Ngắm đại sứ nghề Australia xinh đẹp trình diễn nghề bartender, phục vụ bàn
(Dân trí) - “Khảo sát của Tổ chức Kỹ năng nghề Australia cho thấy, lương khởi điểm của học sinh nghề là 56.000 đô la Úc/năm (khoảng 980 triệu đồng), lương của sinh viên đại học khi ra trường là 54.000 đô la Úc/năm. Như vậy, nếu chọn học nghề các bạn không thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp”.
Bà Joanna Wood - Tham tán Giáo dục và Khoa học (Đại sứ quán Australia), phát biểu tại Giao lưu giữa 3 đại sứ nghề Australia với giáo viên, sinh viên trường Cao đẳng du lịch Hà Nội. Chương trình do Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Đại sứ Quán Australia tại VN tổ chức sáng 4/4 tại Hà Nội.
Lương thợ nghề cao hơn lương cử nhân
Chia sẻ tiếp về câu chuyện chọn học nghề tại Australia, bà Joanna Wood cho biết: “Nhiều người vẫn tâm lý lo ngại về lương và triển vọng nghề nghiệp cho con em mình. Do đó, họ cho rằng đại học là con đường duy nhất để có công việc ổn định và thành công”.
Thậm chí có 5 bậc phụ huynh thì có tới 4 người muốn con học đại học để sau này có thành công hơn.
Nhưng cũng theo vị Tham tán Giáo dục và Khoa học, khảo sát của Tổ chức kỹ năng nghề Australia lại khá bất ngờ: Mức lương khởi điểm của một học sinh học nghề là 56.000 đô la Úc/năm (khoảng 980 triệu đồng), trong khi đó, mức lương của sinh viên đại học khi ra trường chỉ là 54.000 đô la Úc/năm.
Emillia Moutague - Đại sứ nghề Australia đang trình diễn nghề Bantender
“Điều này cho thấy rằng, nếu lựa chọn học nghề các bạn có nhiều yên tâm để tới thành công. Bởi học nghề cho chúng ta được nhiều cơ hội và lựa chọn hơn” - bà Joanna khẳng định.
Nghề thành công từ đam mê
Ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp: “Thông điệp của chương trình gửi tới bạn trẻ là, nếu chúng ta đam mê, nỗ lực với một nghề. Chúng ta sẽ gặt hái được những thành công. Và khi đã tinh thông với nghề, chúng ta sẽ được xã hội tôn vinh, thu nhập ổn định và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho xã hội”.
Cũng theo bà Joanna, dân số Australia hiện có khoảng 24 triệu người, trong đó có 4,2 triệu người đang tham gia học nghề.
“Tỉ lệ trên là khá cao. Những người tốt nghiệp học nghề có nhiều lựa chọn như thành giáo viên, thợ nghề, nhà kinh doanh thậm chí lâu dài có thể là lãnh đạo các tổ chức…” - bà Joanna nói.
Thái độ, đam mê và cam kết
Tại buổi giao lưu, bạn Emillia Montague - đại sứ nghề Australia cho biết: “Khi tôi bắt đầu vào nghề, thực sự rất ngại ngùng và không tự tin khi nói chuyện với người khác. Trong thời gian tương đối ngắn, tôi đã học được nhiều kỹ năng”.
Dù đang là sinh viên cao đẳng ngành du lịch nhưng Emillia đã gặt nhiều thành tích về nghề: Huy chương vàng Hội thi tay nghề Australia năm 2016 - ngành dịch vụ nhà hàng; Huy chương xuất sắc Hội thi tay nghề thế giới - ngành dịch vụ nhà hàng, thành viên Đội tuyển Australia dự Hội thi tay nghề thế giới 2017…
Chia sẻ về việc chọn nghề, Emillia cho rằng: “Học nghề khác với học đại học nhưng giá trị đem lại không hề kém, đặc biệt là sự hoà quyện giữa kỹ năng học và thực hành”.
Đồng quan điểm với Emillia, Samantha Masih - đại sứ nghề Australia bổ sung về câu chuyện chọn nghề với những nỗ lực không ngừng của bản thân.
Samantha Masih - Đại sứ nghề Australia trình diễn nghề phục vụ bàn
Từ việc bỏ lỡ học văn hoá năm lớp 10, cô đã bắt đầu từ việc nộp đơn xin việc ở một quán ăn ở Wynyard (Australia). Tại đây, cô được chủ quán gợi ý rằng nên học một chứng chỉ nghề thông qua chương trình học nghề.
“Vừa học nghề, tôi vừa tìm thêm việc làm vào buổi tối, qua đó có những trải nghiệm quý giá về nghề phục vụ bàn” - cô chia sẻ.
Những nỗ lực không ngừng đã giúp Samantha có tên trong danh sách Chung kết Cuộc thi dành cho học viên nghề đào tạo tại Australia năm 2015.
Samantha Masih bật mí, thành công có được phải đến từ đam mê với nghề. Cô chia sẻ về nghề phục vụ bàn: “Bạn có thể làm cho kỳ nghỉ của ai đó thú vị hơn khi cung cấp dịch vụ cho họ cùng với sự lịch thiệp”.
Với Stephen Lunn, một chuyên gia nổi tiếng về nghề khách sạn - nhà hàng, việc chọn nghề đầu bếp được hình thành khi mới 15 tuổi. Khi đó, ông thể không tưởng tượng được công việc sẽ giúp mình đi tới nhiều nơi trên thế giới và đạt tới đỉnh cao nghề nghiệp.
“Quyết định đúng đắn nhất mà tôi từng thực hiện là chọn con đường học nghề. Nếu cho chọn lại công việc khi 15 tuổi, tôi vẫn giữ nguyên quyết định trở thành đầu bếp” - Stephen nhớ lại.
Hiện nay, Stephen đã có được những thành tựu: Chức danh Giáo viên nghề khách sạn (trường Cao đẳng Guiford), Chủ tịch liên đoàn ẩm thực Australia, …
Lời khuyên của Stephen cho bất kỳ người trẻ nào đang cân nhắc sự nghiệp trong ngành khách sạn nhà hàng là cần trang bị một thái độ đúng đắn.
“Những gì tôi muốn thấy ở sinh viên là niềm đam mê, sự cống hiến và cam kết. Nếu họ cho thấy muốn ở đó, nhà tuyển dụng sẽ đầu tư và giúp họ học càng nhiều càng tốt” - Stephen nói.
Đưa việc dạy kỹ năng mềm vào nội dung chính khoá
Đánh giá về nhu cầu nhân lực khách sạn nhà hàng của VN, bà Joanna cho biết: Theo Tổng cục Du lịch VN, với tốc độ phát triển như hiện nay, cả nước cần khoảng 40.000 lao động qua đào tạo trong lĩnh vực du lịch khách sạn mỗi năm.
Cũng theo bà Joanna, đây là một triển vọng lớn cho VN. Tuy nhiên thực tế là các doanh nghiệp đang phải đào tạo lại học sinh, sinh viên mới ra trường.
"Nguyên nhân có thể do họ được học kiến thức trong nhà trường. Tuy nhiên kỹ năng mềm như làm việc nhóm thì ít người được dạy. Tại Úc, chúng tôi đã giải quyết bài toán này bằng cách lồng ghép chương trình đào tạo kỹ năng mềm như một phần của chương trình đào tạo chính khoá” - bà Joanna nói.
Hoàng Mạnh