Điểm IELTS trung bình của học sinh Việt Nam ngang Hàn Quốc

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Điểm thi IELTS trung bình của học sinh Việt Nam năm 2022 là 6,2/9, xếp thứ 23 trong số 40 quốc gia tổ chức kỳ thi này.

Theo "Báo cáo dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam năm 2023" do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia công bố sáng 27/12, học sinh Việt Nam chưa vượt trội trong các kỳ thi tiếng Anh quốc tế. 

Cụ thể, điểm thi IELTS trung bình của học sinh Việt Nam năm 2022 là 6,2/9, xếp thứ 23 trong số 40 quốc gia tham gia tổ chức kỳ thi. Cùng thứ hạng này có Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan. 

Điểm thi TOEFL trung bình của học sinh Việt Nam năm 2022 là 77/120, xếp thứ 24/30 nước trong khu vực châu Á.

Báo cáo ghi nhận, độ tuổi học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi IELTS trong vòng 5 năm qua ngày càng trẻ. 62% thí sinh dự thi IELTS nằm trong độ tuổi 16-22.

Điểm IELTS trung bình của học sinh Việt Nam ngang Hàn Quốc - 1

Một điểm thi IELTS tại Hà Nội (Ảnh: IDP).

Tiếng Anh được chính thức đưa vào giảng dạy trong chương trình phổ thông tại Việt Nam từ năm 1986.

Từ thập niên 1990, việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam chuyển từ phương pháp ngữ pháp và dịch thuật sang cách tiếp cận mang tính phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ cho người học.

Những thay đổi mang tính cải cách đã cải thiện đáng kể năng lực tiếng Anh của học sinh Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Báo cáo đánh giá, so với chương trình cũ được thiết kế năm 2006, chương trình môn tiếng Anh mới được xây dựng năm 2018 hướng đến sự phát triển cân bằng trên ba khía cạnh: sự đa dạng của các chủ đề học tập, năng lực giao tiếp của học sinh và kiến thức ngôn ngữ (bao gồm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp).

Đặc biệt, chương trình mới chú trọng vào các kỹ năng giao tiếp và khả năng tư duy của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đưa ra những chính sách để trẻ em Việt Nam làm quen với tiếng Anh từ lứa tuổi mầm non. Chính sách này được thể hiện qua Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 ban hành kèm theo Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.

Đến năm học 2022-2023, có 53/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.

Điểm IELTS trung bình của học sinh Việt Nam ngang Hàn Quốc - 2

Giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang (Ảnh: Marie Curie).

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt ở các đô thị. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề thiếu giáo viên, chất lượng đội ngũ giảng dạy chưa đồng đều.

Đến năm học 2022-2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình mới là 84%, trong đó cấp tiểu học là 84%, trung học cơ sở là 87%, trung học phổ thông là 77%.

Tại hội thảo công bố báo cáo thường niên 2023, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đã trao đổi, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, nâng cao chất lượng, quy mô cho việc triển khai dạy, học ngoại ngữ ở các cấp học tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm