Đại sứ nghề làm chủ công ty thiết bị dạy nghề khi còn là sinh viên
(Dân trí) - Đại sứ nghề, Kỹ sư Thi Quốc Vinh tốt nghiệp trường nghề xong liền bỏ ra 6 năm nữa để học đại học. Vinh làm chủ công ty cung cấp thiết bị dạy nghề khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Dành 14-16 tiếng mỗi ngày để học và nghiên cứu
Đại sứ nghề Thi Quốc Vinh từng giành Huy chương bạc nghề Cơ điện tử tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012, nhận chứng chỉ nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 42 năm 2013.
Tốt nghiệp trường nghề được vài năm, Vinh trở thành Giám đốc công ty TNHH Didactic Việt Nam chuyên cung cấp thiết bị dạy nghề, khi đang tiếp tục ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Đại sứ nghề sinh năm 1991 tại thành phố Đà Lạt ngàn hoa, trong một gia đình làm nghề buôn bán. Như nhiều bạn bè khác, Vinh cũng từng có ước mơ trở thành sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp THPT.
"Tuy nhiên, việc đậu một trường đại học theo ý nguyện không phải dễ dàng", Vinh nói.
Bố mẹ Vinh khi đó đã ngoài 50 tuổi, làm buôn bán nên tư duy vốn cởi mở, không ép con trai phải vào đại học để "nở mày nở mặt" như mong mỏi của đa số các bậc phụ huynh thời ấy, mà ủng hộ Vinh theo học nghề trước, sau đó sẽ học lên đại học nếu Vinh muốn.
"Sự động viên và ủng hộ của gia đình là điều may mắn, đó chính là ngã rẽ đầu tiên trong cuộc đời mình. Đôi khi chúng ta không được lựa chọn mà phải thật sáng suốt và tự tin hoạch định cho cuộc đời, phù hợp với khả năng của bản thân", Vinh nói.
Vinh chọn học nghề Cơ điện tử khi bản thân còn chưa biết gì về điện hay điện tử. Chỉ nắm được những kỹ năng cơ bản như lắp bóng đèn, lắp công tắc trong nhà giúp bố mẹ.
"Nghề Cơ điện tử thời điểm đó là một nghề mới, mình chọn nghề với hi vọng sẽ có được công việc tốt sau khi tốt nghiệp, sau đó học lên đại học để nâng cao kiến thức", Vinh nói.
Tốt nghiệp THPT, chàng trai Đà Lạt vào TPHCM học tại Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương. Vinh cho biết, đây là một quyết định đúng đắn và may mắn.
Sau khi tìm hiểu nhiều trường đào tạo nghề Cơ điện tử, Vinh thấy cơ sở vật chất và thiết bị thực hành ở Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương rất tốt. Môi trường đào tạo tốt và gặp được những người thầy tận tâm đã cho "ra lò" một cậu sinh viên trẻ có kỹ năng giỏi.
Trong thời gian học và thực hành nghề, Vinh dành từ 14-16 tiếng mỗi ngày để học tập và nghiên cứu. Thực hành nghề điện bị sai sót, cháy nổ là vấn đề Vinh gặp thường xuyên. Ở phòng thực hành luôn có thiết bị bảo vệ an toàn để "cứu" bài thực hành của Vinh trong những sự cố.
"Do vậy các bạn học sinh khi còn đi học, hãy cứ thực tập chăm chỉ, làm sai thì chỉ bị trừ điểm, bị thầy cô nhắc nhở chút thôi nhưng đó là bài học kinh nghiệm để khi đi làm thực tế không mắc phải", Vinh nói.
Cuối năm 2011, Vinh tốt nghiệp trường nghề, không chọn học liên thông lên đại học mà thử sức ở một ngành học mới. Vinh thi đỗ trường Đại học Bách khoa TPHCM, ngành Tự động hóa, hệ vừa học vừa làm.
Những kiến thức học được ở giảng đường đại học càng củng cố cho những kỹ năng nghề và hỗ trợ Vinh trong quá trình làm việc.
Vừa học, vừa làm, vừa mở công ty
Vừa bước ra khỏi trường nghề, Vinh liền dùng kiến thức để chinh phục các cuộc thi. Vinh giành giải Nhất Kỳ thi kỹ năng nghề cấp Thành phố, giải Nhất Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2012. Vượt qua những thử thách đó, Vinh được chọn đi thi kỹ năng nghề khu vực Asean và thế giới, đạt những thành tích đáng nể.
Tham gia các kỳ thi là cơ hội để Vinh tiếp cận những kiến thức nằm ngoài giáo trình được giảng dạy trong nhà trường. Lượng kiến thức mới và khó, kỹ năng nghề được huấn luyện thường xuyên là yếu tố tạo nên thành công cho các cuộc thi.
Sau các cuộc thi, Vinh vừa làm nghề, vừa trải nghiệm nhiều lĩnh vực công việc liên quan, sau đó quay về trường nghề giảng dạy, nghiên cứu. Tham gia huấn luyện đội tuyển Cơ điện tử Việt Nam tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới.
Vừa học đại học, vừa làm nhiều công việc cùng lúc giúp Vinh có thu nhập tốt. Năm 2016, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, Vinh đã dồn hết nguồn lực kinh tế mình có để khởi nghiệp ở lĩnh vực cung cấp, tư vấn kỹ thuật và giải pháp đào tạo ở một số ngành nghề liên quan đến kỹ thuật như Điện, Điện tử, Cơ điện tử, Điện lạnh, Ô tô, Robot, …
"Xuất thân từ trường nghề nên mình hiểu rõ sự cần thiết của thiết bị dạy nghề trong các trường nghề. Mình mong muốn tư vấn những thiết bị, sản phẩm và giải pháp đào tạo tốt đã được áp dụng thành công ở những nước phát triển vào giáo dục nghề ở Việt Nam.
Mình hi vọng có thể giúp thế hệ sinh viên Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những sản phẩm tốt hơn mình lúc trước", Vinh cho biết lý do khởi nghiệp.
Là người học và làm nghề, Vinh có lợi thế ở các khâu kỹ thuật trong các công việc của công ty. Những khó khăn ở khâu tài chính, kinh tế, kế toán,… được những người bạn đồng hành lấp vào khoảng trống Vinh còn thiếu.
Bằng nguồn lực của mình, Vinh đang tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho nghề Robot di động trong kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia, quan tâm và gắn bó với các kỳ thi kỹ năng nghề các cấp ở một số nghề Cơ điện tử, Điều khiển công nghiệp, Công nghệ nước, Công nghiệp 4.0…
Vinh cho rằng, bất kỳ ai cũng phù hợp với việc học nghề. Khi học ở môi trường hay cấp bậc đào tạo nào, cũng phải tốt nghiệp và đi hành nghề.
"Đi học là để được học hỏi và trau dồi kiến thức, kiến thức nền chỉ giúp chúng ta đi nhanh hơn một chút chứ không phải là điều kiện cần khi lựa chọn học nghề.
Có những ngành nghề phụ thuộc vào yếu tố công nghệ nhưng không phải tất cả. Mà kỹ năng là yếu tố quan trọng nhất, khi có kỹ năng thì việc tiếp cận công nghệ mới sẽ rất dễ dàng.
Đi học là để hành nghề, do vậy hãy đổ mồ hôi trong lớp học chứ đừng để đổ máu trên công trường", Vinh nói.