Nữ đại sứ nghề xuất sắc trở thành giảng viên, chủ nhà hàng
(Dân trí) - Đại sứ nghề Nhữ Thị Phương rẽ sang học nghề sau khi thi trượt đại học. Tốt nghiệp trường nghề với tấm bằng xuất sắc, được nhà trường giữ lại làm giảng viên, tự mở nhà hàng đồ uống, có thu nhập cao.
Yêu nghề từ bài học trải khăn bàn, gấp khăn ăn
Đại sứ nghề Nhữ Thị Phương hiện là giảng viên môn Nghiệp vụ nhà hàng và Nghiệp vụ pha chế đồ uống, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Nhớ lại hơn 10 năm về trước, Phương rẽ sang học nghề để mong có "kế sinh nhai" sau khi thi trượt đại học.
Cô gái sinh năm 1991 quê ở Bắc Giang. Tốt nghiệp THPT năm 2009, Phương chọn học đại học để trở thành sinh viên, thỏa ước mơ đặt chân lên Thủ đô như đa số bạn bè cùng thời. Nhưng kết quả thi đại học năm ấy không như mong muốn.
"Lúc ấy thi trượt đại học xong mình hụt hẫng lắm. Mình có ý định tiếp tục ôn tập để năm sau thi lại.
Nhưng một thời gian sau, mình nghĩ nếu vậy thì sẽ bỏ lỡ mất 1 năm trong đời. Đại học cũng không phải con đường duy nhất để thành công, bằng chứng là nhiều người học đại học xong vẫn phân vân chọn công việc hoặc làm trái ngành", Phương nói.
Vốn yêu thích du lịch, lại là người không muốn xa gia đình, Phương muốn có một nghề vừa liên quan đến du lịch, vừa được ở nhà thường xuyên. Phương quyết định đăng ký học nghề Quản trị khách sạn của Trường CĐ Du lịch Hải Phòng.
"Lúc đó mình chỉ đơn giản nghĩ là kiếm một cái nghề để làm, để sinh nhai. Nhưng mình cũng đã tin rằng nếu mình làm nghề tốt thì chắc chắn sẽ thành công", Phương nói.
Năm 18 tuổi, Phương đến với nghề bằng một sự hiểu biết còn hạn chế. Mọi thông tin phải tìm trên báo giấy vì báo mạng còn chưa phổ biến. Vốn liếng duy nhất mà Phương có là những trải nghiệm trước đây khi còn ở Đồng Tháp, Phương từng làm thêm ở nhà hàng, nên hiểu biết về ngành dịch vụ nhà hàng ở đó rất phát triển.
Phương chỉ nhận ra tình yêu và quyết tâm chinh phục nghề ở bài học nghề đầu tiên.
"Bài học kỹ năng nghề đầu tiên mình được học là trải khăn bàn và gấp khăn ăn. Chỉ đơn giản là chiếc khăn vuông nhưng biến tấu ra vô vàn hình thù khác nhau, vừa giữ gìn vệ sinh cho khách vừa trang trí bàn ăn cực đẹp.
Mình thấy chỉ đơn giản là gấp khăn thôi mà cũng rất thú vị và cần những kỹ thuật vô cùng tinh tế. Vì vậy mình quyết tâm chinh phục nghề ở những kỹ năng khác nữa", Phương nói.
Cơ sở vật chất của trường nghề khi đó không hiện đại như bây giờ, nhưng vẫn đáp ứng đủ điều kiện học tập.
"Nghề này chủ yếu phục vụ khách dựa trên các món ăn, đồ uống từ đơn giản đến đắt tiền. Không phải lúc nào mình cũng có điều kiện mua dụng cụ, nguyên liệu đắt tiền nên phải dùng nguyên liệu thay thế.
Ví dụ: Dùng bí đao thay cho bò beefsteak, dùng nước lọc thay cho rượu vang…", Phương nhớ về những ngày chập chững học nghề.
Chỉ sau 3 năm học nghề, Phương vượt qua các kỳ thi kỹ năng nghề cấp trường, cấp thành phố, quốc gia. Sau đó được chọn thi tay nghề ASEAN, tay nghề thế giới.
Phương giành giải Nhì Kỳ thi tay nghề Quốc gia năm 2012, cũng trong năm đó tại Indonesia, Phương nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề ASEAN. Năm 2013 tại Đức, Phương nhận chứng chỉ tay nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới.
"Qua các cuộc thi, mình được đào tạo bài bản, các kỹ thuật đều là kỹ thuật cao, có cái nhìn bao quát với nghề hơn. Mình được cọ xát với nhiều bạn có kỹ năng tốt giúp mình hoàn thiện hơn", Phương nói.
Nhà trường giữ lại làm giảng viên, tự mở cửa hàng đồ uống
Tốt nghiệp CĐ Du lịch Hải Phòng năm 2012, Phương được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Không phải suy nghĩ nhiều, từ một cô sinh viên, Phương nhanh chóng trở thành giảng viên trường nghề.
"Mình tâm niệm rằng bản thân đã được nhà trường, nhà nước tạo điều kiện để rèn luyện và phát triển bản thân, phát triển kỹ năng nghề toàn diện. Nếu mình chỉ làm cho một cơ sở, doanh nghiệp thì sẽ không phát huy hết được những gì đã học hỏi của ở các chuyên gia.
Chỉ có làm giảng viên thì mình mới truyền lại được những kiến thức, kỹ năng ấy cho nhiều người. Chính việc mình đi giảng dạy cũng giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng mới", cô giáo Phương nói.
Năm 2018, cô giáo Phương chuyển công tác từ trường CĐ Du lịch Hải Phòng về Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, giảng dạy bộ môn Nghiệp vụ nhà hàng và Nghiệp vụ pha chế đồ uống.
Phương pháp giảng dạy của cô Phương là luôn luôn thực hành. Thực hành tại lớp và thực hành tại các cơ sở thực tế để học sinh có sự so sánh, từ đó đưa ra các giải pháp giúp cho quá trình làm nghề được hiệu quả hơn.
Cô Phương là cầu nối giúp các doanh nghiệp lựa chọn được những sinh viên có tay nghề cao vào làm việc và trả lương xứng đáng.
"Mình phụ trách mảng đào tạo còn bên doanh nghiệp họ tuyển dụng. Nhu cầu việc làm ngành này rất lớn, chỉ thiếu các nhân lực có kỹ thuật và tay nghề cao", cô Phương nói.
Học trò của cô Phương có nhiều em sau khi ra trường làm vị trí quản lý, điều hành tại các nhà hàng, khách sạn, hoặc tự kinh doanh các cửa hàng đồ uống.
"Từ khi các em còn ngồi ghế nhà trường đến khi các bạn ra nghề rồi, mình vẫn giữ mối liên hệ để trao đổi các vấn đề giữa giảng dạy và thực tế ở doanh nghiệp", cô giáo này nói thêm.
Sau giờ giảng dạy trên lớp, cô Phương lại đến quán cà phê của mình để lo việc kinh doanh. Kỹ năng nghề Dịch vụ nhà hàng và pha chế có sẵn, cô Phương có ý định mở cửa hàng đồ uống từ lâu nhưng vì bận việc gia đình, con cái nên năm ngoái cô mới thực hiện được.
Quán cà phê vừa phục vụ khách, vừa là nơi cô Phương đào tạo học sinh của mình. Cô dạy môn pha chế đồ uống theo hướng truyền nghề, dạy sau đó cho học sinh thực hành và giới thiệu việc làm sau khi học xong.
Kỹ năng nghề sẵn có giúp cô Phương quản lý nhân viên, quản lý nguyên liệu, tránh thất thoát. Dễ dàng trong khâu pha chế. Giúp tiết kiệm trong việc sử dụng nguyên liệu và nhân công.
Cô Phương còn đào tạo "set up" cửa hàng cà phê cho các đơn vị, đào tạo nhân viên nhà hàng cho doanh nghiệp.
Cô Phương cho rằng, một người phù hợp với nghề Dịch vụ nhà hàng phải chăm chỉ, chu đáo, cầu toàn, ngoại ngữ và ngoại giao tốt.
"Để học và hành nghề tốt trong thời buổi xã hội hiện đại cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Trong đó, kiến thức và kỹ năng các bạn có thể rèn luyện và học tập. Nhưng quan trọng nhất chính là thái độ, sự cầu tiến, chịu khó học hỏi, rèn luyện và không sợ khó, không sợ khổ.
Không ngừng sáng tạo chính là thứ quan trọng nhất của một người học và làm nghề. Máy móc chỉ thay đổi được kỹ năng còn thái độ thì do con người", cô Phương nói.