"Lạm phát" điểm học bạ và kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ về đâu?

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Nếu chỉ vì xét tốt nghiệp thì không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như bây giờ. Tuy nhiên, kỳ thi này có 3 mục tiêu, một số chuyên gia cho rằng nên giữ và kiến nghị một số thay đổi.

Không bỏ thi tốt nghiệp THPT

Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Đức nghĩa, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu chỉ vì xét tốt nghiệp thì không cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa.

Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy chế thi có thể thấy, hai mục tiêu đầu tiên của kỳ thi này không chỉ để xét tốt nghiệp mà kết quả đó có thể đánh giá quá trình dạy, học ở bậc phổ thông.

"Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang áp dụng chương trình SGK mới, càng cần một kỳ thi chung để đánh giá chất lượng học tập vì việc đánh giá ở trường phổ thông hiện nay có độ tin cậy rất thấp, điều này thể hiện qua điểm học bạ vừa qua.

Mục tiêu thứ 3, kết quả thi có thể giúp các trường đại học làm cơ sở xét tuyển. Điều này đã ghi trong nghị quyết đổi mới toàn diện về giáo dục của Đảng.

Vì vậy tôi cho rằng, kỳ thi này vẫn nên có vì nó không chỉ xét tốt nghiệp mà còn nhiều mục đích lớn khác", TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.

Lạm phát điểm học bạ và kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ về đâu? - 1

Việc đánh giá học tập ở trường THPT hiện nay rất đáng lo nên tốt nhất vẫn giữ nguyên kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng theo chuyên gia này, nhìn lại kết quả học bạ vừa qua so với điểm thi có thể thấy, việc đánh giá chất lượng học tập ở các trường phổ thông hiện nay rất đáng lo.

Vì vậy công bằng mà nói, kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT dù sao vẫn đáng tin cậy hơn nhiều so với các kỳ thi khác.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên ở Hà Nội cũng phân tích, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong luật.

Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nhận được sự quan tâm rộng rãi của xã hội bởi lẽ, mỗi năm có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi, tương ứng với đó là 1 triệu gia đình quan tâm lo lắng , giám sát.

Chính vì lẽ đó, kỳ thi chịu sự giám sát của toàn xã hội rất lớn nên những người tham gia vào quy trình của kỳ thi này rất áp lực và kết quả đó có thể tin cậy nhất. Do đó quan điểm chuyên gia này đưa ra, vẫn duy trì tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.

Đề xuất xét tốt nghiệp theo phương thức 70-30?

Đưa ra ý kiến đóng góp về cách thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian tới, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, để kỳ thi này đáng tin cậy hơn, phải chuẩn hóa kỳ thi, chẳng hạn nên đưa ra thang đo bao nhiêu học sinh đạt mức độ kiến thức đó để làm cơ sở đánh giá.

Về ý kiến thành lập Trung tâm khảo thí độc lập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm tiếp theo, chuyên gia này nói rằng, điều này đã được đưa ra nhiều năm nhưng khó thực hiện được.

Và hơn nữa nếu chúng ta làm không thận trọng và khoa học, có thể đấy lại là nơi dễ phát sinh tiêu cực nhất.

"Nếu chúng ta đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về các tỉnh tự tổ chức thì không thể đánh giá được việc dạy/học theo chương trình mới như thế nào bởi nhìn kết quả "lạm phát" điểm học bạ vừa qua thì rõ.

Để đảm bảo tin cậy, kỳ thi tổ chức ra sao để đảm bảo yêu cầu Bộ GD-ĐT vẫn giữ hai khâu quan trọng là ra đề và thống nhất thời gian thi chung cả nước.

Về ý kiến bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS Nghĩa cho rằng, không những điều đó sai luật mà sẽ phát sinh kỳ thi đại học và tình hình sẽ quay lại thời kỳ trước khi chưa thi chung.

Cho dù tính toán thay đổi cách thức như thế nào, theo TS Nghĩa, kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo chỉ là bước sàng lọc, sơ tuyển.

Để các em vào đại học, cần có thêm các hình thức sát hạch, tuyển chọn qua các kỳ thi riêng, thường được gọi chung là kỳ thi đánh giá năng lực, để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh, đảm bảo số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh.

Ở góc nhìn khác, TS Lê Trường Tùng cho biết, cách đây một vài năm ông từng kiến nghị đưa ra giải pháp.

Theo đó, ông cho rằng không nhất thiết em nào cũng phải thi, học sinh nào có học lực khá thì cho phép xét tốt nghiệp.

Lạm phát điểm học bạ và kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ về đâu? - 2

Phương án thi mới cần đáp ứng đủ tiêu chí đặt ra và đảm bảo minh bạch (Ảnh: Hải Long).

"Chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng gần 100% học sinh đỗ. Vậy tại sao không cho xét tốt nghiệp theo tỷ lệ 70- 30, nghĩa là 70% học sinh mỗi trường được xét tốt nghiệp và 30% còn lại sẽ thi.

Cho dù trường đó có nâng điểm học bạ đến đâu thì vẫn phải đáp ứng đủ tỷ lệ đó, như vậy chi phí cho thi cử cũng giảm hẳn", TS Lê Trường Tùng nói.

Chuyên gia này cũng nói rằng, thời gian tới đây, phương án thi mới liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới và phù hợp với việc các em lựa chọn môn học hiện nay bởi lẽ lứa học sinh lớp 10 học chương trình mới năm nay, đến năm 2025 sẽ phải thi tốt nghiệp.

Về ý kiến của một số chuyên gia cho rằng để kỳ thi minh bạch hơn, cần thiết phải có Trung tâm khảo thí độc lập, TS Tùng cho rằng, nếu thực hiện được cũng tốt thôi nhưng theo ông, sẽ chuẩn hơn nếu tách việc học và thi. Ở nước ngoài, học sinh có thể học bất cứ ở đâu và thi bất cứ nơi nào, miễn là đỗ.

"Điều này khác hẳn với chúng ta bởi hiện nay thầy trò đang chạy theo tâm lý học để thi thì rất khó, thậm chí cộng cả 30% điểm học bạ nữa thì không biết sẽ ra sao", TS Lê Trường Tùng cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm