Sinh viên bị doanh nghiệp “chê”, nhà trường nói gì?

(Dân trí) - Doanh nghiệp chê sinh viên tốt nghiệp ra trường yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Còn trường đại học cho rằng trường học chỉ cung cấp các kiến thức nền tảng, cơ bản chứ không thể đáp ứng mọi yêu cầu của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, các trường đại học (ĐH) và doanh nghiệp (DN) đã có nhiều hoạt động “bắt tay” để thực hiện mục tiêu đào tạo theo gắn liền với nhu cầu thực tế. Nhưng sự kết hợp giữa bên đào tạo và bên sử dụng gặp không ít khó khăn vì bên nào cũng có lý của riêng mình nên nguồn nhân lực vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “thừa” lại vừa “thiếu”. Nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn, “độ vênh” càng lộ rõ khi nhiều sinh viên (SV) tốt nghiệp, kể cả bằng Khá, Giỏi vẫn không xin được việc hoặc chấp nhận làm những việc không hề liên quan đến ngành nghề được đào tạo.

Trường ĐH và doanh nghiệp: Bắt tay nhưng khó chặt

Trường học ngày càng có nhiều chương trình hợp tác với doanh nghiệp nhằm gắn kết đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Đòi hỏi SV đáp ứng yêu cầu DN: Bất khả thi?

DN chê SV tốt nghiệp ra trường yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế, thậm chí nhiều DN bất mãn với kỹ năng của nguồn nhân lực có lẽ là điều mà lãnh đạo trường ĐH nào cũng nghe, cũng biết. Họ lắng nghe ý kiến của DN là “hãy đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tiễn” nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo ở giảng đường không thể chạy theo và đáp ứng được mọi yêu cầu của DN.

TS Lê Hữu Phước - phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV TPHCM cho hay không nên đòi hỏi SV tốt nghiệp phải đáp ứng 100% yêu cầu của nhà tuyển dụng vì điều đó là bất khả thi, ngay cả về mặt kiến thức, nhà trường không thể làm nổi "sứ mệnh" đó.
 
“Sau 4 năm đào tạo, SV mới chỉ được trang bị kiến thức mang tính nền tảng. Việc đào tạo lại, đào tạo tiếp cho lao động trong môi trường làm việc của mình là tất yếu, các nhà tuyển dụng nên chấp nhận điều này như một lẽ đương nhiên. Việc đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu của SV đối với DN cần thỏa đáng hơn”, ông Phước bày tỏ.

Hiện nay nhiều SV tốt nghiệp ĐH rất khó xin việc làm

Hiện nay nhiều SV tốt nghiệp ĐH rất khó xin việc làm.

Trách nhiệm của trường học là đào tạo kiến cơ bản và kỹ năng cơ bản, tuy nhiên ông Phước cho rằng trường học cũng chưa xác định được kiến thức nào, kỹ năng nào là nền tảng. Đặc biệt là các trường tốp trên luôn chạy theo kiến thức hàn lâm, tinh hoa mà “bỏ quên” yêu cầu của thị trường.
 

"Theo tôi, đánh giá SV Việt Nam tốt nghiệp ĐH phải đào tạo lại là chưa chính xác. Đến môi trường mới nào cũng cần có sự chuẩn bị để thích nghi, thích ứng. Ngay trong một công ty, cùng lĩnh vực mà khi thay đổi vào vị trí khác, người lao động cũng đã cần có thời gian để thích ứng, làm quen. Vấn đề của SV Việt Nam là các bạn cần chủ động mang tính tích cực hơn nữa". - Ông Rick Howarth, Tổng Giám đốc của Nhà máy Intel Products Việt Nam

Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị tường lao động TPHCM nhìn nhận thực trạng trong thời buổi khó khăn, khan hiếm việc làm nhưng nhiều DN vẫn không tuyển được người làm vì họ đòi hỏi nguồn nhân lực cao.

Ông Tuấn cho rằng đòi hỏi trường ĐH đào tạo nhân lực phải đáp ứng mọi yêu cầu của DN là không thể vì mỗi doanh nghiệp có môi trường, bí quyết làm việc riêng, trường học không thể chạy theo… từng yêu cầu đó.

Đồng tình với ý kiến trên, TS Tân Hạnh - phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông TPHCM cho biết trường mình đào tạo ngành nghề mang tính đặc thù, thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông nên trước đây SV ra trường là có việc ngay. Từ năm 2007, số lượng tuyển sinh đông không chỉ đáp ứng trong ngành mà hướng đến nhu cầu xã hội nên trường chủ động tiếp cận với doanh nghiệp để tiếp thị nguồn nhân lực của mình.

Theo ông Hạnh, SV yêu cầu nhà trường phải đào tạo sao cho đúng yêu cầu DN và DN đòi hỏi trường ĐH phải đáp ứng mọi yêu cầu của mình là thiếu thực tế. Vì trường ĐH có khung đào tạo chung chứ không phải muốn là có thể vượt qua được khung đào tạo đó.

Nhà trường không theo kịp xã hội

Ông Trần Thanh Liên - Tổng công ty Điện lực TPHCM cho rằng phía việc kết hợp đào tạo giữa bên sử dụng và bên đạo tạo có nhiều tích cực nhưng còn nhiều kẽ hở. Cụ thể trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, trong quá trình đào tạo 4 năm ở trường khi SV tốt nghiệp đi làm thì công nghệ ngoài xã hội đã thay đổi rất nhiều, nhà trường theo không kịp.

“Nhà trường cần phối hợp với những nhà thầu tiên tiến, cung cấp các tài liệu kỹ thuật cho SV nghiên cứu và tiếp cận với các kỹ thuật mới nhất”, ông Liên nói.

Hiện nay nhiều SV tốt nghiệp ĐH rất khó xin việc làm

Nhà trường và doanh nghiệp cần gắn kết chặt hơn còn SV cần chủ động hơn nữa để cùng giải quyết bài toán nguồn nhân lực vừa thừa lại vừa thiếu.

Dù khẳng định SV không thể đáp ứng mọi yêu cầu của DN nhưng TS Lê Hữu Phước đồng tình rằng sự kết hợp giữa nhà trường cần thắt chặt, cụ thể hơn qua việc trao đổi thông tin. Các trường nên cung cấp thông tin về các sản phẩm đào tạo đã, đang và sắp có của mình cho thị trường. Còn phía tuyển dụng phải cho nhà trường biết về nhu cầu và yêu cầu đối với nhân sự.

Theo ông Phước, trong bối cảnh như hiện này mà yêu cầu SV làm đúng ngành là rất khó trừ một số ngành đặc thù. Thế nên không nên đòi hỏi đúng ngành mà nên chú ý đến việc đào tạo liên ngành.

"SV ngoài việc học chuyên nhành chính có thể chọn thêm những môn học để trang bị thêm kiến thức kỹ năng khác cho mình thì khả năng tìm việc sẽ cao hơn. Thay vì SV học bốn năm để lấy một bằng chuyên ngành thì có thể cho SV học 5 hoặc 6 năm để lấy bằng đôi, giảm thời gian phải học văn bằng hai”, TS Lê Hữu Phước đề xuất.

DN chỉ hỗ trợ, ngại trách nhiệm

Lâu nay chúng ta nghe rất nhiều về những lời chê về việc đào tạo chưa theo yêu cầu xã hội của trường ĐH, còn trách nhiệm của bên sử dụng nguồn nhân lực lại ít được đề cập. Trong khi, trong điều kiện như hiện nay DN có vai trò rất lớn trong việc hoàn thiện nguồn nhân lực, là môi trường để SV áp dụng các kiến thức ở nhà trường vào thực tế.

Sự kết hợp của các DN chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ, chưa gắn liền với trách nhiệm. Không ít DN khi tuyển người, ngay với SV vừa tốt nghiệp đã đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc hay các kỹ năng nhỏ lẻ theo môi trường của mình. Họ chú trọng đến việc ứng viên phải đem lại hiệu quả ngay mà ngại “đầu tư” đến việc đào tạo thêm.

“Không một ai vừa tốt nghiệp mà có thể làm việc được ngay trong một môi trường mới. Theo tôi, để có nguồn nhân lực cao thì bên sử dụng cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ SV biến các kiến thức ở trường học có thể ứng dụng được vào thực tế”, đại diện công ty Hùng Hậu thẳng thắn.

Người này cho biết, công ty sẵn sàng nhận những SV năm cuối, SV ra trường trong lĩnh vực mình cần đến thực tập để đào tạo thêm. Qua đó sẽ giữ lại những ứng viên có năng lực và phù hợp. 

Không ít DN cũng sẵn sàng như vậy nhưng khó khăn của họ chưa thể lập ra một bộ phận chuyên môn để hợp tác trong việc đào tạo với trường ĐH. Họ cũng không muốn mạo hiểm đầu tư thời gian, tiền bạc để đào tạo thêm vì ở góc độ kinh doanh hiển nhiên họ muốn tuyển người có thể làm việc ngay. Chưa kể lo ngại "cốc mò cò xơi", người mới đi làm có chuyên môn, kinh nghiệm thì rất dễ nhảy việc.

Để có nguồn nhân lực cao, SV ra trường không rơi vào cảnh thất nghiệp hay làm trái ngành, nhà trường và DN phải có hợp tác chặt chẽ và mang tính trách nhiệm hơn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nhà trường và DN chỉ mang tính chất là môi trường, điều quan trọng nhất là sự nỗ lực, cố gắng của chính SV. Họ phải biết chủ động trau dồi cho mình kiến thức, các kỹ năng, tinh thần tự học, thái độ làm việc hợp tác, tiếp cận với doanh nghiệp… thì kiến thức được học mới có thể đến sát với nhu cầu.

Hoài Nam