Điểm học bạ siêu đẹp và nguy cơ "mạ" hồ sơ để xét tuyển đại học

CTV
CTV

(Dân trí) - Điểm học bạ ở nhiều địa phương cao ngất ngưởng, "vênh" nhiều so với điểm thi khiến nhiều người lo ngại nguy cơ làm đẹp hồ sơ để xét tuyển vào đại học.

Tràn lan bảng điểm "đẹp như mơ"

Năm 2022, điểm xét tuyển học bạ ở nhiều trường đại học tăng cao. Chẳng hạn điểm chuẩn ngành Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường Đại học Văn Hóa chạm ngưỡng 30,5 điểm khối C00. 

Nhiều ngành hot ở Trường Đại học Cần Thơ cũng "lạm phát" điểm mạnh mẽ. Năm 2022, trường này có tới 6 ngành có điểm chuẩn trên 29 điểm là Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Công nghệ thông tin.

Có thể thấy, từ khi trường đại học xét tuyển bằng học bạ, tỷ lệ học sinh giỏi trong các lớp vốn đã rất cao nay còn tăng lên cao hơn. Thậm chí nhiều lớp 100% các em đều đạt học sinh giỏi, điểm trung bình cả năm lớp 12 đều từ 9,0 trở lên.

Điểm học bạ siêu đẹp và nguy cơ

Thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Việt Trì, giáo viên hệ thống giáo dục Mclass (Ảnh: T.L).

Việc phụ huynh khoe điểm con trên mạng xã hội và qua phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy, bảng điểm tổng kết của học sinh "đẹp như mơ" với toàn điểm 9, 10 giờ không còn là chuyện hiếm. 

Có thể thấy khoảng 10 đến 15 năm trước, điểm số ở trường phổ thông không cao ngất ngưởng như bây giờ. 

Thời điểm đó, việc phân hóa học sinh trong lớp rất rõ ràng: Học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh trung bình, thậm chí có cả học sinh yếu kém và lưu ban với tỷ lệ phân bố rất chính xác.

Vì điểm số phân bố rõ ràng nên có thể thấy việc đỗ đại học, cao đẳng của học sinh thời ấy cực kỳ xứng đáng, đúng năng lực.

Nhiều người nói đùa "hiện nay chúng ta đang tiến tới phổ cập đại học", điều đó không phải không có lý. Việc nhà nhà đều có con trở thành sinh viên đại học như hiện nay, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Thứ nhất, để tránh học sinh bị "thiệt thòi về quyền lợi" so với học sinh trường khác, nhiều nhà trường đã tạo điều kiện để cho học sinh của mình có điểm số cao hơn năng lực thật của các em.

Việc đánh giá, cho điểm học sinh hoàn toàn nằm trong tay nhà trường nên dựa vào điểm tổng kết trong học bạ làm căn cứ tuyển sinh đại học sẽ giúp cho nhà trường có thành tích tốt hơn, thầy cô giúp được học trò đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng thì được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ hơn.

Chính vì vậy, trào lưu "cấy điểm", xin điểm, làm đẹp hồ sơ,... sẽ ngày càng phổ biến trong vòng tròn mối quan hệ giữa cha mẹ học sinh, lãnh đạo trường, thầy cô và học sinh.

Nhờ có tấm "phao cứu sinh" xét tuyển bằng học bạ, nhiều em yên tâm hơn trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Một khi các em được cho điểm dễ dàng, các em sẽ không cố gắng hết mình trong học tập, tâm lý được người lớn giúp đỡ sẽ khiến các em sống mà luôn trông chờ nên không có được sự chủ động.

Hơn thế nữa, các em học sinh khóa dưới cũng truyền tai nhau về tình trạng này nên sẽ làm cho sức học của nhiều học sinh bị kéo xuống.

Chưa kể có những học sinh điểm tổng kết cao bất thường nhưng năng lực học tập thực tế lại rất yếu gây bức xúc, bất mãn cho học sinh khác trong lớp. Như vậy, tự bản thân học sinh đã nhìn ra được mặt trái của việc xét tuyển học bạ.

Điểm học bạ siêu đẹp và nguy cơ

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Điểm thi thấp, điểm học bạ cao ngất ngưởng

Được biết sau mỗi kỳ tuyển sinh, Bộ GD&ĐT công bố độ "vênh" giữa điểm thi và điểm học bạ ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ những con số có thể thấy, độ "vênh" giữa điểm hồ sơ học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT ở một số địa phương ở mức rất cao, nhất là môn ngoại ngữ. Một số tỉnh có điểm thi bét bảng nhưng điểm học bạ cao ngất.

Thậm chí một số chuyên gia cho rằng, càng ở các thành phố lớn, ở trường chuyên, lớp chọn, độ "vênh" này lại càng lớn hơn.

Điều này cho thấy, nếu dùng học bạ để xét tuyển vào đại học, bản chất đã không công bằng ngay từ đầu.

Chưa kể, cùng một trường, các giáo viên cùng bộ môn đã ra đề kiểm tra với mức độ khác nhau. Thậm chí cùng một giáo viên nhưng đề kiểm tra dành cho mỗi lớp cũng có sự khác biệt.

Do đó, có thể nói xét tuyển bằng điểm học bạ là phương thức có độ tin cậy thấp nhất và thiếu tính công bằng nhất đến thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, trong vòng xoáy điểm chác giữa cha mẹ, nhà trường, học sinh, người ở trạng thái mắc kẹt chính là giáo viên.

Nhiều thầy cô thực sự mong muốn thực hiện phong trào "dạy thật, học thật" nhưng khi học sinh có tâm lý được nâng đỡ, các em sẽ không tiếp thu bài một cách tốt nhất.

Nếu tính trạng này cứ kéo dài, hệ quả sự nhiệt huyết, nghiêm túc, hết mình trong giảng dạy của thầy cô cũng bị lung lay.

Đôi khi thầy cô cho điểm thấp, phản ánh đúng năng lực của các em, bỗng nhiên họ thấy mình "có lỗi", "tự làm khó dễ" với học trò và còn chịu nhiều sức ép khác nữa. Còn khi giáo viên cho các em điểm cao, ắt hẳn sẽ được việc cho tất cả.

Vì vậy, đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét lại việc xét tuyển học bạ tràn lan như hiện nay.

Điểm học bạ siêu đẹp và nguy cơ

Môn ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có độ "vênh" quá cao giữa điểm thi và học bạ (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Học bạ có thể chỉ là một điều kiện cần để đánh giá cả một tiến trình học tập và phát triển năng lực của học sinh.

Các trường đại học cần có thêm các tiêu chí đánh giá, các bài thi khác để đánh giá chính xác hơn chất lượng đầu vào.

Có thể một số trường sẽ học hỏi mô hình của nước ngoài "mở rộng đầu vào, thắt chặt đầu ra", những sinh viên không đảm bảo tiến trình học, không có năng lực thật sẽ bị đào thải dần qua thời gian.

Tuy nhiên, nếu chúng ta trung thực trong giáo dục và đào tạo ngay từ đầu; đã đánh giá, định hướng, phân luồng cho học sinh chính xác ngay trong quá trình học, sẽ không gây ra sự vất vả và tốn kém cả thời gian và tiền bạc như hiện nay.

Các trường cũng cần sớm có lộ trình tổ chức kỳ thi chuyên biệt để tìm được sinh viên phù hợp.

Sẽ ý nghĩa biết bao nếu thầy cô giảng dạy hết mình trên bục giảng, học trò say sưa học hành và kết quả học tập và rèn luyện phản ánh đúng năng lực của mỗi học sinh.

Các trường trung học phổ thông không phải chịu sức ép về các thành tích để biến các "số liệu" thành "liệu số", lãnh đạo các trường có thể cố gắng tạo điều kiện có môi trường học thuật trung thực và tiến bộ.

Khi các giá trị thật được tôn trọng, mọi sự dối trá, tiêu cực, thành tích ảo tự khắc sẽ bị bài trừ.

Nguyễn Duy Khánh

(Nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Việt Trì, giáo viên hệ thống giáo dục Mclass)