Dân trí trao đổi với Bộ GD-ĐT về bất cập từ việc nhân hệ số điểm ưu tiên
(Dân trí) - Trước những bức xúc của thí sinh và phụ huynh về việc thay đổi đột ngột và bất hợp lý khi tính điểm ưu tiên, ngày 13/8, lãnh đạo Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT đã có cuộc trao đổi với PV <i>Dân trí</i> để nắm bắt thêm thông tin về bất cập từ việc điểm ưu tiên nhân hệ số.
Chúng tôi xin phân tích dữ liệu của những thí sinh dự thi Trường ĐH Quảng Nam, ngành Ngôn ngữ Anh, khối D1 có môn thi chính là Ngoại ngữ. Điểm chuẩn ngành theo quy định của Bộ GD-ĐT phải đạt từ mức 17,33 trở lên. Qua đây, độc giả sẽ tự đánh giá việc trúng tuyển có phụ thuộc vào điểm ưu tiên khi nhân hệ số hay không? Toàn bộ cơ sở dữ liệu này đã được chuyển đến lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Để thấy sự thay đổi của việc nhân hệ số ưu tiên chúng ta cùng phân tích tổng điểm xét tuyển ứng với hai trường hợp: Điểm ưu tiên nhân hệ số và điểm ưu tiên không nhân hệ số.
* Điểm ưu tiên không nhân hệ số: lúc đó điểm chuẩn phải xác định là 17,5 bởi không có mức 17,33. Thống kê có 81 thí sinh đạt về tổng điểm xét tuyển là 17,5 nên trúng tuyển (trong đó có 1 thí sinh có tổng điểm 3 môn (không nhân hệ số) + điểm ưu tiên dưới mức điểm xét tuyển cơ bản của Bộ đưa ra đối với khối D1). Có 13 thí sinh có tổng điểm xét tuyển là 17,0 nhưng không trúng tuyển (trong số này có 3 thí sinh có tổng điểm 3 môn (không nhân hệ số) + điểm ưu tiên dưới mức điểm xét tuyển cơ bản của Bộ đưa ra đối với khối D1 ).
* Điểm ưu tiên nhân hệ số: Lúc này nếu vẫn lấy số lượng trúng tuyển như lúc không nhân hệ số là 81 thí sinh thì điểm trúng tuyển phải là 17,67 và lúc này sẽ có 4 thí trúng tuyển ở cách tính trên từ đỗ thành trượt.
Tuy nhiên do phát sinh có mức 17,33 nên nhà trường quyết định lấy điểm chuẩn ở 17,33. Giảm điểm chuẩn so với lúc không nhân hệ số thì tất nhiên sẽ phải có thêm thí sinh trúng tuyển, theo dữ liệu thì có 92 thí sinh (trong số này có 3 thí sinh có tổng điểm 3 môn (không nhân hệ số) + điểm ưu tiên dưới mức điểm xét tuyển cơ bản của Bộ đưa ra đối với khối D1). Danh sách 92 thí sinh này đã được công nhận trúng tuyển trên website nhà trường.
Như vậy có thêm 11 thí sinh trúng tuyển so với khi không nhân hệ số điểm ưu tiên. Những thí sinh này ở đâu ra? Do mức điểm ưu tiên chênh lệch của các thí sinh không quá lớn nên 11 thí sinh trúng tuyển thêm này nằm trong số 13 thí sinh trượt khi không nhân điểm ưu tiên (mức 17,0 điểm). Nói cách khác, thí sinh đang trượt lại trở thành trúng tuyển do có điểm ưu tiên được nhân hệ số.
Câu hỏi đặt ra, vì sao 13 thí sinh có tổng điểm bằng nhau (khi chưa nhân hệ số điểm ưu tiên) nhưng lại có 2 em trượt? Đơn giản ở đây là mức ưu tiên của các em có sự lệch nhau nên khi nhân 4 chia 3 dẫn đến tổng điểm xét tuyển mới lệch nhau. Cụ thể, ở 11 thí sinh từ rớt thành trúng tuyển có 7 thí sinh có mức điểm ưu tiên là 1 điểm, 4 thí sinh có mức điểm ưu tiên là 1,5; còn hai thí sinh còn lại trượt do có điểm ưu tiên chỉ là 0,5 điểm.
Qua phân tích này có thể thấy, ngay cả những thí sinh trượt cũng đã có sự bất công khi mà tính theo cách mới bạn thì trúng tuyển còn mình vẫn trượt.
Nếu không có chuyện điểm ưu tiên nhân 4 chia 3 thì 11 chỉ tiêu này đã dành để xét NV2 và sẽ là cơ hội cho những thí sinh có năng lực hơn khi tham gia xét tuyển.
S.H