Học Kinh tế, vì đâu thực tập… pha trà?
(Dân trí) - Nội dung thực tập nhàm chán, rập khuôn nên sinh viên chỉ tập trung vào lợi ích của mình, chưa nghĩ đến mình sẽ đem lại gì cho doanh nghiệp. Đó là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp “ngại” hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực tập.
Thực tập lãng phí
Ông Huỳnh Song Hào - phó giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TPHCM cho hay với nền tảng từ nhà trường, nhiều sinh viên (SV) ngành Kinh tế sau khi được đào tạo thêm là những nhân tố rất tích cực trong nhân lực của ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Hào, thực tập bây giờ vẫn như cách đây cả chục năm, các bạn đến doanh nghiệp (DN) thực tập chủ yếu để thu thập thông tin cho mình chứ không xác định sẽ làm được gì cho DN.
Ông Hào đề xuất, khi SV đi thực tập nhà trường cần xây dựng sẵn những đề tài để các em nắm được mục tiêu cụ thể. Khi đi thực tập sẽ phối hợp cùng DN xây dựng đề tài đó. Có như vậy mới có tương tác hai chiều, SV cũng hỗ trợ DN thì mới có tính kết nối với trường học, kỳ thực tập mới hiệu quả.
Hình thức, nội dung thực tập của SV chưa gắn liền với hoạt động chuyên môn của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa).
"Mới đầu tôi cũng e ngại giao việc cho SV vì tâm lý sợ các bạn làm hỏng. Sau đó, một số công việc như viết phân tích tài chính, kế hoạch… nằm trong khả năng kiểm soát của mình, tôi để các em làm trước rồi mình xem lại và chỉnh sửa nên công việc hiệu quả lên rất nhiều. Có nhiều điều, ý tưởng các em nghĩ tới rất hay, bổ ích mà nhân viên làm việc lâu năm tư duy, làm việc theo lối mòn, thói quen nên không nhận ra". - Quản lý của một công ty nước ngoài tại TPHCM |
“Ở chỗ chúng tôi SV không đến mức phải đi rót nước, pha trà mà vẫn được tham gia vào một số hoạt động chuyên môn. Nhưng đề tài các em thực hiện lại không liên quan đến chuyên môn, vì thế cơ hội để SV đi thực tập được cọ xát cũng hạn chế”, bà Hạnh cho hay.
Bà Nguyễn Thanh Mỹ, Công ty CP Ước mơ xanh cho rằng, hình thức thực tập hiện nay đang bỏ phí khả năng của SV. Nhiều em than đi thực tập chỉ rót nước, pha trà hay chỉ photo tài liệu…
Trong khi ở trường nhiều SV rất năng động, họ thực hiện những dự án, kế hoạch làm việc nhóm rất tốt lại không được phát huy trong quá trình thực tập. Các em đi thực tập mang tính cá nhân, đơn lẻ nên DN cũng khó hỗ trợ và các em mất đi cơ hội trau dồi thêm kỹ năng, kinh nghiệm.
Bà Mỹ và bà Hạnh cùng đề nghị SV đi thực tập cần được nhà trường định hướng, có thể một nhóm cùng thực hiện chung một đề tài có tính chuyên môn hơn. Để các em vừa có động lực làm việc trong kỳ thực tập và DN nhận thấy đề tài đó thiết thực cho mình.
Mạnh dạn “trao quyền”
Ông Đỗ Thanh Năm - giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win - win cho hay, SV đi thực tập muốn nhận được sự hỗ trợ của DN thì chính các bạn phải xác định mình đóng góp được gì cho DN.
Đối với công ty Win - win, SV khi vào thực tập cũng được sàng lọc vì công ty thực hiện chính sách trả lương cho SV khi đến thực tập như nhân viên. Theo đó, SV phải đảm bảo làm việc như tất cả mọi nhân viên như làm việc 8 tiếng/ngày, đáp ứng các yêu cầu công việc và kỷ luật công ty. Sau thời gian đó công ty sẽ giữ lại những SV phù hợp, còn những ứng viên khác sẽ được giới thiệu đến các công ty đối tác.
Nhà trường cần định hướng, xây dựng nhóm đề tài thực tập mang tính chuyên môn hơn.
Một lãnh đạo ngân hàng Sacombank cho biết hầu hết SV khi đi thực tập không xác định được công việc. Ngân hàng có chương trình đào tạo cho các em theo từng vị trí, công việc, chức danh cụ thể trong thời gian 3 tháng. Sau khi được đào tạo, nhiều em được tiếp nhận ở lại làm việc.
Ông dẫn chứng gần đây nhất là một SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM sau khi thực tập hai tháng thì được nhận làm chính thức. Trước đó, dù SV này chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng ngân hàng tin tưởng giao cho bạn thực hiện một dự án cả tỷ đồng và kết quả rất lạc quan.
Theo đại diện này, DN cũng phải mạnh dạn “trao quyền” cho các bạn SV, tạo điều kiện cho các bạn được tự chủ trong công việc. “Vì chỉ khi có những trải nghiệm thông qua việc tổ chức, thực hiện các dự án, SV mới thể hiện được năng lực và phát triển được con đường sự nghiệp của mình”.
Hoài Nam