Cử nhân “vật vã” tìm việc:

Doanh nghiệp “nản” với kỹ năng của SV tốt nghiệp

(Dân trí) - Không phải về chuyên môn hay đòi hỏi sinh viên mới tốt nghiệp phải có kinh nghiệm làm việc mà vấn đề các nhà tuyển dụng “oải” lại là các kỹ năng và thái độ của cử nhân.

Bức xúc vì kỹ năng của sinh viên 

Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, đối với sinh viên (SV) vừa ra trường, họ đòi hỏi không cao về kinh nghiệm làm việc. Yêu cầu lớn nhất là ứng viên phải có các kỹ năng cơ bản để vào làm việc và hòa nhập với văn hóa ở doanh nghiệp thì SV lại rất yếu.

Qua hàng ngàn nhân viên kỹ thuật làm việc tại công ty, ông Trần Thanh Liên - Tổng công ty Điện lực TPHCM đánh giá đối với SV kỹ thuật khi ra trường tay nghề rất ổn, kiến thức nền vững và không khó để làm quen với công việc.

Thế nhưng, lợi thế này lại bị cản trở bởi "điểm trừ" của SV tốt nghiệp là yếu nhiều kỹ năng cơ bản, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ và làm việc nhóm.

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng và thái độ làm việc của SV tốt nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng và thái độ làm việc của SV tốt nghiệp.

“Trình độ ngoại ngữ chung hiện nay là các bạn có thể đọc, viết nhưng không nói và trao đổi được. Công ty có nhiều chương trình, hội thảo ở nước ngoài nhưng rất khó trong việc tìm người đi tham dự vì yếu kém ngoại ngữ.

Ngoài ra, các bạn làm việc cá nhân rất tốt nhưng làm việc nhóm lại không đạt hiệu quả. Thường những bất đồng ý kiến trong công việc không giải quyết được”, ông Liên cho hay.  

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - đại diện Công ty Hùng Hậu đánh giá SV hiện nay được đào tạo chuyên môn bài bản hơn nhưng lại quá mang tính tổng quát, thiếu kiến thức chuyên ngành. Hơn nữa ngược lại với điểm tích cực là năng động thì khả năng ứng xử và hòa nhập, thích nghi với văn hóa công ty của SV còn rất hạn chế.

Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ, họ gặp không ít ứng viên tốt nghiệp từ các trường ĐH có tiếng, bằng rất đẹp, kiến thức chuyên môn cũng rất ổn, có rất nhiều chứng chỉ đi kèm…  mà vẫn bị loại vì các kỹ năng quá kém.

Không chỉ các kỹ năng liên quan đến công việc mà các kỹ năng về ứng xử, giao tiếp và thái độ sống của SV cũng bị nhiều DN (doanh nghiệp) than phiền. SV thường bộc lộ sự nóng vội, muốn thấy được kết quả nhanh nên thiếu sự tích cực trong việc tiếp thu, lắng nghe cũng như thiếu sự cam kết gắn bó lâu dài với công việc.

DN trong nước đã vậy, các công ty, tập đoàn nước ngoài với các yêu cầu cao hơn thì lời than phiền về SV còn nhiều "nặng" hơn về ngoại ngữ, làm việc nhóm, tính kỷ luật, tinh thần chịu trách nhiệm, bày tỏ ý kiến… Thậm chí, có những DN nước ngoài còn dùng từ bất mãn với các cử nhân ĐH của Việt Nam vì những hạn chế đó dễ dẫn đến những hậu quả tệ hại cho công việc.  

Điều này ám ảnh các DN nước ngoài đến đến mức trong nhiều hội thảo về nguồn nhân lực, không ít doanh nhân ngoại quốc đã xin lỗi trước khi đưa ra nhận xét về SV Việt Nam vì “khi chúng tôi nói ra những lời góp ý chân thành này các bạn sẽ giận và bị tổn thương”.

Ông H.EAndrej Motyl - đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam chia sẻ ông nghe nhiều DN Việt Nam và các công ty nước ngoài khen ngợi SV Việt Nam rất chịu khó, có hoài bão nhưng cũng bức xúc sau khi tốt nghiệp ĐH, SV lại không các kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng cần.

Thiếu nhưng khó tuyển người

Không thể phủ nhận khó khăn về kinh tế, nhiều DN đóng cửa, cắt giảm lao động ảnh hưởng đến quá trình xin việc cử nhân ra trường. Theo phân tích của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nhân lực năm 2012 giảm 2,9% so với năm 2011.

Chỉ số nhu cầu tìm việc làm tại TPHCM liên tục tăng qua các quý, trong đó SV tốt nghiệp CĐ, ĐH và trên đại học chiếm tỉ lệ rất cao. Một số ngành nghề rất vất vả trong quá trình xin việc theo thứ tự như kế toán, nhân sự hành chính, nhân viên kinh doanh - marketing, quản lý điều hành… Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng những ngành này ở DN vẫn nhiều nhưng không tuyển được người.

Sinh viên cần được định hướng sớm hơn để không bỡ ngỡ khi ra trường.
Sinh viên cần được định hướng sớm hơn để không bỡ ngỡ khi ra trường.

Ông  Phạm Minh Tuấn - Giám đốc Tuyển dụng và phát triển nhân sự Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, kiến thức ở trường học chỉ chiếm 40% khả năng thành công khi đi xin việc mà DN còn cần các tiêu chuẩn như năng lực làm việc chủ động, tốc độ làm việc, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy sáng tạo…

Ông kể, khi công ty có nhu cầu tuyển dụng, ông chọn 200 SV đến từ một trường ĐH nhưng chỉ tuyển được 40 SV. Trong đó chỉ 10 SV đáp ứng được khoảng 60% công việc.

Trong năm 2012, nguồn nhân lực trong ngành cơ khí ở TPHCM chỉ đáp ứng được 50% so với nhu cầu tuyển dụng. Các doanh nghiệpN luôn tuyển không đủ người cho dù đã đặt hàng đào tạo và không yêu cầu quá cao về tay nghề. Hay công nghệ thông tin nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh (trên 66% so với năm 2011) nhưng nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu.

TS Dương Tấn Hiệp - Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM cho rằng kinh tế khó khăn, bên cạnh việc sa thải nhân viên thì DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng với yêu cầu đòi hỏi về chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, DN luôn khó trong việc tuyển người.

“Việc đào tạo ở trường học hiện nay chủ yếu vẫn chú trọng vào kiến thức nên SV ra trường thiếu kỹ năng. Ngoài ra, một trong những vấn đề mà DN hiện nay rất quan tâm là thái độ sống, cách ứng xử của người lao động thì SV còn yếu vì các em thiếu va chạm thực tế”, ông Hiệp nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, SV ngày nay dù đã năng động hơn rất nhiều nhưng những năm ở đại học vẫn rất bị động, thiếu va chạm với thực tế mà thường bắt đầu khi ra trường mới “bơi”.

Ông Masaki Yamashita - Tổng giám đốc ngân hàng Mitsibishi UFN Việt Nam cho hay kiến thức chuyên ngành của lao động Việt Nam rất tốt, rất rộng nhưng lại khó chuyển giao kiến thức đó thành kỹ năng làm việc, không ứng dụng được vào thực tế.

“Một trong những vấn đề mà tôi cảm thấy là SV Việt Nam rất nhiều những trải nghiệm thực tế khi đi học. Các bạn nên tham gia vào các CLB học thuật hay thể thao, các hoạt động xã hội nhiều hơn nữa để qua đó trau dồi cho mình những kỹ năng thì khi đi làm các bạn sẽ thuận lợi hơn”, doanh nhân người Nhật nói.

Những năm gần đây trường ĐH và DN đã có những gắn kết để thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, tuy nhiên sự hợp tác này chưa thật sự phát huy hết hiệu quả. Nhưng theo nhiều chuyên gia, trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì vai trò chủ động, nỗ lực của chính người lao động vẫn là yếu tố cốt lõi, đặc biệt trong tình hình khó kiếm việc làm như thời điểm hiện nay thì điều này càng cần thiết. 
 
“Hiện nay nhiều SV chủ động hơn trong kiếm việc làm nhưng chỉ với những bạn có định hướng công việc cho mình từ sớm. Họ chủ động một cách có kiểm soát, khi bắt đầu từ năm 2, năm 3, các bạn đã đi làm thêm theo ngành nghề mình yêu thích để tích lũy kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng chứ không ngồi học nhẵn suốt 4 năm rồi mới đi xin việc.
 

Tuy nhiên số SV này theo em không lớn, chỉ khoảng 30% còn nữa thì SV vẫn rất thụ động do họ không tìm được định hướng cho mình. Nhiều SV học và ra trường mà vẫn không biết mình sẽ làm gì nên rơi vào bế tắc. Đây là kết quả của vấn đề hướng nghiệp và xác định ngành đam mê sở thích khi đăng ký thi ĐH” - Nguyễn Hữu Anh, cựu SV Trường ĐH Ngoại thương TPHCM.

 
 “Để SV đáp ứng được nhu cầu xã hội, cần đẩy mạnh sự trao đổi mật thiết hơn giữa nhà trường và DN. Hiện nay trường học đã lồng ghép rất nhiều các kỹ năng thông qua việc học, đẩy mạnh thực hành xã hội cho SV, còn DN tạo điều kiện cho SV thực tập, tham quan, tổ chức các hội chợ việc làm điều này rất có ích cho SV. Tuy nhiên, DN thường chỉ mới hướng đến SV năm cuối sắp ra trường còn SV năm nhất, năm 2 đang học đại cương lại rất ít cơ hội. Cần nhiều chương trình, hoạt động tương tác thực tế đến cho SV vừa ĐH để các bạn có định hướng sớm hơn” - Võ Trần Vi Khanh, SV năm cuối Trường ĐH Bách khoa TPHCM.
 
Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm