Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh

(Dân trí) - 36 giáo viên cấp THCS - THPT của tỉnh Đắk Nông được chọn thực hiện chương trình dạy học qua truyền hình. Nhiều GV lo lắng vì đây là lần đầu tiên triển khai, việc tương tác với học sinh bị hạn chế.

Theo kế hoạch, từ ngày 7/4, tỉnh Đắk Nông sẽ phát sóng các bài dạy qua truyền hình để giúp học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập kiến thức trong thời gian nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.

Từ nhiều ngày trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình địa phương ghi hình các bài giảng. 36 giáo viên được chọn để “đứng lớp” là những thầy cô giáo giàu kinh nghiệm, có năng lực sư phạm…

Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh - 1

Giáo viên mất hơn 1 tuần để chuẩn bị bài giảng, kịch bản

Tuy nhiên, vì là lần đầu tiên triển khai chương trình dạy học qua truyền hình nên nhiều thầy cô giáo lo lắng và có phần hồi hộp khi trực tiếp tham gia vào chương trình. Phần lớn đều “chưa thích nghi kịp” khi việc tương tác với học sinh trong lúc giảng bài hầu như không có.

Cô Lê Thị Vân Anh, giáo viên Toán lớp 9 cho biết, mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ bài giảng, được các thầy cô giáo trong tổ và Phòng GD&ĐT góp ý thế nhưng trước khi vào phòng quay cũng rất lo lắng và “run”.

Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh - 2
Cô Vân Anh ôn lại kịch bản trước khi vào quay chính thức

“Lần đầu tiên đứng trước máy quay giảng bài mà không có học sinh cảm giác nó rất khác. Tôi chỉ biết nhìn vào màn hình điện tử, tưởng tượng ra học sinh đang ngồi phía dưới. Do thói quen đặt câu hỏi trong khi giảng nên khi quay hình, tôi hay đặt câu hỏi cho các em, mỗi lần như vậy là phải ghi hình lại”, cô Vân Anh kể lại tình huống "dở khóc, dở cười" trong quá trình ghi hình.

Cũng theo nữ giáo viên, một tiết học có 45 phút, trong đó bao gồm cả dạy kiến thức và ví dụ minh họa cho học sinh. Khi dạy học qua truyền hình, buộc giáo viên phải cân đối kiến thức, lấy thật nhiều ví dụ minh họa để đảm bảo 45 phút phát sóng. Thế nhưng, tất cả các ví dụ đều của giáo viên và cũng chính giáo viên phải giải quyết nó.

“Cũng muốn hỏi các em có làm được bài không, có chỗ nào không hiểu không mà không được. Việc học qua truyền hình buộc các em phải có ý thức tự học, tự rèn luyện và xem lại các số phát sóng”, cô Vân Anh chia sẻ.

Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh - 3
Để có một bài giảng tốt, khuôn hình đẹp...

Là giáo viên đầu tiên của tỉnh Đắk Nông thực hiện ghi hình, cô Phạm Thị Thắm, giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Nông) không ngờ là việc dạy qua truyền hình lại khó đến vậy.

Theo dự kiến, cô Thắm sẽ có bài giảng đầu tiên ôn luyện kiến thức đọc hiểu của môn Ngữ Văn với thời gian ghi hình là 30 phút đồng hồ cho 25 phút phát sóng. Tuy nhiên vì là người đầu tiên thực hiện, lại chưa có kinh nghiệm đứng trước máy quay nên thành thử cô Thắm mất gần 2 tiếng ghi hình.

“Trước khi quay chính, các giáo viên đều được tập dượt trước, thế nhưng tôi vẫn lo và hơi run khi quay. Trong lúc qua, các thầy cô trong tổ bộ môn cũng phải ngồi gần đó để góp ý chuyên môn nên tâm lý cũng rất căng thẳng, hồi hộp. Rất may là buổi ghi hình đã thực hiện thành công dù cho thời gian có bị kéo dài hơn dự kiến”, cô Thắm thở phào.

Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh - 4
.... giáo viên được góp ý trực tiếp trên trường quay

Có mặt tại buổi ghi hình số đầu tiên, một cán bộ quản lý của Phòng GD&ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết, vấn đề tương tác thầy - trò, đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh… đều bị hạn chế khi dạy học qua truyền hình. Tuy nhiên, điều khiến thầy cô giáo bị áp lực nhất là sự phân tích, mổ xẻ từ phía đồng nghiệp khi chương trình được phát sóng.

“Khi bài giảng được phát sóng, không chỉ học sinh mà còn có cả phụ huynh, đồng nghiệp của chúng tôi theo dõi. Thực tế, mỗi giáo viên có một cách giảng dạy khác nhau nên khi giáo viên này giảng trên truyền hình, thì cả ngàn giáo viên khác sẽ có nhận xét. Góp ý thì rất hoan nghênh, nhưng nhiều người lại đưa ra mổ xẻ, chê bai khiến các thầy cô gặp áp lực rất lớn. Chính vì vậy, thầy cô phải thực sự bản lĩnh, bảo vệ quan điểm của chính mình”, cán bộ này nhận định.

Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh - 5
Tổ chuyên môn cũng phải có mặt để tư vấn cho giáo viên "đứng lớp"

Tương tự, một lãnh đạo Trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng nhìn nhận, mỗi thầy cô giáo lại có một phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận kiến thức riêng song dạy học là dạy chung cho học sinh cả tỉnh. Chính điều này buộc các trường, các tổ chuyên môn có giáo viên được lựa chọn “đứng lớp” phải chuẩn bị rất kỹ về cả kiến thức và tâm lý.

“Nếu trong lúc giảng dạy có điều gì sơ suất thì không những giáo viên mà cả trường đều bị đưa ra phân tích, mổ xẻ. Chính vì thế, khi quay hình, chúng tôi yêu cầu tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phải có mặt để góp ý luôn. Tất cả phải đảm bảo, khi bài giảng được phát sóng, kiến thức phải chuẩn, giáo viên phải bản lĩnh sư phạm”, vị phó hiệu trưởng này cho biết.

Dạy qua truyền hình: Giáo viên lo lắng vì hạn chế tương tác với học sinh - 6

Dự kiến ngày 7/4, các bài giảng sẽ được tỉnh Đắk Nông phát sóng trên đài truyền hình địa phương

Có mặt tại các buổi ghi hình bài giảng, ông Lê Nhơn, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đánh giá dù là lần đầu tiên thực hiện dạy học qua truyền hình song các đơn vị liên quan đã chuẩn bị rất kỹ càng. Dự kiến chương trình sẽ được phát sóng từ thứ 3 ngày 7/4.

“Dù giáo viên có lo lắng, hồi hộp nhưng các thầy cô đều hoàn thành buổi ghi hình, điều này cũng hết sức thông cảm vì các thầy cô chưa bao giờ đứng trước máy quay để giảng bài. Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông hy vọng học sinh trên toàn tỉnh sẽ đón nhận và tiếp thu kiến thức mà các thầy cô giáo truyền đạt”, ông Nhơn nói.

Dương Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm