Giải mã những lời khen “lạ”
(Dân trí) - Cuối năm học, chị C.T. ngạc nhiên với danh hiệu được ghi trong giấy khen của con: “Đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long”. Đem thắc này đến với một số mẹ, nhiều người đề “té ngửa” bởi các danh hiệu “lạ”, mỗi nơi ghi một kiểu, đại loại như: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”; “Đạt danh hiệu học sinh khen toàn diện”...
Lạ lùng “khen từng mặt”
Chị T., một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ hình ảnh giấy khen của con và rất băn khoăn vì chưa từng thấy danh hiệu này bao giờ: “Đạt danh hiệu học sinh khen từng mặt”.
Mình không hiểu khen thế này là thế nào, con được khen mặt gì. Bạn Phạm Oanh (Hà Nội) chia sẻ, làm trong ngành giáo dục mà đến giấy khen, nhà trường cũng ghi rất tối nghĩa, không rõ ràng. Thế này làm sao học trò tiến bộ được.
Chị Bích Thuận, một phụ huynh có con đang học tiểu học ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho hay, nhìn giấy khen của các con thì thấy mỗi nơi ghi một kiểu không thống nhất.
“Trường con mình cũng “khen toàn diện” và “khen từng mặt”. Với “khen toàn diện” thì cụm từ này chung. Còn “khen từng mặt” thì khen con mặt nào, sẽ ghi rõ mặt đó”, chị Thuận cho biết.
Được biết, việc ghi giấy khen không thống nhất như trên đây là do áp dụng đánh giá học sinh theo Thông tư 30 (đánh giá bằng nhận xét thay cho điểm số). Một số giáo viên tiểu học cho biết, đánh giá qua điểm số như trước đây đơn giản và dễ dàng. Nhưng từ khi áp dụng thông tư mới này, để tránh cho phụ huynh bức xúc, thầy cô đã phải dành thời gian để “quy đổi” lời khen. Ví dụ “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” tương đương với danh hiệu học sinh giỏi, “hoàn thành nhiệm vụ” tương đương với học sinh tiên tiến hoặc khen một mặt nào đó trong phong trào rèn luyện thân thể...
Khen cũng... áp lực
Sau khi có Công văn số 39/ BGDĐT-GDTH ngày 6/1/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổng hợp đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, việc ghi giấy khen phải hết sức linh hoạt, phải dùng các câu nhận xét thế nào để tương ứng với từng trình độ, không theo khuôn mẫu có sẵn trước đây. Vì vậy, mới có chuyện mỗi nơi một kiểu giấy khen, mỗi trường mỗi kiểu nhận xét như hiện nay.
Quanh những rắc rối về lời khen, nhiều hiệu trưởng, giáo viên tiểu học cho rằng, chính bản thân họ đang chịu áp lực rất nhiều từ phụ huynh, bởi như hiện nay, giáo viên không có điểm số để “quy đổi”. Vì vậy, tùy trình độ của giáo viên để có lời khen dễ hay khó hiểu dành cho học sinh.
Cô Trần Thị Tám, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phương (Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng, sở dĩ giấy khen ghi “Đạt danh hiệu khen từng mặt” là do nhà trường thực hiện theo Thông tư 30. Theo đó, nhà trường có hai hình thức khen học sinh toàn diện và học sinh khen từng mặt.
“Đáng ra, phải cụ thể hóa ra là từng mặt đấy là các em nổi trội mặt nào như: Nổi trội về môn Toán, môn Tiếng Việt, hay thể dục thể thao. Tuy nhiên, nhà trường rút kinh nghiệm vì đã dùng từ chung chung”.
Giấy chứng nhận "Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long"
Cô Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) cũng cho hay việc ghi giấy khen sao cho phù hợp với học sinh và để phụ huynh cũng an tâm quả không dễ chút nào. Tuy nhiên, vận dụng đúng Thông tư 30, cuối năm nhà trường khen theo hình thức mỗi cháu phải có một lời khen riêng sao cho thích hợp với quá trình học tập. Chẳng hạn, học sinh xuất sắc thì ghi: “Học sinh hoàn thành nhiệm vụ toàn diện” hoặc “Học sinh hoàn thành tốt môn Toán/hoàn thành tốt môn Tiếng Việt”, “Học sinh hoàn thành tốt môn Đạo đức”...
Với chiếc giấy chứng nhận “Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long” có nghĩa ra sao, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Giấy chứng nhận này là do Hội đồng Đội tặng cho học sinh có thành tích công tác phong trào. Còn ở trường, giấy khen học tập được áp dụng đúng theo Thông tư 30, khen từng mặt hoặc khen toàn diện".
Mỹ Hà
(email:myha@dantri.com.vn)