Thành quả sau 5 kỳ Đại hội khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Nhật Hồng

(Dân trí) - Sáng mai 1/12, sẽ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Hội Khuyến học Việt Nam và Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội khuyến học Việt Nam năm 1996 - 2021.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã trưởng thành, đang phát huy năng lực của mình cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, uy tín của Hội ngày càng được nâng lên.

Cách đây đúng một phần tư thế kỷ, Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam) đã chính thức được thành lập (2/10/1996).

Thành quả sau 5 kỳ Đại hội khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Hội Khuyến học Việt Nam, nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Hội Khuyến học Việt Nam ra đời từ ý tưởng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Sự kiện lịch sử này là một bước nối tiếp những phong trào vận động nhân dân học tập do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo: Phong trào học chữ quốc ngữ do Hội Truyền bá quốc ngữ tiến hành (1938 - 1945), phong trào Bình dân học vụ xóa nạn mù chữ trong toàn dân để kháng chiến và kiến quốc (1945 - 1950), và tiếp sau đó là phong trào Bổ túc văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế của nước ta vốn đã yếu kém lại phải đối đầu với nhiều khó khăn. Để ổn định tình hình kinh tế - xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh chính trị (1991) về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Để đạt mục tiêu phát triển nền kinh tế dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, cương lĩnh chính trị khẳng định rằng, "Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", sứ mệnh của giáo dục và đào tạo phải phát huy được năng lực sáng tạo của con người Việt Nam trên cơ sở giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, lấy tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện làm cốt.

Sau khi Cương lĩnh Chính trị được ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã đề xuất một vấn đề mang tính chiến lược: "Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên cần có một đoàn thể xã hội hoạt động hỗ trợ công cuộc chấn hưng và phát triển giáo dục".

Hội Khuyến học Việt Nam ra đời chính từ ý tưởng trên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam giai đoạn 1996 - 2015 đã đánh giá rất cao sáng kiến thành lập tổ chức hỗ trợ chấn hưng giáo dục của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

"Hội Khuyến học Việt Nam với tinh thần phấn đấu cao nhất sẽ cùng với mọi cá nhân và tổ chức góp phần làm cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách số 1.

- Nâng cao dân trí

- Đào tạo nhân lực;

- Bồi dưỡng nhân tài.

Đó là con đường của hưng quốc, là động lực quan trọng bậc nhất đưa Tổ quốc Việt Nam tiến lên những đỉnh cao của thời đại".

- Võ Nguyên Giáp -

Nhìn lại chặng đường 25 năm vừa đi qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Trung ương Đảng giao cho: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, đáp ứng lòng tin yêu của Đảng và Nhà nước, trở thành tổ chức xã hội có tính đặc thù, tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Cuộc vận động thành lập Hội Khuyến học Việt Nam

Đầu năm 1995, một Ban Vận động thành lập Hội Khuyến học Việt Nam đã được hình thành.

Trưởng ban là Hoàng Xuân Tùy, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Các ủy viên gồm: Hồ Trúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục; Hoàng Quốc Dũng nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Hoàng Lương, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục; Nguyễn Túc: Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Hữu Loan nguyên cố vấn Ban Cán sự Đảng ngoài nước; Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục; Đoàn Diễn, Văn phòng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3 chức năng của Hội Khuyến học Việt Nam

  1. Khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi người Việt Nam không kể giàu nghèo, có quyền lợi bình đẳng trong học tập và không ngừng nâng cao kiến thức.
  2. Hỗ trợ giáo viên, trước hết là những cơ sở đào tạo giáo viên những điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống, yên tâm với nghề, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn.
  3. Tư vấn về phát triển sự nghiệp giáo dục cho các cơ quan chức năng và địa phương.

Sự đồng tình và khích lệ của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ của các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể cũng như sự góp sức của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ và chuyên gia giáo dục đã cổ vũ cho Ban Vận động tích cực hoạt động.

Nhân dân nhiều địa phương hăng hái xin gia nhập Hội vì chấn hưng và đổi mới giáo dục là nguyện vọng của toàn dân, khuyến học, khuyến tài là đại nghĩa của dân tộc.

- Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 122/TTg, duyệt y việc thành lập Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam).

- Ngày 2/10/1996, Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam đã được long trọng tổ chức tại Hà Nội.

Những Đại hội nhiệm kỳ trong 25 năm 1996 - 2020 của Hội Khuyến học Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Khuyến học Việt Nam (nhiệm kỳ 10/1996 - 6/1999).

Chủ tịch Hội: GS.NGND Nguyễn Lân; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Hoàng Quốc Dũng.

Những thành quả lớn của Hội giai đoạn 1996 - 1999:

Trong nhiệm kỳ 1996 - 1999, Trung ương Hội đã nhanh chóng mở ra các hoạt động tư vấn, tham mưu xây dựng các Đề án giáo dục, Luật Giáo dục và các văn kiện của Đảng. Phong trào thi đua khuyến học được phát động ngay sau Đại hội thành lập Hội, thể hiện sự ủng hộ của đông đảo nhân dân với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Những khó khăn ban đầu về cơ sở vật chất - kỹ thuật, về tài chính đã nhanh chóng được khắc phục. Cán bộ cốt cán của Trung ương Hội và các Hội địa phương tuy đã cao tuổi nhưng hết sức nhiệt tình và cố gắng trong phong trào khuyến học.

Thành quả sau 5 kỳ Đại hội khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập - 2

Các hội viên tiêu biểu của công tác khuyến học trong cả nước. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Hội Khuyến học Việt Nam (nhiệm kỳ 6/1999 - 12/2005)

Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Chủ tịch: Vũ Oanh; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Phạm Tất Dong

Những thành quả lớn của Hội giai đoạn 1999 - 2005

- Đã xác định nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, vận động người dân học tập suốt đời là một trọng tâm công tác của toàn Hội.

- Phát triển rất nhanh tổ chức Hội và hội viên: 100% tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, 99,22% quận/huyện/thị xã, 90% xã/phường/thị trấn có các tổ chức Hội với 3.500.000 hội viên.

- Xây dựng 6.130 Trung tâm học tập cộng đồng (trên 50% cộng đồng hành chính cấp xã).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Hội Khuyến học Việt Nam (nhiệm kỳ 1/2006 - 9/2010)

Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Cầm. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Phạm Tất Dong

Tại Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao tặng Hội bức trướng:

HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM

KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI

XÂY DỰNG CẢ NƯỚC TRỞ THÀNH MỘT XÃ HỘI HỌC TẬP

Những thành quả lớn của Hội giai đoạn 2006 - 2010

Căn cứ thành tích của Hội Khuyến học Việt Nam, Trung ương Đảng đã khẳng định "Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" là nhiệm vụ chính trị của Hội.

Những cống hiến của Hội và của toàn thể nhân dân trong sự nghiệp khuyến học, khuyến tài đã đem lại "Ngày khuyến học 2/10" - một ngày lễ của nhân dân.

Cả nước đã có trên 7.500.000 hội viên (chiếm 8,52% dân số).

Mỗi năm đã vận động được trên 10.000.000 người lớn học tập thường xuyên tại Trung tâm học tập cộng đồng.

Các chi hội khuyến học trong thôn bản, tổ dân phố, cơ quan, trường học... phát triển nhanh (Đến năm 2010, cả nước đã có trên 200.000 chi hội khuyến học).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Hội Khuyến học Việt Nam (nhiệm kỳ 2/2010 - 9/2015)

Chủ tịch danh dự: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Cầm. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Phạm Tất Dong

Đại hội đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Những thành quả lớn của Hội giai đoạn 2011 - 2015

- Bắt đầu từ năm 2010, Quỹ khuyến học trong toàn quốc đã đạt số dư trên 1.000.000.000 đồng/năm. Riêng năm 2010, số tiền quỹ trung bình tính trên đầu người dân là 11.367 đồng, do đó, Nghị quyết Đại hội IV của Hội đã đặt mức đạt số tiền quỹ trên đầu người dân là 20.000 đồng vào năm 2015.

- Đại hội toàn quốc biểu dương các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học tiêu biểu đã có sức động viên rất lớn nhân dân trên địa bàn hành chính cấp xã thi đua xây dựng các mô hình hiếu học và khuyến học, tạo tâm thế thi đua chuyển các mô hình đó sang những mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg.

- Cán bộ, hội viên Hội khuyến học đã nhanh chóng bắt tay triển khai Quyết định 89/QĐ-TTg, đặc biệt là triển khai thí điểm các mô hình học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg. Sự thành công của đợt thí điểm đã tạo thuận lợi to lớn cho việc xây dựng, phát triển các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập. Tổ chức UNESCO đã đánh giá việc xây dựng các mô hình này là cách làm độc đáo trong huy động nhân dân học tập suốt đời.

Thành quả sau 5 kỳ Đại hội khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập - 3

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khóa V - nguyên Phó Chủ tịch nước GS.TS Nguyễn Thị Doan và Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Cầm.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ năm của Hội Khuyến học Việt Nam

Chủ tịch danh dự: Nguyễn Mạnh Cầm. Chủ tịch: Nguyễn Thị Doan. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký: Phạm Tất Dong.

Những thành quả lớn của Hội giai đoạn 2016 - 2020

 Thành quả lớn nhất mà Hội có được là các cấp hội đã có đóng góp tích cực trong tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị. Nhờ vậy mà Ban Bí thư đã có Kết luận 49-KL/TW, trong đó, có 11 vấn đề mới trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cho giai đoạn 2021 - 2030. Đây là những nội dung có tính chiến lược cho việc triển khai những Đề án xây dựng xã hội học tập mà Hội sẽ tiếp tục thực hiện theo ý kiến của Ban Bí thư.

