25 năm khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với 4 trụ cột chính
(Dân trí) - GS.TS Phạm Tất Dong đánh giá tổng kết quá trình 25 năm khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua 4 trụ cột chính của sự nghiệp khuyến học.
Ngày 25/11, tại Hội Khuyến học Việt Nam đã diễn ra buổi họp báo về Đại hội Đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đại hội đại biểu Khuyến học Toàn quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 01/12/2021. Đại hội sẽ được tổ chức theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ gồm 2 phần: Phần thứ nhất sẽ báo cáo các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016- 2021; Phần thứ hai sẽ trình phương hướng nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2026.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ: "Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Chấn hưng văn hóa, động lực để phát triển kinh tế - xã hội". Muốn chấn hưng được nền văn hóa của Việt Nam thì trước hết phải chấn hưng và phát triển nền giáo dục.
Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó là đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền gồm hai lực lượng quan trọng gồm có: hệ thống tuyên giáo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội; lực lượng các cơ quan báo chí, truyền thông.
Có thể nói, lực lượng các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc phối hợp cùng Ban tuyên giáo trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam trong việc đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, công dân học tập, công dân toàn cầu", ông Hùng nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam) đã trình bày những thành tựu đạt được của Hội giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, Đại hội đại biểu lần thứ V của Hội Khuyến học Việt Nam đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản trong giai đoạn 2016-2021. Qua 5 năm triển khai và thực hiện, tất cả nhiệm vụ đề ra đều được hoàn thành đầy đủ; có những nhiệm vụ còn vượt mức kế hoạch như phát triển tổ chức Hội và hội viên, phát triển các mô hình học tập trên địa bàn cấp xã.
Công tác nghiên cứu khoa học được Trung ương Hội và các Hội địa phương quan tâm, nhờ đó, mọi chủ trương, kế hoạch công tác của toàn Hội đều có cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc.
Công tác khuyến học, khuyến tài không những được triển khai sâu rộng đến các thôn bản, tổ dân phố mà còn từng bước phát triển trong nhiều trường phổ thông và đại học, nhiều đơn vị của các Bộ, ban, ngành và nhiều doanh nghiệp.
Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt của mình trong việc phối hợp, liên kết với các lực lượng xã hội tiến hành cuộc vận động nhân dân học tập suốt đời, phát triển giáo dục thường xuyên, mở ra nhiều hình thức học tập của người lớn thông qua công tác "Dân vận khéo" do Ban Dân vận Trung ương phát động.
Sự liên kết, phối hợp và đồng hành của Hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày càng được mở rộng từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, tạo nên sự đồng thuận trong nhiều hoạt động, trước hết là trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.
Sự liên minh đang trong giai đoạn mở rộng, mang lại nhiều kinh nghiệm hay có thể ứng dụng vào việc xây dựng những mô hình mới như mô hình liên kết Hội Khuyến học - trường đại học, Hội Khuyến học - doanh nghiệp, Hội khuyến học - các tổ chức chính trị, Hội khuyến học - bộ đội biên phòng".
Đại diện Hội Khuyến học Việt Nam cũng đưa ra 4 con số cụ thể về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài vì mục tiêu xây dựng cả nước thành một xã hội học tập trong 5 năm (giai đoạn 2016 - 2021).
Thứ nhất, tính đến năm 2021 thì số hội viên của Hội Khuyến học Việt Nam đã tăng lên 21,36 triệu người chiếm 21,89 % dân số của cả nước, bình quân mỗi năm tăng 1,05 triệu người.
Thứ hai, tổng số tiền huy động Quỹ Khuyến học Việt Nam trong 5 năm là 47.809 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ học bổng là 27,418 tỷ đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều phần thưởng, hiện vật, kinh phí giúp xây dựng cầu Dân trí, phòng học chức năng, mua sách vở, thiết bị máy vi tính…
Thứ ba, Hội Khuyến học Việt Nam đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu ở cả 4 mô hình học tập: về gia đình học tập vượt mức quy định 2,11%; dòng họ học tập vượt mức quy định 16,51%; cộng đồng học tập vượt mức quy định 5,83%; đơn vị học tập vượt mức quy định 35,73%.
Thứ tư, cả nước có 460 trường đại học, cao đẳng (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng). Trong đó đã có 284 trường đã thành lập các tổ chức khuyến học (86 trường đại học, 198 trường cao đẳng) chiếm 61,73% các trường đại học và cao đẳng.
GS.TS Phạm Tất Dong cũng đánh giá tổng kết quá trình 25 năm khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thông qua 4 trụ cột chính của sự nghiệp khuyến học.
Trụ cột thứ nhất là truyền thống hiếu học của dân tộc và đây sẽ là động lực để phát triển các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030, cũng là cơ sở tâm lý xã hội để triển khai xã hội học tập.
Trụ cột thứ hai là cơ sở tư tưởng "Học không bao giờ cùng", ý chí tự học suốt đời và mục đích làm cho dân tộc trở nên thông thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trụ cột thứ ba là cơ sở chính trị và quản lý với đường lối, chủ trương, chính sách phát triển nền giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội Khuyến học Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện những quan điểm, chủ trương, chính sách giáo dục của Đảng dưới sự quản lý của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.
Trụ cột thứ tư là cơ sở thực tiễn, tiến hành mọi chủ trương, kế hoạch khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa.