Bình Định:
Đề nghị trợ giá sách giáo khoa, giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh
(Dân trí) - Tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ coi sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, có cơ chế kiểm soát giá, trợ giá cho đơn vị phát hành để giảm bớt khó khăn cho cha mẹ học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, năm học 2021-2022, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Sở đã khắc phục khó khăn, thực hiện khá đồng bộ các nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp cơ bản. Sở cũng tập trung triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 6 được phát hành kịp thời, phục vụ cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã có những giải pháp linh hoạt, khả thi, đồng bộ để chỉ đạo quyết liệt các cơ sở giáo dục đảm bảo dạy đúng, dạy đủ, dạy kịp phân phối chương trình đảm bảo mục tiêu an toàn nhằm duy trì chất lượng giáo dục toàn diện. Học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022 có 34 học sinh đạt giải.
Hoàn thành tốt công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức an toàn, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 98,43%.
Hiện nay, Sở GD&ĐT cũng đang khẩn trương chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Trong đó, có việc chuẩn bị tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình.
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, sách giáo khoa được phát hành theo hướng xã hội hóa nên giá sách tăng so với trước. Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan sớm trình Chính phủ xem xét, coi sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, có cơ chế kiểm soát giá, trợ giá cho đơn vị phát hành để giảm bớt khó khăn cho cha mẹ học sinh.
Bộ GD&ĐT cần tăng cường phối hợp với các tập đoàn công nghệ thông tin để tạo cơ chế huy động nguồn lực trong chuyển đổi số. Bộ cần có những phần mềm dùng chung để triển khai chuyển đổi số trong ngành, tránh chủ trương như nhau mà giải pháp kỹ thuật lại "trăm hoa đua nở" sẽ rất lãng phí và thiếu đồng bộ. Trước hết là phần mềm phục vụ tuyển sinh lớp đầu cấp.
Ông Giang cũng cho rằng, dịch bệnh được cơ bản khống chế nhưng nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn hiện hữu. Vì vậy, Bộ tiếp tục hỗ trợ phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí, hỗ trợ kho học liệu số cho các cơ sở giáo dục để việc dạy học trực tuyến thuận lợi hơn nhằm thiết thực tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện phương châm "ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học" nếu dịch bệnh bùng phát trở lại.
Cùng với đó, Bộ cần sớm ban hành thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Quan tâm tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa bàn khó khăn.