Trong Quyết định 489/QĐ-TTg và Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vấn đề học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và vấn đề công dân học tập mà Hội sẽ đảm nhiệm đều là những nhiệm vụ chính trị quan trọng, sự thành công của hai công việc này có ý nghĩa lớn đến sự phát triển con người và phương thức học tập suốt đời trong quốc gia chuyển đổi số. Hai văn kiện nói trên là động lực to lớn đối với những hoạt động của Hội trong giai đoạn đất nước tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Những hội thảo khoa học lớn mà Hội chủ động tổ chức, đồng chủ trì với Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ có tác dụng nâng cao trình độ trí tuệ, mà còn là tạo thêm uy tín của Hội trong xã hội, trước hết là trong các trường đại học, hệ thống giáo dục thường xuyên. Thành công của Hội giai đoạn này là đã bước đầu thu hút được các trường đại học vào hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Nội dung của các Hội thảo đều có tính chất đón đầu sự phát triển giáo dục và đào tạo của đất nước, làm vững chắc thêm về phương diện khoa học, pháp lý, sư phạm của nền tảng xây dựng hệ thống học tập tiếp tục của người lớn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển các công nghệ học tập hiện đại.

Sự phối hợp, gắn kết với một số Bộ, Ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp của Hội giai đoạn 2016 - 2021 thông qua các văn bản ký kết hợp tác đã làm tăng lên đáng kể lực lượng làm khuyến học, khuyến tài, phát triển các tổ chức Hội vào các cơ quan, trường học, đơn vị và doanh nghiệp. Đây là phương thức xã hội hóa rất hiệu quả đối với việc triển khai các Đề án mà Hội chủ trì, vị thế của Hội vì thế cũng được nâng lên.

 Hội rất quan tâm và đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ việc học tập suốt đời của người lớn dưới nhiều hình thức. Những học bổng khuyến học và phần thưởng cho người lớn tự học thành tài là sự quan tâm thúc đẩy việc học tập của người lớn trong các lĩnh vực hoạt động của họ.

Sự thành công trong thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg đánh dấu sự lớn mạnh của Hội, sự nhận thức về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Việc học tập tư tưởng tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thông qua các cuộc hội thảo và phát học bổng "Học không bao giờ cùng".

Thành quả sau 5 kỳ Đại hội khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập - 4

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao bằng khen tới các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học.

Phát huy năng lực sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học Việt Nam đã thực sự trưởng thành, đã và đang phát huy năng lực của mình cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, uy tín của Hội ngày càng được nâng lên.

Thứ nhất, Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội lớn mạnh với tốc độ nhanh chóng, lực lượng ngày càng vững mạnh. Ngày đầu thành lập, toàn Hội có hơn 100.000 hội viên thuộc 21 tỉnh, thành hội. Đến nay, sau 25 năm (1996 - 2020), Hội đã có tổ chức tại 100% tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, 100% các quận/huyện/thị xã và gần 100% các xã, phường, thị trấn; Số hội viên đã tăng hơn 210 lần (1996: 100.000 hội viên, 2020: 21.363.739 hội viên), chiếm 21,89% dân số trong cả nước.

Cùng với sự phát triển hội viên, các chi hội khuyến học và ban khuyến học đã được thành lập ở hầu hết các thôn bản, tổ dân phố và trong nhiều trường học, cơ quan hành chính và sự nghiệp, doanh nghiệp và nhiều đơn vị trực thuộc các Bộ, Ban, Ngành và đoàn thể. Các chi hội khuyến học và Ban khuyến học đang phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong cuộc vận động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn dân cư trong cả nước.

Thứ hai, Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội có tính chất đặc thù, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, hoạt động trong phạm vi cả nước. Hội không có mục đích tự thân, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, không vụ lợi, lấy việc xây dựng xã hội học tập làm nhiệm vụ chính trị của mình.

Trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua, Hội luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức những công việc được giao, tạo được uy tín trong nhân dân, là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, giữ được chữ Tín trong xã hội.

Thứ ba, Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đã lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia và ngày càng mở rộng không chỉ tại các khu dân cư, mà còn trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc của nhiều Bộ, Ban, Ngành, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và xã hội Hội đã, đang đóng góp xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên theo hướng mở, đẩy mạnh các hình thức, phương thức học tập suốt đời của người lớn, phối hợp và liên kết với nhiều cơ quan, đoàn thể, trường đại học và doanh nghiệp tạo ra những cơ hội và điều kiện để hệ thống các thiết chế giáo dục người lớn tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

Thứ tư,  Hội Khuyến học Việt Nam luôn coi những Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong việc triển khai toàn bộ chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hội luôn quán triệt đầy đủ các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục, các mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, các quan điểm chỉ đạo xây dựng xã hội học tập phát triển khuyến học, khuyến tài để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.

Thứ năm, Cán bộ và hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam là một lực lượng đoàn kết chặt chẽ, tận tâm, tận lực và luôn nhiệt tình, đầy trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng xã hội học tập, không quản khó khăn vất vả, luôn gắn bó với nhân dân trên mọi địa bàn dân cư để đưa sự học đến mọi người, mọi nhà, thực hiện ý nguyện "ai cũng được học hành" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.