Dự kiến đưa chiến tranh biên giới phía Bắc vào SGK tiểu học
(Dân trí) - Hiện chương trình SGK phổ thông đã có thông tin về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nhưng chưa đầy đủ. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, người biên soạn SGK môn Lịch sử giai đoạn 2000-2014 dự kiến một số nội dung có thể đưa vào SGK phổ thông.
Đã có nhưng chưa đủ
Dư luận cho rằng, chương trình và SGK phổ thông hiện còn quá ít dung lượng về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Là người từng biên soạn SGK Lịch sử, ông nghĩ gì về điều này?
Hiện SGK phổ thông đã có thông tin về cuộc chiến tranh này nhưng thời lượng còn ít. Cụ thể, ở SGK lớp 9 có bài 32 với tên gọi “Xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Ở SGK lớp 12 cũng có bài “Việt Nam xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Trong hai cuốn này đều có tiểu mục II gọi là đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, có 2 mục nhỏ là đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, thời lượng và dung lượng của hai sự kiện này còn đang ít, chưa thỏa mãn được ngay cả bản thân các tác giả viết SGK cũng như giáo viên, học sinh và người đọc.
Vậy theo ông, cần đưa nội dung này vào GSK các cấp học phổ thông với mức độ nào là phù hợp?
- Theo tôi, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc có tầm quan trọng hết sức đặc biệt trong quá trình phát triển của dân tộc. Ở đây cũng là một phần của lịch sử Việt Nam, của quá trình chống ngoại xâm và các thế lực thù địch với nước ta.
Chúng ta đã đưa vào SGK nhưng tôi nghĩ, cần thiết phải bổ sung để giáo dục cho thế hệ trẻ, cho nhân dân và đối với tất cả các thế hệ cần khắc cốt ghi tâm các truyền thống cũng như tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Đồng thời, nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần cảnh giác với các thế lực thù địch vẫn đang luôn luôn muốn phá hoại nước ta. Đấy là điều cần khẳng định và tôi nghĩ chắc chắn sẽ phải đưa vào nhưng cụ thể thế nào, cần phải có tính toán.
Đưa vào từ SGK tiểu học
Theo ông, nên bổ sung kiến thức về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào SGK từ cấp học nào?
Hiện Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị tổng thể cho chương trình và SGK. Trong đó, bộ cũng chuẩn bị luôn chương trình của các bộ môn, trong đó có bộ môn Lịch sử của chúng tôi.
Trước mắt có thể đưa ra dự kiến, bởi còn phải đưa vấn đề này ra thảo luận ở Hội đồng bộ môn, ở Hội đồng thẩm định. Nhưng theo tôi, có thể đưa cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào SGK nhiều hơn, sâu đậm hơn. Không chỉ đưa kiến thức này vào cấp THCS hoặc THPT mà ngay cả cấp tiểu học cũng được học.
"Chúng ta không né tránh và phải tôn trọng lịch sử. Tuy nhiên, nên đưa vào như thế nào, mức độ ra sao thì cần phải nghiên cứ kĩ để giúp các em hiểu được tinh thần yêu nước trong cuộc chiến đấu bảo vệ dân tộc.
Tất cả những điều này, chắc chắn sẽ phải có hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định để xem mức độ cần làm và triển khai ra sao cho hợp lý." - PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương
Cụ thể, ông hình dung những nội dung nào cần thiết phải bổ sung trong SGK thời gian tới?
Đối với tiểu học, chương trình lớp 4, lớp 5 hiện đang dạy theo thông sử, dạy theo các triều đại. Sắp tới, thực hiện định hướng theo Nghị quyết 29 NQ/TW ngày 4/11/2013, kiến thức này sẽ tích hợp giữa môn Lịch sử và môn Địa lý với môn học có tên gọi “Tìm hiểu xã hội”.
Theo đó, học sinh tiểu học sẽ học theo phương thức kể chuyện nhẹ nhàng hấp dẫn như các câu chuyện về địa danh, chẳng hạn địa danh 6 tỉnh biên giới đẹp như thế nào để bước đầu học sinh hiểu thế nào là biên giới.
Sau đó, có thể kể địa danh đã xảy ra các trận chiến oanh liệt của chúng ta đẩy lui kẻ thù ra sao. Cùng với địa danh, chúng ta có thể kể về các tấm gương anh hùng, liệt sĩ, những chiến sỹ rất tiêu biểu đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc như liệt sỹ Lê Đình Chinh, thiếu úy Nguyễn Văn Hiền... đã chiến đấu rất kiên cường và hy sinh anh dũng vì Tổ quốc.
Ở cấp THCS, chúng ta có thể viết rõ hơn, sâu hơn về các sự kiện lịch sử, kể rõ hơn về các cuộc chiến của chúng ta, nêu bật được ý nghĩa quan trọng của chiến thắng đó ngang với các chiến thắng khác trong lịch sử như: Chiến thắng Tốt động - Chúc động; Chiến thắng quân Nguyên Mông…
Ngoài ra, chúng ta cố gắng đổi mới hình thức, đưa ra tư liệu quân mình chuẩn bị thế nào, tư liệu về quân xâm lược ra sao, chúng ta làm phòng tuyến thế nào…
Đến chương trình THPT, kế thừa SGK lớp 12 đã có trước đây, chúng tôi định hướng sẽ dạy theo chuyên đề và chủ đề. Chẳng hạn, có thể dạy theo chủ đề lớn, chủ đề nhỏ, dạy về truyền thống đánh giặc cứu nước của chúng ta. Trong đó, có truyền thống chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc hoặc chuyên đề về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, các chuyên đề về các nhân vật lịch sử.
Tuy nhiên, các chủ đề này cần được nâng cao hơn ở chương trình lớp 12. Thậm chí, có thể lồng ghép vào đó để phê phán và đả phán, chống lại các tư tưởng xuyên tạc của kẻ thù về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979.
Bộ GD&ĐT nên biên soạn tài liệu bổ sung
Phải đến năm 2018 chúng ta mới áp dụng chương trình và SGK mới. Trong hai năm tới, chúng ta vẫn phải chờ để bổ sung kiến thức này, thưa ông?
Tôi nghĩ, đưa hoàn toàn kiến thức này vào SGK phải chờ đến năm 2018, khi chúng ta thay đổi chương trình và SGK. Trước mắt, chúng ta nên có những hoạt động nội khóa, hoạt động ngoại khóa về cuộc chiến chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc. Chúng ta có thể kể những câu chuyện, những tấm gương trong cuộc chiến này để học sinh hiểu rõ hơn.
Trước mắt, Bộ GD&ĐT có thể giao cho các sở. Các Sở GD&ĐT giao cho các trường biên soạn những bài giảng này. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác và thống nhất giữa các bài giảng, các trường cần có trao đổi theo đúng đường lối quan điểm và quan trọng đúng với sự thật lịch sử.
Tôi nghĩ, nếu Bộ GD&ĐT chủ động biên soạn tài liệu này và chủ động bổ sung vào chương trình cho các trường thì sẽ đảm bảo hoàn toàn tính chính xác, công bằng cũng như chủ trương đường lối của Đảng.
Từ trước đến nay, ít có tài liệu khi nhắc đến các con số thiệt hại trong cuộc chiến chống xâm lược ở biên giới phía Bắc. Khi bổ sung, chúng ta có nên thẳng thắn đưa những con số cụ thể vào chương trình SGK mới?
Đó là một sự thật lịch sử. Tôi đồng cảm với các ý kiến cho rằng chúng ta ít nhắc đến các con số. Tuy nhiên, mức độ đưa đến đâu phải tính toán. Có những vấn đề đang tranh luận, ở các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu, chúng ta có thể đưa ra bàn luận thoải mái. Nhưng đối với các em học sinh phổ thông, những vấn đề gì đang tranh luận, cần phải có sự thống nhất.
Thứ hai, khi đưa các con số về cả hai phía, chúng ta cần cân nhắc bởi có những sự kiện lịch sử, có thể sau bao nhiêu năm mới công bố nên cần phải rất cẩn trọng xem mức độ đưa thế nào. Làm sao bảo đảm được tinh thần yêu nước của dân tộc, vừa chính xác và đảm bảo nguồn lực trong công cuộc xây dựng Tổ quốc.
Với vai trò là người tham gia viết SGK Lịch sử phổ thông, ông có kiến nghị chính thức với Bộ GD&ĐT về chủ trương đưa kiến thức này vào SGK?
Trên đây chỉ là ý kiến của cá nhân tôi. Bao giờ Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng bộ môn, Hội đồng biên soạn Chương trình và SGK, tôi nghĩ, các thành viên biên soạn cũng như các giáo viên Lịch sử cũng có ý kiến đồng ý.
Chúng ta không né tránh và phải tôn trọng lịch sử. Tuy nhiên, nên đưa vào như thế nào, mức độ ra sao thì cần phải nghiên cứ kĩ để giúp các em hiểu được tinh thần yêu nước trong cuộc chiến đấu bảo vệ dân tộc.
Tất cả những điều này, chắc chắn sẽ phải có hội đồng biên soạn, hội đồng thẩm định để xem mức độ cần làm và triển khai ra sao cho hợp lý.
Xin cám ơn ông!
Mỹ Hà
(Email: myha@dantri.com.vn)