo. Tôi nghĩ đừng đưa các lý do ra để biện minh”. Chị cho rằng, bản thân rất quan trọng các giao tiếp, trò chuyện giữa giáo viên với phụ huynh, với giáo viên bởi đây cũng là biểu hiện sư phạm.
Về tin nhắn của cô, cũng có người cho rằng dường như bây giờ người lớn đang ngại yêu thương con trẻ nhiều quá. Chúng ta tiết kiệm cả những lời yêu thương, quan tâm đến con trẻ?
Không vấn đề gì
Trái lại, cũng không ít người lên tiếng, phụ huynh có thể bất ngờ, có chút ngỡ ngàng chứ “choáng” trong tình huống này thì cũng hơi làm quá.
Về cơ bản, cách trả lời của cô giáo truyền đạt thông tin mình đã nhận được tin nhắn và đồng ý với phụ huynh. Chưa kể, cũng phải đặt hoàn cảnh cô nhắn tin.
Nhìn vào thời gian tin nhắn, bạn Lại Nam Anh phân tích, phụ huynh nhắn xin nghỉ lúc 7h sáng, cô nhận được lúc 7h32 là lúc chuẩn bị vào lớp. Cô nhắn lại để thông báo cô đã nhận thông tin, chứ lúc này đâu có thời gian để dài dòng nữa. Thông tin để hiểu nhau, đơn giản đi thì không có gì phải phàn nàn.
Chưa kể, cũng cần nhìn một cách cảm thông hơn là ở lớp, thời gian trống của giáo viên rất ít mà còn rất nhiều việc. Rồi cũng cần nhìn nhận, giáo viên ở độ tuổi sắp về hưu có thể thao tác về công nghệ không nhanh nên họ chọn cách phản hồi kịp thời nhất đến phụ huynh.
Trước ý kiến nói rằng, câu trả lời của cô cho thấy sự vô cảm, vô tình trước học trò bị bệnh thì nhiều người cũng cho rằng, chỉ nhìn vào lát cắt tin nhắn không thể đánh giá được như vậy mà phải đánh giá một cách toàn diện. Có thể sau tin nhắn trả lời đó cô giáo hỏi han học sinh. Rồi có những giáo viên không khéo ăn nói, giao tiếp nhưng rất yêu thương, quan tâm học sinh theo cách khác.
Chị Phạm Thùy Linh, một phụ huynh bộc bạch, cô chủ nhiệm con mình trước đây cũng chỉ nhắn lại như thế này. Khi họp phụ huynh cô nói luôn các tin nhắn xin nghỉ đột xuất, đến muộn... cô chỉ trả lời được ngắn gọn như thế. Phụ huynh thông cảm vì đó là giờ cô cô làm việc, nhắn vài tin nhắn thì hết giờ dành cho lớp. Nên chị thấy điều này hết sức bình thường.
Cùng quan điểm với chị Linh, chị Trần Tú Hoa cho rằng, chị thấy tin nhắn như vậy là bình thường. Nhiều lần chị nhắn tin xin phép cho con nghỉ học cô giáo của con mình cũng hồi âm là “OK”. Vậy là chị yên tâm vì biết cô đã nhận được tin nhắn của mình.
Nói về tâm trạng phụ huynh “sốc” khi nhận được tin nhắn là hơi quá, anh Vũ Thương, một giáo viên đánh giá thật ra đây là cũng điều hết sức bình thường. Đối với giáo dục thì cái người ta so sánh, cái người ta hướng đến bao giờ cũng là cao hơn, lịch sự hơn, chuyên nghiệp hơn, quan tâm hơn, hoàn mỹ hơn chứ không phải chỉ là "không có lỗi lắm".
Nhưng cũng phải thừa nhận, nghề giáo là nghề dễ bị “trói” trong chuẩn mực một cách khắt khe nhất. Giáo viên làm gì cũng có thể bị đưa ra đánh giá, mổ xẻ... và họ rất khó “chiều lòng” mọi người.
Lê Đăng Đạt