Cô giáo của lớp học nơi bệnh viện
(Dân trí) - Học trò của cô Kim Phấn nay còn ngồi đây, mai có thể ra đi mãi mãi. Cho dù như thế, cô vẫn cặm cụi gieo từng con chữ, chỉ để các em viết được tên mình, hoặc chí ít là phân biệt được những con số đánh trên giường bệnh.
Khoa nội Nhi, bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM có một căn phòng không đề bảng nhưng bên trong có nhiều bàn học, sách vở. Đó là lớp học của các bé bệnh nhi ung thư, nơi đem đến cho các em ánh sáng tri thức và nụ cười tươi tắn trong chuỗi ngày dài bệnh tật.
Lớp học chữ tại BV Ung bướu TPHCM được thành lập vào năm 2009 do cô Đinh Thị Kim Phấn - một giáo viên tiểu học phụ trách. Trước đó 2 năm, cô Phấn đã dìu dắt những học trò đặc biệt này. Bấy giờ, cô đem bàn học vào phòng bệnh rồi cô trò ê a từng chữ giữa không gian ồn ào. Về sau, ngày càng nhiều bệnh nhi theo học mà phòng bệnh ngày một quá tải, ban giám đốc quyết định mở lớp học tại phòng sinh hoạt chung của khoa.
Cứ mỗi tuần 2 buổi vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7, cô Kim Phấn (áo đen) và tình nguyện viên lại mở cửa đón các học trò “không tóc”.
Ban đầu, nhiều em tóc còn dài nhưng sau khi truyền hóa chất thì mái đầu bóng láng. Thấy cô giáo, em xấu hổ chui xuống gầm bàn nhưng cô Phấn tươi cười động viên: “Con nhìn xem, các bạn cũng giống như con cả mà, có gì mà ngại!”.
Trong giờ học, thỉnh thoảng có tiếng rên la, có em phải về giường giữa chừng, có em tay trái truyền dịch còn tay phải gò từng nét chữ. Cũng có những câu hỏi ngây thơ: “Cô ơi, sao cục u này của con lâu quá không xẹp?” - cô cười: “Thì con cứ uống thuốc đi, rồi từ từ nó xẹp”.
Nhưng nhiều cục u không xẹp, còn cướp đi của cô những học trò chăm ngoan. Đó là bé Phan Anh Trường (12 tuổi, quê Bình Định), bé Phương Như (lớp 2, ở TPHCM), em Hồ Khương Đằng (lớp 6, quê Long An)…
Cô Phấn rất thương em Đằng, cậu bé yêu thích môn văn, dù bị cắt từng bộ phận cơ thể vì bệnh u sợi thần kinh vẫn nhờ người thân bồng đến lớp. Đến thăm Đằng những ngày cuối đời ở quê nhà, cô không thể quên đôi mắt sáng và cái nắm tay rất chặt, dù cơ thể da bọc xương của em chỉ còn một cánh tay…
Tay phải truyền dịch đau quá nên bé viết bằng tay trái
Không hiểu sao, những em học trò ở lằn ranh sống chết lại ham học đến thế. Qua nhiều năm dẫn dắt lớp học đặc biệt này, “gia tài” của cô Phấn là 300 quyển vở cũ. Có những quyển viết dở dang vì chủ nhân không còn nữa. Sau mỗi trang vở là niềm đam mê học tập, là nghị lực phi thường, là những ước mơ bình dị chưa hoàn thành...
Có người thắc mắc: “Sao cô lại cố sức dạy dỗ những đứa trẻ mà có khi nay ngồi đây, mai đã qua đời. Công sức ấy có phải là “dã tràng xe cát”?”.
Cô Phấn mỉm cười: “Tôi chỉ mong trong cuộc đời ngắn ngủi, các em viết được tên mình, hoặc chí ít là phân biệt được những con số đánh trên giường bệnh. Nói chuyện với người lớn biết thưa gửi, nhận quà biết cảm ơn…”.
Nằm viện dài ngày, ngoài nỗi đau bệnh tật, các bé còn thêm nỗi mặc cảm “bị ở lại lớp”. Có em nhập viện khi đang học lớp 1, qua 2 năm, có ai hỏi thăm thì lí nhí trả lời: “Con học lớp 3”. Lời nói dối tội nghiệp ấy khiến cô Phấn nao lòng. Nhưng từ khi tham gia lớp học, các em tự tin hơnvì mình cũng được “lên lớp” như các bạn ở quê. Tinh thần phấn chấn, sức khỏe các bệnh nhi cũng tốt hơn, có bé được về nhà đi học tiếp.
Bên ngoài cửa lớp, phụ huynh ngắm nhìn con mình, không ngờ vào bệnh viện mà bé vẫn được học hành, vui chơi.
Một cậu bé làm nũng với cô Kim Phấn.
Cô Phấn kể: “Học trò của tôi đáng yêu lắm, mỗi lần được điểm 10 là cười tít mắt, nếu có thêm chữ “giỏi” là reo lên “oh yeah!”. Các em thường so sánh xem ai được nhiều chữ “giỏi” hơn. Được đến lớp các em vui lắm, đỡ nhớ mái trường ở quê nhà. Việc tiếp thu kiến thức cũng không bị dừng lại, mỗi ngày tiến bộ được chút nào hay chút đó”.
Để chắp cánh cho những ước mơ đến với ánh sáng tri thức, nhiều thầy cô và tình nguyện viên tiếp bước cùng cô Phấn. Cuối tuần, thay vì dành thời gian cho những ly cà phê hay tán gẫu với bạn bè, họ đem khoảng thời gian ấy vào BV Ung bướu, cùng nhau gieo chữ và nụ cười cho những thiên thần bất hạnh. Họ miệt mài thắp sáng niềm tin cho các em về một tương lai tươi sáng, các em được khỏe mạnh đến trường như bao bạn nhỏ khác.
Lưu bút của cô Kim Phấn về những học trò đặc biệt của mình.
Hồng Nhung