Lo ngại về bỏ thi bắt buộc ngoại ngữ, chuyên gia đáp: Bỏ thi chứ đâu bỏ học
(Dân trí) - Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng phụ huynh cần thay đổi tư duy và học sinh thay đổi thái độ với môn ngoại ngữ, bởi học tiếng Anh không phải chỉ để đi thi.
Ngày 29/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 2 môn bắt buộc gồm toán - ngữ văn và 2 môn tự chọn. Việc bỏ ngoại ngữ ra khỏi danh sách môn thi bắt buộc đã gây ra tranh cãi lớn trong dư luận xã hội.
Nhiều quan điểm cho rằng, trong bối cảnh ngành giáo dục còn nhiều việc phải làm để tăng năng lực tiếng Anh của người Việt thì quyết định này là một bước lùi với việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông.
Phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên về vấn đề này. Ông Bùi Khánh Nguyên là một giáo viên tiếng Anh, hiệu trưởng trường trung học, nghiên cứu viên quan hệ quốc tế và là diễn giả độc lập về giáo dục.
Học tiếng Anh không phải để đi thi
Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về luồng ý kiến cho rằng việc bỏ thi bắt buộc môn ngoại ngữ tại kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ kéo lùi chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường?
- Tiếng Anh là một ngoại ngữ quan trọng với học sinh Việt Nam, nhưng không phải vì quy định thi bắt buộc thì việc dạy và học mới tốt, còn nếu không thi bắt buộc thì sẽ bị xem nhẹ. Đây là một nhận thức chưa đúng của xã hội cần được thay đổi, trong đó phụ huynh cần thay đổi tư duy và học sinh cần thay đổi thái độ với môn ngoại ngữ.
Dù là môn tự chọn hay bắt buộc, đừng xem bất cứ môn học nào là môn chính, môn phụ.
Trong giáo dục phổ thông, tất cả các môn học đều có vai trò và ý nghĩa riêng với sự phát triển toàn diện và hài hòa của học sinh.
Để đảm bảo năng lực cốt lõi của học sinh, thường môn toán và ngôn ngữ được coi là các môn trọng yếu để đánh giá năng lực tư duy nói chung của người học (tư duy logic, tư duy phản biện).
Năng lực ngôn ngữ có thể được phản ánh qua tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt - văn học với học sinh Việt Nam) hoặc ngoại ngữ (tiếng Anh), hoặc cả hai ngôn ngữ.
Việc chỉ giữ lại hai môn toán và văn không ảnh hưởng đến việc đảm bảo năng lực tư duy logic và ngôn ngữ của học sinh. Nên nhớ cả môn văn và tiếng Anh đều là hai môn học thuộc nhóm ngôn ngữ và có rất nhiều điểm tương đồng.
Thông thường, nếu phải chọn ba môn bắt buộc (cốt lõi) thì tôi thấy nhiều nền giáo dục chọn các môn toán, ngôn ngữ và khoa học. Ví dụ chương trình phổ thông quốc gia Anh chọn môn cốt lõi là toán, tiếng Anh (ngôn ngữ mẹ đẻ) và khoa học để học sinh thi kết thúc mỗi giai đoạn học tập trong chương trình phổ thông.
Phụ huynh Việt Nam hiện đầu tư rất mạnh cho môn tiếng Anh. Ở các thành phố lớn và ngay cả nông thôn, tiếng Anh là môn học thêm phổ biến như văn, toán. Điều đó cho thấy người Việt đề cao tiếng Anh. Vậy có lý do chính đáng để bỏ tiếng Anh ra khỏi môn thi bắt buộc hay không và điều này tác động như thế nào tới những nỗ lực nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho học sinh Việt Nam?
- Tôi cho rằng tất cả các môn học đều đáng để đầu tư nỗ lực, bao gồm ngôn ngữ, toán, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội & nhân văn, thể thao, nghệ thuật, ngoại ngữ, tin học... Tuy nhiên, tùy từng trường hợp mà học sinh có thể đầu tư nhiều hơn vào môn học nào đó cho mục tiêu riêng của mình.
Tiếng Anh là công cụ để tiếp cận thế giới. Do vậy việc ưu tiên học tiếng Anh trước cũng là một lựa chọn chiến lược. Nhưng điều đó không đồng nghĩa đó là chiến lược duy nhất đúng.
Một trong những cái lợi của việc giỏi tiếng Anh là có thể tiếp cận nguồn tài liệu khổng lồ có trong tiếng Anh mà chưa có trong tiếng Việt hoặc chưa được dịch ra tiếng Việt, cũng như kết nối với phần còn lại của thế giới bên ngoài Việt Nam.
Nhưng một khi đã có tiếng Anh làm công cụ giao tiếp, thì "nội dung" để giao tiếp lại không phải là bản thân tiếng Anh, mà là tri thức các em có được từ các môn học như văn học tiếng Việt, toán, khoa học, các môn xã hội, thể thao, nghệ thuật...
Nếu chỉ đầu tư cho tiếng Anh thôi chưa đủ, nó tựa như việc mới chỉ sở hữu được chiếc la bàn thôi, còn đi đường nào, đi như thế nào hoàn toàn chưa có.
Trong một chừng mực nào đó, giảm bớt một môn ngôn ngữ cũng giúp giảm áp lực "học để thi" của học sinh, giúp học sinh tập trung vào việc thực học để có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Để đo mức độ thành thạo ngoại ngữ, người ta dùng các kỳ thi, bài kiểm tra. Nhưng học ngoại ngữ là để sử dụng, để giao tiếp, để đọc văn bản... chứ không bao giờ nên học ngoại ngữ chỉ để thi hay lấy điểm cao.
Nên nhớ lợi ích của việc học không phải chỉ gắn với các kỳ thi, mà người học còn mang theo những lợi ích đó lâu dài, thậm chí đến trọn đời. Mỗi một ngoại ngữ các em học, mỗi bộ môn thể thao các em chơi, mỗi bộ môn nghệ thuật các em tập luyện... đều để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời các em sau này.
Quan niệm "thi gì học nấy" là tư duy ngắn hạn, thiếu bền vững
Với việc đưa số môn thi tốt nghiệp THPT kể từ năm 2025 về mức tối thiểu gồm 2 môn bắt buộc - 2 môn tự chọn, học sinh dường như sẽ học "nhàn" hơn. Sự "nhàn" này liệu có kéo theo chất lượng học tập đi ngang hoặc đi xuống vì không còn áp lực, thưa ông?
- Tôi nghĩ cần có thêm những nghiên cứu khoa học cụ thể chứng minh việc học "nhàn" hơn khiến chất lượng học tập đi xuống.
Bí quyết của các nền giáo dục thành công và nhân văn là áp dụng các thành quả nghiên cứu khoa học giáo dục, áp dụng công nghệ để làm thế nào người học "nhàn" hơn, học vui hơn mà vẫn đạt hiệu quả học tập cao, vẫn có động lực muốn học nhiều hơn.
Giáo dục Việt Nam nên hướng tới việc cải tiến phương pháp dạy, nhấn mạnh việc học cách học, việc tự học, việc học thường xuyên và học suốt đời hơn là việc đo hiệu quả học tập thông qua số giờ hay số lượng môn học bắt buộc.
So với kỳ thi tú tài tại các nước phương Tây, ông đánh giá như thế nào về chất lượng đầu ra của kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam dựa trên phương thức khảo thí mà Việt Nam đang sử dụng và sẽ sử dụng từ năm 2025?
- Không có mẫu số chung cho tất cả các nền giáo dục. Nhưng hiện cách sắp xếp môn bắt buộc, môn lựa chọn của Việt Nam cũng không có gì là khác biệt. Tùy từng mục tiêu giáo dục, tùy hoàn cảnh từng nước, từng giai đoạn phát triển mà mỗi lựa chọn có thể là tối ưu hay không.
Riêng việc bỏ thi bắt buộc tốt nghiệp môn ngoại ngữ, lời khuyên của tôi cho học sinh là không vì sự thay đổi này mà các em đánh mất động lực học ngoại ngữ.
Mục đích thực sự của việc học ngoại ngữ không phải để thi tốt nghiệp, mà là để có một công cụ tự tin giao tiếp, kết nối với thế giới rộng lớn.
Quan niệm có vẻ khôn ngoan "học gì thi nấy, thi gì học nấy" đã trở nên lỗi thời trong thời đại ngày nay. Bởi nó bộc lộ tư duy ngắn hạn, thiếu bền vững. Có rất nhiều thứ không thi nhưng vẫn cần học, vẫn cần cam kết hết mình để đạt được.
Chỉ khi tiếp cận giáo dục với tinh thần và thái độ như vậy, việc học chương trình phổ thông mới vô tư, vì lợi ích của người học mà không bị méo mó bởi các định kiến.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!