Đại hội đại biểu Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI:

Đến năm 2025 sẽ có 50% người lao động đạt danh hiệu công dân học tập

Lệ Thu

(Dân trí) - Hội Khuyến học Việt Nam đặt chỉ tiêu cuối năm 2025, số lượng hội viên đạt tỷ lệ 25% so với dân số trong cả nước; bảo đảm 50% người trong độ tuổi lao động của đạt danh hiệu công dân học tập.

Tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học toàn quốc lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội sáng nay 1/12, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam đã trình bày phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới 2021-2026.

Đến năm 2025 sẽ có 50% người lao động đạt danh hiệu công dân học tập - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao đổi tại hội nghị (Ảnh: Mạnh Quân)

Bối cảnh mới với những thuận lợi và không ít thách thức

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, trong nhiệm kỳ VI, 2021-2026, Hội Khuyến học Việt Nam có bối cảnh thuận lợi khi đã trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tế cũng như lý luận về học tập suốt đời, về giáo dục người lớn, về xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Nhưng nhiệm kỳ mới cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tác động trực tiếp đến cuộc sống, lao động và học tập của mọi người dân.

Trình bày phương hướng nhiệm kỳ mới, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết: "Những nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài và các đề án mà Hội sẽ chủ trì, nhất thiết quán triệt đầy đủ và sâu sắc những mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng nhân lực theo yêu cầu của chương trình chuyển đổi số quốc gia".

Hội Khuyến học Việt Nam quyết tâm triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ được ghi trong Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị, trong Quyết định 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Kết luận 49-KL/TW, Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và các đề án thành phần mà Chính phủ giao cho Hội thực hiện trong thời gian tới, trong Chương trình hành động của Hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài và các đề án mà Hội sẽ chủ trì, phải quán triệt đầy đủ và sâu sắc những mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đến năm 2025 sẽ có 50% người lao động đạt danh hiệu công dân học tập - 2

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong (Ảnh: Mạnh Quân)

Hội đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác khuyến học, hình thành phong trào học tập sôi nổi, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, thúc đẩy học tập suốt đời của người lớn, góp phần xây dựng thành công xã hội học tập trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu chung của Hội là hình thành và phát triển phương thức học tập suốt đời có tính mở, tạo điều kiện và thúc đẩy người lớn học tập thường xuyên theo hướng kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến, học ở trường lớp, tại nơi làm việc, tại nhà trên cơ sở xây dựng các kỹ năng số cho người học, lấy tự học làm cốt.

Xây dựng và thực hiện mô hình công dân học tập với những năng lực cốt lõi và phẩm chất để có thể sống và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

Thực hiện tốt các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập theo tiêu chí mới để tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các cộng động cấp huyện và cấp tỉnh, các thành phố học tập trong Đề án "xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ.

Xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh làm nòng cốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

70% người trong độ tuổi lao động được phổ cập kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin

Những chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ VI cũng được đặt ra cụ thể.

Hội đặt chỉ tiêu cuối năm 2025, số lượng hội viên đạt tỷ lệ 25% so với dân số trong cả nước. Đạt tỷ lệ 80% trường cao đẳng, đại học và chuyên nghiệp có tổ chức khuyến học vào cuối nhiệm kỳ VI, tỷ lệ này ở hệ thống trường phổ thông cả 3 cấp là 85%.

Bảo đảm đến năm 2025, 50% người trong độ tuổi lao động của gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập đạt danh hiệu công dân học tập.

80% cán bộ công chức, viên chức trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập được trang bị kỹ năng số cơ bản. 70% người trong độ tuổi lao động được phổ cập kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Đến năm 2025 sẽ có 50% người lao động đạt danh hiệu công dân học tập - 3

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham dự đại hội (Ảnh: Mạnh Quân)

90% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn hành chính cấp xã theo học chương trình ngoại ngữ và tin học do nhà nước quy định.

Trong gia đình học tập, mọi thành viên đều đạt chuẩn biết chữ mức độ hai trở lên.

Đến hết năm 2025, 70% gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập", 65% dòng họ được công nhận danh hiệu "Dòng họ học tập"; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... do cấp xã quản lý được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập".

Hội phối hợp với ngành giáo dục thúc đẩy các cơ sở giáo dục thường xuyên, các trung tâm… thực hiện chuyển đổi số, đạt tỉ lệ 80%.

