"Lạm phát" xét tuyển bằng học bạ: Thiếu công bằng, độ tin cậy thấp
(Dân trí) - Xét tuyển vào đại học bằng học bạ, phạm vi tuyển càng rộng, độ tin cậy càng thấp và thiếu tính công bằng!
"Lạm phát" xét tuyển bằng học bạ
So với những năm trước, năm nay, điểm xét tuyển học bạ tăng cao. Chẳng hạn điểm chuẩn ngành Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường ĐH Văn Hóa chạm ngưỡng 30,5 điểm khối C00. Như vậy, trường hợp đạt 3 điểm 10 vẫn trượt đại học là hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhiều ngành hot ở Trường ĐH Cần Thơ cũng "lạm phát" điểm mạnh mẽ. Năm nay trường có tới 6 ngành có điểm chuẩn trên 29 điểm là Marketing, Tài chính - Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Công nghệ thông tin.
Ngành Công nghệ sinh học (CLC) của trường này có mức điểm chuẩn tăng từ 21 điểm (năm 2021) lên 25,25 điểm vào năm nay, hay ngành Hóa học tăng từ 21,5 lên tới 26,5 điểm…
Thầy Đinh Đức Hiền, một giáo viên ở Hà Nội nhận xét: "Chúng ta đang chứng kiến điểm xét tuyển đại học bằng học bạ tăng đều qua các năm, nếu không muốn nói "lạm phát".
Theo giáo viên này, về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh nhưng kèm theo đó chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch ở các kì thi thì lúc đó xét tuyển bằng học bạ mới đủ độ tin cậy.
Điều đáng nói ở nước ta hiện nay, hai điều này đều khó đảm bảo khi xét trên phạm vi rộng.
Theo thầy Hiền, hiện nay có hai xu hướng xét tuyển bằng học bạ. Xu hướng thứ nhất, các trường sẽ dùng học bạ kết hợp với các điều kiện khác như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hay có thêm bài phỏng vấn, bài luận… như các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Quốc gia TPHCM… đang làm.
Ở phương thức này có độ tin cậy cao hơn và các trường theo phương thức này chỉ duy trì tỉ lệ chỉ tiêu ở mức thấp và không phải phương thức chủ yếu của trường.
Xu hướng thứ hai mới thực sự dẫn đến "lạm phát" điểm chuẩn khi nhiều trường chỉ tính điểm học bạ để tuyển sinh.
Khi tự chủ đại học, tuyển sinh thành công hay không là vấn đề sống còn với mỗi trường. Các trường top dưới vốn luôn khó tuyển được thí sinh cho nên họ phải tìm mọi cách, trong khi đó tuyển bằng học bạ lại là hình thức tuyển dễ nhất, sớm nhất, chỉ tiêu tuyển sinh cũng dành chủ yếu cho hình thức này.
Một thực tế xảy ra, nhiều thí sinh trúng tuyển bằng hình thức xét học bạ có điểm chuẩn rất cao, nhưng kết quả hai học kỳ đầu tiên tại Đại học lại rất thấp, cũng chính vì vậy mà có trường đã quyết định dừng không tuyển sinh bằng học bạ như Đại học Nha Trang.
Đạt học sinh giỏi nhưng không đỗ tốt nghiệp
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp cũng cho rằng, việc các trường Đại học sử dụng kết quả trong học bạ của học sinh là một trong các tiêu chí xét tuyển thẳng vào Đại học là phù hợp với xu thế chung của giáo dục: Xét cả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh.
Nhiều trường Đại học lớn trên thế giới cũng xem xét quá trình học tập của học sinh trong ba năm cấp 3, số ngày nghỉ học của học sinh, sự tiến bộ trong 3 năm học của học sinh,... là một trong những tiêu chí xét học bổng. Có nhiều trường đòi hỏi điểm GPA rất cao, hơn 9,0 - 9,4 trung bình các môn học.
Tuy nhiên theo thầy Tùng, việc xét tuyển đầu vào của các trường Đại học theo phương thức xét tuyển học bạ không sai, chỉ sai ở việc một số trường đánh giá một nhóm học sinh chưa đúng mà thôi.
Cũng theo thầy Tùng, thứ nhất thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, sự nghi ngờ về việc điểm số đánh giá chưa đúng với lực học của học sinh là có cơ sở.
Thứ hai, rõ ràng điểm chênh lệch giữa kết quả thi Tốt nghiệp THPT và điểm trung bình môn năm lớp 12 của học sinh là khá cao. Có những học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng không đỗ tốt nghiệp.
Thứ ba, các giáo viên, nhà trường cũng chịu sức ép không nhỏ từ phụ huynh về việc họ mong muốn con họ có bảng điểm cao, không sát với thực học của con.
Trong nhiều năm làm tuyển sinh đầu cấp, tôi tiếp xúc khá nhiều phụ huynh lựa chọn trường cho con, đặt tiêu chí "trường đó đánh giá có chặt không" để cho con vào học: Đó là một thực tế đáng buồn!
Vì vậy thầy Tùng cho rằng, giáo dục Việt Nam cần phải thực hiện tốt việc "Dạy thật - Học thật - Đánh giá thật", có như vậy mới lấy được niềm tin của xã hội.
Trên trang cá nhân, TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Thành viên Hội đồng Quốc gia về Giáo dục và Phát triển nhân lực đưa ra câu chuyện hài hước về việc thầy cô nâng điểm, nương nhẹ học sinh không phải vì thành tích hay mục đích cá nhân mà vì lương tâm, tình thương với học trò.
Cùng sự ví von dí dỏm đó, là bức tranh thực tế hiện nay, có những học sinh không học được nhưng kết quả học tập vẫn là tốt vì nhiều lẽ, trong đó có cả mục đích xét tuyển vào đại học.
Trở lại việc "lạm phát" điểm xét tuyển học bạ và mối lo ngại làm đẹp hồ sơ, thầy Đinh Đức Hiền nói với PV Dân trí rằng, sở dĩ "lạm phát" như vậy vì điểm học bạ là điểm số mà các trường đại học không thể kiểm soát, nó phụ thuộc hoàn toàn vào trường THPT, giáo viên, học sinh.
Tình trạng tạo điều kiện để làm đẹp học bạ diễn ra không ít tại nhiều nơi, nó càng nở rộ những năm gần đây.
Hiện nay, để khắc phục, một số trường đại học ra quy định ưu tiên xét tuyển học bạ với các học sinh các trường THPT uy tín, tuy nhiên nó chỉ tăng độ tin cậy phần nào.
Sở dĩ nói như vậy bởi lẽ, kể cả không có tình trạng tạo điều kiện thì hiện tại chúng ta cũng không hề có mức độ chuẩn chung về độ khó giữa các đề kiểm tra, đánh giá của các trường, các địa phương, điều đó dẫn tới học sinh có thể cùng điểm số học bạ nhưng năng lực thực sự lại khác nhau.
Chúng ta có thể thấy, ngay cùng một trường thì các giáo viên cùng bộ môn đã ra đề kiểm tra với mức độ khác nhau, và cũng chính giáo viên đó thì đề kiểm tra dành cho các lớp cũng có thể khác nhau.
Do đó xét tuyển bằng điểm học bạ là phương thức có độ tin cậy thấp nhất và thiếu tính công bằng nhất đến thời điểm hiện tại.
Và nếu tình trạng này vẫn nở rộ trong những năm tới, chuyên gia này cho rằng, tình trạng 30 điểm học bạ vẫn trượt đại học sẽ không còn là hiếm.