Em Thanh có chủ quan, phiến diện quá không?

Tôi là một giảng viên ngành Khoa học Tự nhiên nhưng là một người yêu văn và cũng đã từng là cán bộ Đoàn. Nay tôi xin có vài ý kiến nhỏ về bài luận của em Thanh.

Tôi viết bài này với hy vọng người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về ý kiến của một học sinh, trên cơ sở đó mới có nhận định và ý kiến đóng góp xác đáng hơn.

 

Thứ nhất, xin góp ý với Thanh về cách tiếp cận và lập luận cũng như phần nào tâm tư tình cảm của học sinh các em với lịch sử. "Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc..."

 

Thanh thân mến, về mặt lập luận, cứ cho là em không thích tác phẩm này, tôi cũng rất hoan nghênh sự thẳng thắn của em, đặc biệt là việc dám thẳng thắn bày tỏ ý kiến trong một kì thi học sinh giỏi.

 

Tuy nhiên, việc em và một số bạn khác không thích liệu có đủ độ tin cậy để khẳng định rằng 9/10 HS không thích không? Và cứ cho răng tỉ lệ đó đúng với lớp em thì liệu nó có đúng với toàn trường em và rộng hơn, có đúng với toàn thể học sinh không em? Em suy nghĩ thử xem nhé!

 

Từ suy luận đó, em đã biến đại từ nhân xưng từ "em không thích", thành "bọn em không thể rung động". Thanh ạ, liệu em có thật sự chắc chắn rằng trong số các thí sinh ngồi trong phòng thi đó có không chỉ một hoặc hai em thực sự thích bài văn này và mỗi lần đọc lên bài ấy, lại trào dâng cảm xúc không em?

 

Rất tiếc tôi không được đọc tiếp đoạn văn sau của em để biết em lập luận thế nào, để xem "Bọn em không quay lưng với lịch sử nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc... ". BẰNG CÁCH NÀO? Chẳng lẽ cứ phải sống trong hoàn cảnh ấy mới có thể cảm thụ được hay sao? Cứ như vậy thì có nghiện ma túy hay sa vào các tệ nạn xã hội thì mới biết sợ mà tránh xa nó hay sao? Xin lỗi vì tôi lấy hình ảnh so sánh quá khập khiễng.

 

Thanh ạ, "em không hề thích tác phẩm này” nên không chỉ ra được cái hay, cái đẹp của nó, tôi đồng ý với em và hoàn toàn đồng ý với quyết định của hội đồng chấm thi khi cho 3/15 điểm vì lạc đề.

 

Em cũng hoàn toàn đúng khi cho rằng "đứng trước một tác phẩm văn học, bao giờ cũng có những ý kiến trái ngược khen - chê, hay - dở" vì tất yếu người ta đã khẳng định cái đẹp phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá chủ quan.

 

Tuy nhiên, có ai tước đi cái quyền cơ bản của các em trong việc khen chê một tác phẩm đâu em? Chỉ có điều là các em có đủ sức chỉ ra nó dở ở đâu không thôi em ạ. Một lần nữa tôi lại phải tiếc khi không được đọc toàn văn bài làm của em để xem em chỉ ra thế nào. Thêm nữa, liệu cái quan điểm "Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được "mới"?" liệu có phải do em thực sự cảm nhận ?

 

Tựu chung lại mong em hãy xem như đây là vài tâm sự của một người anh trai về 2 điểm:

 

Một là, nếu muốn bày tỏ chính kiến của mình đối với các tác phẩm, mong các em hãy thể hiện ngay trong giờ học với tinh thần xây dựng, phê bình để tiến bộ. Tôi tin rằng điều này sẽ giúp cho cả các em và giáo viên thực sự có được những tri thức đáng quí và làm giờ học sống động hơn rất nhiều, đúng như chủ trương đổi mới học tập và giảng dạy.

 

Rộng hơn, khi bày tỏ quan điểm về một vấn đề nào đó thì việc chỉ ra điểm yếu đã quan trọng, nhưng còn việc chỉ ra được CÁCH KHẮC PHỤC còn quan trọng hơn nhiều, đó mới là kết quả đấu tranh để tiến bộ em ạ.

 

Hai là, chúng ta luôn cần "sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật", nói như vậy nghe có vẻ hơi nặng nề. Nhưng hẹp lại, đó là yêu cầu của đề thi hay kiểm tra, rõ ràng ta phải đáp ứng nó thì mới có kết quả tốt. Em còn nhớ câu chuyện về "Chiếc đồng hồ" không? Đó chính là cơ sở xây dựng tính chuyên nghiệp hóa để đưa đất nước ta tiến lên đấy em ạ. Rất mong có dịp trao đổi nhiều hơn với các em.

 

Với việc dạy và học Văn nói riêng cũng như dạy học nói chung, tôi cũng xin bày tỏ sự ủng hộ đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập sang định hướng "Lấy người học làm trung tâm".

 

Nên chăng, các đề thi nghị luận không nên để phiến diện kiểu chỉ phân tích "cái đẹp” hoặc "cái chưa đẹp" một cách quá máy móc. Từng phần đó nên được học theo mục nhỏ, còn đến khi đi thi, nên yêu cầu học sinh theo hướng tổng quát hơn.

 

Chúng ta đều biết theo quan điểm duy vật biện chứng thì các mặt đối lập này cùng tồn tại và đấu tranh với nhau trong mỗi sự vật hiện tượng. Bởi thế, đề thi nên hỏi quan điểm, ý kiến học sinh về vấn đề hay tác phẩm nào đó, như vậy sẽ mang tính tự do, sáng tạo và tổng quát hơn.

 

Tất nhiên là chỉ với yêu cầu đối với từng bậc học. Cần lưu ý ngoài việc dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản, chúng ta cần dạy các em những cách nhìn nhận và đánh giá theo đúng thang bậc của quá trình phát triển tư duy ở từng cấp. Xin trân trọng cảm ơn.

 

Phạm Hồng Hà (Email: honghacs79@yahoo.com)
Tiền phong

Dòng sự kiện: Bài thi văn chấn động