Hội bảo đảm 100% cán bộ, hội viên các cấp được học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, quyết định 489 QĐ-TTg, 749/QĐ-TTg, Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc triển khai Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT về tiêu chí đánh giá đơn vị học tập cấp huyện và tỉnh, xúc tiến việc xây dựng mô hình huyện học tập, tỉnh học tập. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc triển khai các phong trào xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã theo các bộ tiêu chí đánh giá giai đoạn 2016-2020 có bổ sung các chỉ số đánh giá mới và cuộc vận động xây dựng mô hình công dân học tập.

Phát triển quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, mang lại hiệu quả cao của các suất học bổng cho học sinh, sinh viên, của các phần thưởng dành cho học sinh và người lớn có thành tích học tập tốt, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó, hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Hội đặt mục tiêu đạt mức trung bình của tiền quỹ toàn quốc tính trên đầu người từ 32.000 đồng đến 35.000 đồng vào năm 2026. 

Đồng thời, tiếp tục mở rộng việc ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành và đoàn thể, tạo ra một liên minh các lực lượng gắn kết, chia sẻ và thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Nhiệm kỳ mới, Hội đẩy mạnh việc học tập gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tư tưởng lấy tự học làm cốt, học không bao giờ cùng thông qua những hội nghị, hội thảo về xây dựng các mô hình học tập, về phương thức học tập mọi lúc mọi nơi trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin hiện đại. Cùng với đó, Hội tập trung phát triển các hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển xã hội học tập, kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập, thành phố học tập.

Đến năm 2025 sẽ có 50% người lao động đạt danh hiệu công dân học tập - 4

Các hội viên khuyến học cả nước dự đại hội qua hình thức trực tuyến (Ảnh: Mạnh Quân)

Hội tham gia đầy đủ và tích cực các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, thực hiện trách nhiệm xã hội của một hội quần chúng có tính chất đặc thù, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Để tổ chức thực hiện các hướng, nhiệm vụ trên, Hội Khuyến học các tỉnh/thành phố căn cứ vào phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Đại hội VI thông qua để làm cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động khuyến học của địa phương mình nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Khuyến học Việt Nam khóa VI và các đề án mà Hội được Chính phủ giao thực hiện.

Tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai các mô hình học tập trên địa bàn cấp xã và mô hình công dân học tập, kết hợp với việc tổ chức Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu trên địa bàn cấp xã lần thứ hai và mô hình công dân học tập lần thứ nhất.

Đại hội sẽ tổ chức biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu cấp tỉnh tổ chức vào quý II năm 2026 và biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc tổ chức vào quý III năm 2026.

Những con số ấn tượng của Đại hội khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021

Theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Hội, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 tỷ lệ hội viên so với tổng dân số phải đạt 20%. Mức phấn đấu này đã được các Hội Khuyến học địa phương quyết tâm đạt và vượt mức (tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ này là hơn 21,5%).

Hiện nay, nước ta có 460 trường đại học và cao đẳng (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng), trong đó đã có 284 trường đã thành lập các tổ chức khuyến học (86 trường đại học, 198 trường cao đẳng), chiếm 61,73% tồng số trường đại học và cao đẳng.

Tại nhiều địa phương, tỷ lệ hội viên so với dân số đều đạt từ 20% trở lên, tuy nhiên có một số nơi tỷ lệ này chưa đạt 10%, thể hiện phong trào khuyến học ở những nơi đó còn nhiều khó khăn, phát triển chậm.

Tổng số tiền huy động Quỹ Khuyến học Việt Nam trong 5 năm là 47.809.286.469 đồng, đã chi hỗ trợ học bổng là 27.481.959.627 đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều phần thưởng, hiện vật, kinh phí giúp xây dựng cầu Dân trí, phòng học chức năng, mua sách vở, thiết bị học tập, máy tính, quần áo, giầy dép… đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho toàn ngành giáo dục.

Trong nhiều năm qua, các loại quỹ khuyến học đều phát triển nhanh, vững chắc. Số tiền huy động trong xã hội ngày càng lớn. Theo báo cáo của các địa phương, tổng số tiền dư trong quỹ ở cuối năm 2020 là 2.914.878.000.000đồng, bình quân trên đầu người là 30.509 đồng. Theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Hội, bình quân tiền quỹ trên đầu người dân cần đạt mức 30.000 đồng. Mức này đã đạt và vượt mức trong cả 5 năm. 

Một số địa phương đã đạt mức bình quân tiền quỹ tính trên đầu người dân khá cao, vượt xa mức quy định chung của toàn hội như Quảng Trị (145. 221đ), Nam Định (110.022 đ), Hà Nam (110.000 đ), Thanh Hóa (101.552 đ)... Tuy nhiên có đến 19 tỉnh chưa đạt mức 20.000 đ trên đầu người, trong đó có 5 tỉnh chưa đạt 10.000 đ. Đó là những tỉnh gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm