"Đường đi" chấm bài thi trắc nghiệm được gán mã như thế nào?
(Dân trí) - Quy trình chấm của một bài thi trắc nghiệm phải trải qua 4 bước nghiêm ngặt từ nhận diện, nhận dạng ảnh, sửa lỗi rồi mới tiến hành chấm.
Trong đợt kiểm tra công tác chấm thi tại nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn… Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh đã chấn vấn rất kỹ cán bộ chấm thi trắc nghiệm của địa phương về quy trình chấm bài thi trắc nghiệm nhằm bảo mật bài thi một cách nghiêm ngặt nhất.
Việc quét và đọc Phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) được tiến hành theo từng lô, mỗi lô là một túi bài thi của một phòng thi. Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín.
Ông Trinh lưu ý, dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GDĐT cấp khóa giải mã. Dữ liệu xuất ra chỉ sử dụng để nhập vào Hệ thống QLT và báo cáo Bộ GDĐT.
Quy trình chấm của một bài thi trắc nghiệm phải trải qua 4 bước nghiêm ngặt từ nhận diện, nhận dạng ảnh, sửa lỗi rồi mới tiến hành chấm như sau:
Xử lý bài thi phải có mã kích hoạt từ Bộ GD-ĐT cung cấp
Các hội đồng chấm thi trắc nghiệm đều được trang bị các máy tính được liên kết thành một mạng cục bộ, trong đó có một máy mạnh được cài đặt hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Server, bản Express, làm máy chủ cơ sở dữ liệu (database server), còn các máy khác gọi là máy trạm (work station) được cài đặt Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm.
Trước khi thao tác với các chức năng chính của phần mềm cho việc xử lý bài thi cần phải có mã kích hoạt bản quyền và tệp tin khóa do Bộ GDĐT cung cấp để nhập vào phần mềm, sau khi nhập mã kích hoạt và tệp tin khóa này, các chức năng đầy đủ của phần mềm mới được kích hoạt đầy đủ.
Phần mềm có phân quyền người sử dụng để tách biệt chức năng và phân công theo các quy trình chấm. Tất cả thao tác của người sử dụng đều được phần mềm ghi lại và có thể trích xuất dữ liệu khi cần.
Theo đó, các tệp tin cấu hình mẫu các bài thi và các môn thi sẽ được đính kèm vào Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm.
Đặc biệt, điểm xuất ra theo tệp tin cấu hình mẫu tích hợp trong Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm cho Hệ thống QLT được tính theo thang điểm 100 và mức làm tròn được cấu hình mặc định theo các tệp tin này.
Điểm theo thang điểm 100 để tương thích với Hệ thống QLT, cách tính điểm, làm tròn theo quy định sẽ được Hệ thống QLT thi tự động chuyển đổi cho phù hợp. Dữ liệu xuất ra đều đã được mã hóa.
4 pha xử lý bài thi và chấm thi
Pha quét ảnh: Cán bộ chấm thi sẽ dùng máy quét ảnh (Scanner) tốc độ cao quét các bài thi theo từng phòng thi, đưa vào các thư mục chứa ảnh. Thư mục này và các file trong đó sẽ nằm trên máy chủ và được lưu ở chế độ “chỉ đọc” (read only).
Tại pha này các file ảnh sẽ được mã hóa, chỉ Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm được Bộ GDĐT cung cấp mới có thể đọc và hiển thị dữ liệu.
Để tránh trường hợp quét thiếu phiếu, cần so sánh và kiểm tra số lượng phiếu trong từng túi bài thi có khớp với số lượng phiếu được quét vào phần mềm hay không.
Các file ảnh đã được mã hóa và bản sao lưu cơ sở dữ liệu của phần mềm sẽ được ghi vào đĩa CD/DVD được gán nhãn là CD0. Sau khi xuất đĩa CD0, chức năng quét sẽ bị khóa lại.
Pha nhận dạng ảnh: Phần mềm sẽ nhận dạng ảnh các bài thi để rút ra các thông tin SBD, mã đề thi và bài làm.
Các dữ liệu nhận dạng ban đầu này (chưa sửa lỗi, gọi là kết quả nhận dạng phiếu chưa sửa lỗi) sẽ được lưu vào trong cơ sở dữ liệu của phần mềm.
Kết quả nhận dạng phiếu chưa sửa lỗi và cơ sở dữ liệu của hệ thống đồng thời được kết xuất ra đĩa CD/DVD và được gán nhãn là CD1. Khi đã xuất đĩa CD1, toàn bộ các thao tác trước đó sẽ bị khóa lại.
Mẫu cách tô bài thi trắc nghiệm
Pha sửa lỗi của thí sinh: Một số lỗi thí sinh thường mắc như: Không tô số báo danh (SBD), tô nhầm SBD dẫn đến SBD trùng nhau, tô SBD không tồn tại hoặc tô không đúng quy cách dẫn đến không thể nhận biết được.
Lỗi nhầm SBD đặc biệt nhất khi gặp phải là một thí sinh đi thi tô nhầm thành SBD của một thí sinh không đi thi.
Không tô mã đề, tô mã đề không có, hoặc tô sai quy cách khiến không thể nhận biết được thí sinh đã dùng mã đề nào. Phần trả lời bị tô quá mờ hay bị tẩy xóa đến mức không hiểu được thí sinh chọn phương án nào, hoặc tô vào vùng câu hỏi không tồn tại. Có những lỗi do quét bài như để gấp phiếu, sai mặt phiếu, làm phiếu bị biến dạng.
Về qui trình sửa lỗi SBD, lỗi mã đề thi: Chỉ bài nào bị lỗi mới hiển thị.
Khi sửa lỗi SBD hay lỗi mã đề thi, phần mềm chỉ hiển thị ảnh bài thi đã được che phần bài làm của thí sinh. Phần mềm hiển thị cửa sổ nhập liệu để người dùng nhập SBD và Mã đề thi đúng cho file ảnh bài thi được chọn.
Về qui trình sửa lỗi gặp phải ở phần bài làm:Chỉ bài nào bị lỗi mới hiển thị. Khi sửa bài bài làm, phần mềm chỉ hiển thị ảnh bài thi; phần thông tin SBD, Mã đề thi và các phần được ghi tay bị che. Phần mềm hiển thị ra cửa sổ nhập liệu cho phép người dùng nhập thông tin các câu trả lời của thí sinh bị lỗi.
Đặc biệt, khi người dùng thực hiện bất cứ thao tác sửa nào, phần mềm đều tự động ghi lại trong nhật ký. Kết quả sửa bài thi được phần mềm lưu lại và đồng thời in ra biên bản sửa lỗi.
Các dữ liệu nhận dạng ban đã được sửa lỗi tất cả các lỗi (gọi là kết quả nhận dạng phiếu đã sửa lỗi) sẽ được lưu vào trong cơ sở dữ liệu của phần mềm. Kết quả nhận dạng phiếu đã sửa lỗi và cơ sở dữ liệu của hệ thống đồng thời được kết xuất ra đĩa CD/DVD và được gán nhãn là CD2. Khi đã xuất đĩa CD2, toàn bộ các thao tác trước đó sẽ bị khóa lại.
Pha chấm bài thi: Sau khi thực hiện 3 bước trên và nhận được đĩa CD đáp án từ Bộ GDĐT (Đĩa CD đáp án có chứa các tệp tin đã được mã hóa. Mỗi tệp tin mã hóa là đáp án của tất cả các mã đề của bài thi đó.
Sau khi nhập đáp án vào phần mềm, cán bộ chấm thi phải kiểm tra, so sánh với đáp án trên bản giấy có dấu đỏ): các Hội đồng thi nạp đĩa đáp án vào phần mềm. Nếu chưa thực hiện Pha thứ 3, khi phát hiện còn lỗi chưa sửa thì Phần mềm sẽ chặn, không cho phép thực hiện Pha thứ 4 này.
Theo đó, nạp dữ liệu đáp án và chấm tự động vào phần mềm. Sau khi chấm xong, phần mềm cho phép kết xuất kết quả chấm thi (đã được mã hóa), biên bản sửa lỗi và cơ sở dữ liệu của phần mềm ra đĩa CD/DVD và được gán nhãn là CD3. Khi đã xuất đĩa CD3, các chức năng về trước sẽ bị khóa lại.
Ông Mai Văn Trinh kiểm tra thiết bị kỹ thuật tại phòng chấm thi trắc nghiệm
Chỉ có Bộ GD&ĐT mới có quyền cấp phép sửa
Mỗi bước trong quy trình chấm thi kể trên đều được chốt, đã chốt thì không làm lại được; chốt rồi thì mới có thể thực hiện được bước tiếp theo; rất hạn chế quay lùi.
Tuy nhiên, có thể xảy ra những sự cố buộc phải thực hiện lại một bước đã qua, ví dụ quét sót một lô bài thi mà tới khi chấm xong mới phát hiện được. Phần mềm có một chức năng lùi tiến trình, chỉ có Bộ GDĐT mới được quyền cấp phép.
Trong trường hợp bắt buộc phải lùi, Ban Chấm thi trắc nghiệm cần thực hiện chức năng lùi tiến trình trong phần mềm tới công đoạn cần thiết. Phần mềm sẽ tạo một mã xin phép để chuyển cho Bộ GDĐT.
Trên cơ sở đề xuất của Ban Chấm thi trắc nghiệm, Bộ GDĐT xem xét có thể cho lùi tiến trình bằng cách tạo ra mã đối ứng gửi lại Ban Chấm thi trắc nghiệm.
Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết, ngoài việc giao quyền tự chủ cho các địa phương, Bộ đưa ra các giải pháp về mặt quản lý, về mặt kỹ thuật như trên để làm sao quyền của địa phương được xác định rõ và được thực hiện một cách nghiêm túc trong khuôn khổ của quy định, quy chế và sự giám sát của các thanh tra.
Tuy nhiên, ông Trinh cho rằng, dù giải pháp kỹ thuật có chặt chẽ thế nào thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Do đó, các Ban chỉ đạo thi ở địa phương phải quán triệt rõ ràng quy định, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể từng cá nhân khi tham gia chấm thi nhằm đảm bảo kỳ thi công bằng, khách quan.
Hồng Hạnh