ĐH Quốc gia Hà Nội cho hơn 50.000 học sinh, sinh viên tạm nghỉ học để phòng tránh virus Corona

(Dân trí) - Chiều nay, 31/1/2020, ĐHQGHN đã triệu tập cuộc họp khẩn về ứng phó với dịch viêm đường hô hấp do virus Corona 2019 gây ra (nCoV 2019).

ĐH Quốc gia Hà Nội cho hơn 50.000 học sinh, sinh viên tạm nghỉ học để phòng tránh virus Corona - 1

ĐH Quốc gia Hà Nội đã triệu tập cuộc họp khẩn về ứng phó với dịch viêm đường hô hấp do virus Corona

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi do virus Corona (nCoV), với mục tiêu cao nhất không để dịch bệnh bùng phát, lây lan, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh viên, cán bộ và thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, ĐHQGHN quyết định chính thức cho học sinh, sinh viên, học viên sau đại học nghỉ học trong 10 ngày, từ ngày 01/02/2020 đến hết ngày 09/2/2020.

Trong thời gian này, ĐHQGHN khuyến cáo các đơn vị hạn chế hội nghị, hội thảo, tụ tập đông người, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường làm việc.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp nCoV 2019 do Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải làm Trưởng ban, Giám đốc Bệnh viện ĐHQGHN Trịnh Hoàng Hà làm Phó Trưởng ban và công bố đường dây nóng (0913057611) để tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch bệnh.

ĐHQGHN giao Trung tâm Hỗ trợ Học sinh – Sinh viên và Bệnh viện ĐHQGHN phối hợp với Sở Y tế Hà Nội làm công tác vệ sinh dịch tễ trường học, ký túc xá và các hướng dẫn thực công tác phòng dịch cho cán bộ, học sinh, sinh viên, học viên và người dân nơi các đơn vị của ĐHQGHN đóng trụ sở.

Trong thời gian đến ngày 09/02/2020, các đơn vị đào tạo liên tục cập nhật thông tin từ Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị liên quan để có biện pháp ứng phó tiếp theo với dịch bệnh cũng như có cảnh báo kịp thời tới cán bộ, học sinh, sinh viên và học viên sau đại học.

Việt Nam xác định 5 trường hợp nhiễm dịch

Chiều muộn ngày 31/1, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới.

“Bộ Y tế tham mưu Chính phủ hết sức minh bạch, không giấu diếm về tình hình dịch bệnh do virus corona mới”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.

Theo ông Phu, dịch bệnh tại Trung Quốc diễn ra phức tạp, quá nhanh. Đến nay hiểu biết về bệnh, nguồn bệnh, virus còn nhiều điều chưa thật rõ ràng. Người dân có lo lắng nhất định.

Hiện nay, trên toàn cầu đã ghi nhận 9833 ca bệnh, 213 người tử vong, dịch xảy ra trên 22 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, mới xác định 5 trường hợp.

“Đây đều là các ca xâm nhập. Người con dù không đi từ Vũ Hán về nhưng tiếp xúc rất gần, về mặt dịch tễ cũng được coi như là ca xâm nhập. Việt Nam chưa thấy có ca do sự lây lan ở cộng đồng. Điều này rất quan trọng để có các biện pháp đáp ứng phù hợp”, PGS Phu nói.

“Dịch lây lan nhanh, hiện đã ra 22 nước dù chỉ là ca xâm nhập. Dù vậy người dân không nên hoang mang. Dịch tại Trung Quốc đang lây lan rất mạnh, Việt Nam giáp biên giới nên nguy cơ rất lớn. Vì thế, chúng ta càng hạn chế lây lan, lây lan nhỏ càng tốt”, PGS Phu nhấn mạnh.

Bà Satoko Otsu, Trưởng nhóm đáp ứng sự kiện khẩn cấp WHO tại Việt Nam cũng cho biết thêm việc WHO ban bố tình trạng y tế khẩn cấp dựa trên các yếu tố: nguy cơ của việc lây lan ra quốc tế, khả năng cần thiết sự phối hợp toàn cầu trong đáp ứng với dịch. Mục đích công bố là để khẳng định cần sự phối hợp toàn cầu, hỗ trợ làm việc với nhau để cùng nhau đáp ứng với dịch bệnh.

WHO hiểu sự băn khoăn, thắc mắc thậm chí nỗi sợ hãi của công chúng về việc công bố. Dù vậy WHO nhấn mạnh việc công bố này không có nghĩa nâng cấp độ nguy cơ hay sự đe doạ của dịch bệnh đang diễn ra trên toàn cầu. Thực tế, đến bây giờ, phần lớn các ca bệnh vẫn chỉ báo cáo tại Trung Quốc. Đã có sự lây lan các ca xâm nhập ra một số nước, trong đó có Việt Nam.

WHO quan ngại việc tiếp tục lây lan của chủng virus này tới các quốc gia mà hệ thống y tế chưa đủ mạnh. Vì thế, WHO khuyến nghị nếu các quốc gia đã có công tác chuẩn bị ứng phó tốt thì tiếp tục làm như vậy.

“Chúng tin tưởng vào năng lực ứng phó và kiểm soát của Chính phủ Việt Nam”, đại diện WHO nói.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm