Nhiều thí sinh vẫn loay hoay việc sắp xếp nguyện vọng xét tuyển đại học
(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là hết hạn đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022, hiện nay nhiều thí sinh vẫn loay hoay lựa chọn và sắp xếp nguyện vọng.
Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cả nước đã có trên 939.600 thí sinh đăng ký xét tuyển, tính đến 12h ngày 11/8. Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là gần 491.500. Tổng số nguyện vọng là trên 2,1 triệu.
Trung bình mỗi thí sinh có 4,3 nguyện vọng. Đến 17h ngày 20/08, thí sinh hết hạn đăng ký nguyện vọng.
Vẫn loay hoay chưa quyết định nguyện vọng
Bạn Lê Hà Ngân, cựu học sinh trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội) đã đỗ vào một ngành của trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng bị gia đình ngăn cản. Bố mẹ Ngân muốn em theo học một ngành khác tại Học viện Tài chính. Đó là lý do Ngân vẫn chưa quyết định được nguyện vọng 1 (NV1).
Năm nay, vì đã đỗ vào trường Đại học Kinh tế quốc dân bằng hình thức xét tuyển sớm, Ngân dự định sẽ chỉ đặt 2 nguyện vọng đều vào ngôi trường này.
"Hiện tại em vẫn đang loay hoay đặt nguyện vọng do gia đình không ủng hộ lựa chọn của em. Bố mẹ bảo em học Tài chính doanh nghiệp để sau này ra làm việc ở lĩnh vực ngân hàng, thuế,... và chê ngành mà em lựa chọn, dù bố mẹ em chưa tìm hiểu. Em đang cố thuyết phục bố mẹ.
Với 26,5 điểm tổ hợp A00, em tự tin vào những ngành top đầu của Học viện Tài chính nhưng vẫn thích học trường Đại học Kinh tế quốc dân hơn dù ngành em chọn không hot. Em đang xem xét cơ hội việc làm và môi trường đào tạo giữa hai trường để có quyết định đúng đắn nhất", Hà Ngân cho biết.
Bạn Nguyễn Thu Thảo - cựu học sinh trường THPT Đông Mỹ (Hà Nội) dùng điểm khối D01 để xét tuyển đại học với 24 điểm. Hiện tại, Thảo đã đăng ký 9 nguyện vọng nhưng vẫn đang sắp xếp lại. Trước đó, em đã sửa nguyện vọng tới 3 lần.
"Em vẫn băn khoăn nên để nguyện vọng nào trước và có nên thêm nguyện vọng nào không", Thảo nói.
Thảo đam mê kinh doanh nên đã chọn ngành Quản trị kinh doanh của một số trường đại học top đầu. Thảo dự định đặt thêm ngành Sư phạm Toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
Thảo đặt NV1 vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng còn phân vân. Em cho rằng, nếu học kinh doanh thì học trường Đại học Thương mại sẽ tốt hơn.
"Tuy nhiên, em có áp lực là ở quê em mọi người chỉ đánh giá năng lực của mình qua tên trường. Nếu em giới thiệu em học ở một trường khác không phải Bách Khoa thì sẽ bị đánh giá là kém. Nên em đang không biết nên ưu tiên nguyện vọng nào", Thảo cho biết.
Bố mẹ Thảo khuyên em nên học ngành Sư phạm để ổn định. Chị của Thảo là một giáo viên lại khuyên em phải đam mê mãnh liệt với nghề mới làm được, lương giáo viên lại không cao như những ngành khác, phải thi qua nhiều vòng.
"Em vẫn thích kinh doanh. Hiện tại em đang bán hàng online và làm thêm ở một quán gà rán để học hỏi kinh nghiệm. Mong muốn của em là mở cửa hàng và làm chủ", Thảo cho biết.
Bạn Nguyễn Anh Thư - cựu học sinh trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) đạt 26,5 điểm khối D01. Đạt số điểm không thấp, nhưng Anh Thư vẫn đắn đo trong việc sắp xếp nguyện vọng.
Hiện tại, Anh Thư đang đặt hai nguyện vọng đầu là ngành Quản trị nhân lực của trường Đại học Kinh tế quốc dân và trường Đại học Thương mại, sau đó đến các ngành Truyền thông và Ngôn ngữ Anh. 3 ngành này xoay quanh điểm mạnh của em là người hướng ngoại và có khả năng lãnh đạo.
Tuy nhiên, dù đã đăng ký 8 nguyện vọng trên hệ thống, Anh Thư vẫn dự định điều chỉnh lại. Trước đó, em cũng đã điều chỉnh nguyện vọng 2 lần.
"Vì càng gần đến hạn đăng ký, em lại càng phân vân hơn. Em đã định đến sát ngày mới quyết định nhưng vì lo lắng nên em đã đăng kí cách đây vài ngày, nhưng đến nay đã phải sửa 2 lần.
Em đang cân nhắc đặt thêm một số ngành như Thương mại điện tử, Marketing số và Quản lý thông tin. Tuy không phải điểm mạnh của mình nhưng em vẫn muốn thử bởi nó được đánh giá cao về cơ hội việc trong tương lai", Anh Thư nói.
Anh Thư cho biết, trong quá trình chọn trường, chọn ngành, em bị lung lay bởi nhiều lời khuyên. Nhiều người khuyên em là điểm năm ngoái cao lắm, nên chọn phương án an toàn khi đặt nguyện vọng. Gia đình khuyên em nên ưu tiên trường Đại học Kinh tế quốc dân để học gần nhà, thay vì trường Đại học Thương mại.
"Em nghĩ mình chỉ có 10% đỗ NV1. Em tự tin vào NV3 hơn vì em đặt ngành Quản trị nhân lực chất lượng cao. Những ngành chất lượng cao điểm thường thấp hơn ngành thường, không xét khối A00 nên sẽ ít cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, đây là ngành mới nên em cũng không biết xếp sao cho an toàn", Anh Thư cho biết.
Bạn Hoàng Thị Hằng, cựu học sinh trường Nguyễn Quốc Trinh (Hà Nội) dự định học Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng không tự tin với điểm số của mình.
Mặc dù thích ngành Truyền thông, nhưng Hằng không dám để NV1. Để chắc chắn đỗ đại học, Hằng đặt NV1 là ngành Sư phạm Tiểu học của Đại học Thủ đô vì đây là ngành em đã đủ điều kiện xét học bạ. Ban đầu, Hằng không thích học sư phạm nhưng sau đó được gia đình thuyết phục.
"Em không chắc chắn với những nguyện vọng mà em đã đăng ký. Mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát. Em không biết trường mà em lựa chọn đào tạo ra sao, có chất lượng không. Em đã tham khảo từ nhiều nguồn nhưng có người bảo tốt, người thì bảo không.
Em đang sốt ruột lắm. Bố mẹ em cũng hỏi suốt nhưng em không dám nói trước điều gì vì sợ bước không qua. Em đã đăng ký nguyện vọng cách đây 4 ngày, nhưng sắp tới em sẽ đặt thêm đến nguyện vọng thứ 10. Mẹ em cũng khuyên đăng ký nhiều vào", Hằng cho biết.
Trong vài ngày tới, Hằng dự định sẽ sắp xếp lại nguyện vọng. Sau đó, em sẽ gửi cho các thầy cô, anh chị xem để xin lời khuyên.
Nên đặt nguyện vọng yêu thích lên đầu
Trước đó, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khuyên, thí sinh hãy dành nguyện vọng cao hơn, nguyện vọng ưu tiên nhất của mình cho ngành nghề đào tạo, định hướng nghề nghiệp muốn theo đuổi trong tương lai và trường mà các em yêu thích nhất. Thí sinh không nên lo lắng điểm mình có đủ cao để vào trường đó hay không, vì thứ tự nguyện vọng không ảnh hưởng đến sự công bằng trong tiếp cận cơ hội trúng tuyển.
Theo đó, ở mỗi ngành học, ngôi trường thí sinh yêu thích sẽ có một số phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu cảm thấy phương thức này chưa có nhiều cơ hội trúng tuyển, các em có thể chọn phương thức khác vẫn của ngành đó. Hiện các trường đã phân bổ số chỉ tiêu nhất định cho từng phương thức.
Khi đã trúng tuyển đợt xét tuyển sớm của một trường đại học (trúng tuyển có điều kiện), nếu như thực sự mong muốn vào ngành đó, trường đó, thí sinh có thể yên tâm đặt lên NV1 và chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Tuy nhiên, nếu các em vẫn thích một ngành khác, trường khác thì đừng lo lắng mà hãy đặt nguyện vọng mình yêu thích lên làm NV1 để tăng cơ hội trúng tuyển vào môi trường mong muốn. Những nguyện vọng phía sau cũng nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nói trên.
Khi các em đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn, rõ ràng những nguyện vọng khác không còn giá trị nữa.