Dạy online mùa Covid-19: Lắm khó khăn nhưng không ít trải nghiệm tuyệt vời
(Dân trí) - “Việc dạy học trực tuyến sẽ gặp vô số khó khăn so với học theo phương pháp truyền thống nhưng lại đem đến một trải nghiệm mới mẻ”, thầy Vũ Nam Thái chia sẻ.
Trước tình hình dịch bệnh, để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, các trường học đã cho học sinh tạm ngưng đến trường từ ngày 5/2/2020 đến nay. Đồng thời, các trường đã có nhiều biện pháp dạy từ xa để đảm bảo việc học tập của học sinh không bị trì hoãn.
Tuy có thể tạm thời giải quyết được những vấn đề hiện tại nhưng đối với các giáo viên, việc “giảng dạy không thấy mặt học trò” không phải là việc đơn giản.
Cùng PV Dân trí trao đổi với các giáo viên về công tác dạy học từ xa trong gần 3 tháng qua về những kinh nghiệm, mặt được và chưa được của biện pháp này.
Cô Trịnh Hải Minh, giáo viên môn Ngữ Văn trường THPT Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Tôi cho rằng, hình thức dạy và học trực tuyến chỉ là phương pháp chữa cháy cho mùa dịch giúp thầy và trò đảm bảo được quá trình học và hoàn thành chương trình đúng hạn”.
Thời gian qua, cô Hải Minh giảng dạy qua nhiều nền tảng như Zoom, Shuv Classroom, Facebook, Zalo và giảng dạy thông qua sóng truyền hình (CTV - đài truyền hình Cà Mau).
Dùng nhiều nền tảng giảng dạy, cô Minh nhận xét hình thức “học từ xa” còn nhiều hạn chế như: tương tác kém, học sinh chưa có thói quen học trực tuyến, khó quản lý và quan trọng nhất là việc kiểm tra quá trình học tập không được đảm bảo.
Khi được hỏi về tình hình học tập của học sinh mình, cô Hải Minh chia sẻ: “Tôi nhận thấy có nhiều học sinh học đối phó, tinh thần tự học chưa cao. Các em nên rèn luyện kỹ năng tự học, khả năng ứng phó trước hoàn cảnh”.
Cũng như cô Hải Minh, thầy Bùi Văn Dũng, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 trường Tiểu học Tân Trung (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cũng bày tỏ những lo lắng của mình khi nói về việc dạy học online.
Thầy Dũng chia sẻ: “Tôi rất lo lắng cho học sinh của mình vì học sinh tiểu học còn nhỏ nên sẽ rất mau quên nên nghỉ thời gian dài như vậy khi trở lại trường học, các em sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong học tập”.
Theo thầy Dũng, ban đầu học sinh còn lúng túng trong việc nhận bài và gửi bài. Vì ở quê nên tín hiệu sóng yếu, kết nối mạng lúc được lúc không. Vì vẫn còn nhỏ nên có một số em trong nhóm học nhắn tin lung tung làm ảnh hưởng đến các em khác.
Thầy Dũng cho biết thêm: “Nhiều phụ huynh không thạo sử dụng điện thoại nên không kiểm soát được việc học tập của các em. Trong đó có 1 gia đình học sinh chưa có điện thoại thông minh nên tôi phải đến nhà kèm trực tiếp, tạo mọi điều kiện để tất cả các em đều được tham gia học trong thời gian nghỉ dịch”.
Ngược lại với những lo lắng chung của các giáo viên, thầy Vũ Nam Thái, giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TPHCM lại có những suy nghĩ rất lạc quan về việc dạy online của mình.
Thầy Nam Thái chia sẻ: “Việc dạy học trực tuyến sẽ gặp vô số khó khăn so với học theo phương pháp truyền thống. Tuy vậy, dạy học trực tuyến lại đem lại một trải nghiệm mới mẻ đối với bản thân tôi. Sau Covid-19, chắc chắn tôi sẽ chủ động hơn rất nhiều vì những lợi ích vô hình mà dạy học trực tuyến đem lại”.
“Ngoài việc tham gia giảng dạy trực tuyến và làm một số công việc liên quan đến chuyên môn, tôi nghĩ thời gian vừa qua là dịp vô cùng thích hợp để cho mỗi người “sống chậm” lại, suy nghĩ về những chuyện đã qua, biết quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh nhiều hơn.
Trong giai đoạn này, tôi có cơ hội để làm những việc mà thời gian qua tôi còn bỏ lỡ; đọc một quyển sách, xem một bộ phim, nấu một món ăn hay đơn giản là nói chuyện nhiều và lâu hơn với học trò,…", thầy Thái nói thêm.
Theo thầy Thái, ngoài những ảnh hưởng trông thấy, Covid-19 cũng mang lại cho mỗi người một trải nghiệm sống khác, điều quan trọng là bản thân chúng ta phải tự thích nghi và hạnh phúc với những điều đó.
Thầy Nam Thái cũng nhắn nhủ đến các học sinh của mình rằng: "Thầy mong các em hãy tự rèn luyện cho bản thân một lối sống khoa học nhất, nghiêm túc chấp hành các quy định vệ sinh, y tế để bảo vệ an toàn cho bản thân và xã hội.
Riêng về vấn đề học tập, từ việc tham gia trực tuyến, các em cũng nên thường xuyên tương tác với giáo viên để tháo gỡ những vướng mắc, tự giác tìm hiểu tài liệu và vận dụng vào bài tập".
Thư Quỳnh