Cử nhân nhìn lại năm “khủng hoảng”

(Dân trí) - Từ ảnh hưởng của kinh tế suy thoái, năm 2012 là một năm đầy khó khăn với các cử nhân tốt nghiệp ĐH trong quá trình xin việc làm. Thế nhưng sự sàng lọc cũng là cơ hội để biết rõ hơn nguồn nhân lực đang cần gì và thiếu gì.

Thiếu định hướng, kỹ năng trầm trọng

Nguyễn Vũ Nguyên Kha, sinh viên (SV) 5 tốt năm 2012 Trường ĐH Quốc gia TPHCM, theo học ngành Công nghệ Sinh học (ĐH Quốc tế) cho hay chỉ khi bước vào năm thứ 3, bắt đầu có những tiếp xúc rõ ràng về đầu ra của ngành, đã có lúc cô hoảng sợ. Rất nhiều anh chị đi trước chọn ở lại trường tiếp tục làm nghiên cứu để “chờ thời” hoàn thiện hồ sơ xin học bổng cao học ở nước ngoài. Một số khác bám trụ ở các viện nghiên cứu, hay nhiều anh chị hoàn thành chương trình cao học quay làm việc đúng ngành, đúng đam mê với đồng lương quay quắt… Còn những người có thu nhập khá khẩm hơn thì phần đông là làm công việc hoàn toàn trái với ngành. 

Cử nhân nhìn lại năm “khủng hoảng”

SV Nguyễn Vũ Nguyên Kha: "Trường học đào tạo nhưng ít nhắc đến cơ hội và công việc thực tế của ngành học".

Theo Kha, hầu hết SV không được định hướng công việc công việc một cách rõ ràng. Trên ghế nhà trường, các thầy cô ít khi nhắc tới các cơ hội việc làm, công việc thực tế của ngành nghề mình theo học. Hầu hết các thông tin đều được chia sẻ ngoài luồng nên cô từng gặp không ít bạn bè nản lòng bỏ cuộc giữa chừng hoặc chỉ cố học cho xong để có bằng ĐH.

“Nếu xác định ngành học mình theo đuổi, SV không thể chờ đợi mà phải tự thân. Hãy trau dồi kỹ năng từ những việc nhỏ nhất như cách bắt tay, giao tiếp, đưa danh thiếp, cách viết email… để tạo cho mình thêm nhiều cơ hội giao lưu học thuật cũng như cơ hội nghề nghiệp”, Kha cho hay.

Đồng tình với ý kiến của Kha, Nguyễn Hữu Anh - cựu SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TPHCM cho rằng nếu nói SV ngày nay bị động là chưa chính xác vì có một bộ phận cực kỳ chủ động trong việc học và hướng đi cho mình vì họ có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Cử nhân Nguyễn Hữu Anh: Nhiều SV đi học vì sự... đã rồi do không có định hướng nghề nghiệp.

Cử nhân Nguyễn Hữu Anh: "Nhiều SV đi học vì sự... đã rồi do không có định hướng nghề nghiệp".

Tuy nhiên, con số đó không nhiều mà do thiếu định hướng nghề nghiệp từ đầu nên phần lớn SV không biết bắt đầu từ đâu. Nhiều người đi học ĐH ở tâm thế rơi vào sự... đã rồi, phải học cho xong nên khi ra trường vẫn chưa định hình được mình sẽ làm công việc gì nên hiển nhiên khó xin việc. Hữu Anh có thể dẫn chứng hàng loạt SV tốt nghiệp các trường ĐH lớn nhưng vẫn đang “chới với” tìm cho mình một công việc, một hướng đi.

Bà Nguyễn Thanh Mỹ - Công ty CP Ước mơ xanh cho hay bà gặp rất nhiều SV năm cuối học xong xuôi hết rồi than rằng chưa biết mình có thể làm gì, ra trường đi theo hướng nào. Theo bà, chờ SV bước vào năm 4 các trường mới có những định hướng nghề nghiệp để các em ra trường là quá muộn. Điều này phải bắt đầu từ năm nhất, năm hai trong giai đoạn chuyển từ học đại cương sang chuyên ngành để các em hình dung rõ ràng nhất về công việc.

Bà Nguyễn Thanh Mỹ: Nhiều SV học xong vẫn không biết mình có thể làm gì.

Bà Nguyễn Thanh Mỹ: "Nhiều SV học xong vẫn không biết mình có thể làm gì".

Ngoài ra, bà Mỹ cho hay nhiều SV chưa thấy được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng mềm. Có nhiều SV có hai bằng ĐH nhưng ra trường các trường tuyển dụng vẫn từ chối do không đáp ứng được các yêu cầu vì thiếu kỹ năng.

“Ngành giáo dục cần chú trọng hơn đến khả năng Ngoại ngữ của HS - SV, không chỉ ở thành phố, đô thị lớn mà cả các vùng nông thôn cũng cần điều kiện học Ngoại ngữ tốt hơn. Nếu được nâng cao trình độ Ngoại ngữ, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiến xa trong môi trường quốc tế.” - Trần Bửu Lâm - SV 5 tốt Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TPHCM

“Khi kinh tế khó khăn nên kinh phí đào tạo cho nhân viên mới của doanh nghiệp không nhiều nên SV phải chấp nhận họ sẽ đòi hỏi ở ứng viên phải có những kỹ năng đáp ứng được công việc của mình. SV ra trường xin được việc làm đúng chuyên môn sẽ còn rất khó khăn”, bà Mỹ nhấn mạnh.

L.T.Th (cựu SV Trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM): “Tôi nhìn mọi việc thực tế hơn”

Hai năm qua, ngoài việc đi gia sư, phát tờ rơi cho một công ty bảo hiểm tôi vẫn tranh thủ học tiếng Anh có lúc tôi vẫn mơ mộng lắm. Nhưng rồi cuộc sống với nhiều lo toan cuộc sống, tôi thấy chuyên môn về ngành mình đã theo học 4 năm là Kinh tế học đã mai một đi quá nhiều vì mình vốn không có định hướng về nghề từ đầu, khi ra trường lại không có cơ hội va chạm thực tế về chuyên ngành đó. Có thể tôi bị sức ỳ nhưng quả thật bây giờ tôi nhìn mọi việc thực tế hơn, tôi không hy vọng nhiều trong thời gian tới khi mà đến bây giờ mình vẫn chưa nắm rõ về ngành nghề mình đã học.

Có thể tôi sẽ học văn bằng hai sư phạm hoặc học lấy chứng chỉ về sư phạm để về tỉnh xin dạy Ngoại ngữ ở trường tư. Có như vậy mới không mất nốt vốn tiếng Anh của mình.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó GĐ thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM: “Thị trường tiếp tục đòi hỏi nhân lực chất lượng cao”

Căn cứ vào chỉ tiêu tăng trưởng GDP của TPHCM ở mức từ 9,5 - 10% trong năm 2013 và chương trình việc làm của thành phố dự kiến năm 2013 có 270.000 chỗ làm việc trống, trong đó có 140.000 chỗ làm việc mới. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như nhân viên kinh doanh, bán hàng, phục vụ, y tế - chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn bảo hiểm…

Dự báo năm 2013, thị trường lao động tiếp tục có sự cạnh tranh cao.

Dự báo năm 2013, thị trường lao động tiếp tục có sự cạnh tranh cao.

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao tập trung trong các ngành nghề như cơ khí, xây dựng, công nghệ thông, điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh…

Theo tôi, việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự chú trọng chất lượng, trình độ sẽ là xu hướng của năm 2013 và những năm sắp tới. Tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục tồn tại những nghịch lý giữa nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu tìm việc, cả số lượng và trình độ. Đặc biệt là với nhóm ngành tài chính - ngân hàng, cơ khí, công nghệ thông tin, kế toán - kiểm toán, quản lý điều hành.

Hoài Nam (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm