Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam kể chuyện bỏ đại học, làm phụ hồ...

Công Phạm

(Dân trí) - Xuất sắc giành Huy chương vàng “Kỹ năng nghề ASEAN” 2016, Nguyễn Văn Thiết được Thủ tướng tặng bằng khen và được chọn là 1 trong 10 đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam trong tháng 7/2020.

Chuyển từ đại học xuống cao đẳng

Học hết cấp 3, cậu học trò sinh năm 1995, ở vùng quê nghèo Nghi Công (Nghi Lộc, Nghệ An), Nguyễn Văn Thiết xuất sắc thi đậu vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.

Thế nhưng, chẳng bao lâu sau Thiết bỏ ngang việc học đại học trong sự ngỡ ngàng của gia đình, thầy cô và bạn bè vì nhận thấy không có đam mê với ngành nghề mình đang theo học.

Quá trình quyết định bỏ học với Thiết là một cuộc đấu tranh nội tâm lớn.

Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam kể chuyện bỏ đại học, làm phụ hồ... - 1

Nguyễn Văn Thiết được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen 

Thiết chia sẻ: “Sau khi bỏ học, mình bám trụ lại Hà Nội làm đủ thứ nghề nặng nhọc để mưu sinh như bốc gạch, phụ hồ, chuyển nhà,… Trời Hà Nội mùa đông rét cắt da, cắt thịt phải dậy từ 4 giờ sáng rồi đi bộ 3km ra công trường cho kịp giờ làm”.

Hơn 1 năm bươn chải ngoài xã hội, làm đủ các loại công việc chân tay, Thiết ngộ ra một điều rằng, sống trên đời phải có một cái nghề.

Cậu thanh niên 19 tuổi đến với trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội với mong muốn nhỏ nhoi là học được một cái nghề, sau này kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân, trả đủ tiền nhà và tiền điện.

Thế nhưng, lại một lần nữa sự khủng hoảng về tinh thần đến với Thiết. Từng là học sinh nhiều năm liền có thành tích cao trong học tập, khi bạn bè học đại học hết mình thiết chọn con đường riêng là học cao đẳng.

Thiết nói: “Lúc đầu mình nghĩ, bạn bè đi học đại học hết, mình học cao đẳng nên em thấy ngại lắm. Suốt khoảng thời gian dài em như bị trầm cảm, không dám nói chuyện với ai vì tự ti”.

Gia đình không mấy khá giả, Thiết nhìn lại những khó khăn mà bố mẹ đã phải trải qua khiến cậu học trò nghèo càng thêm cố gắng. Thiết học tập hăng say trên lớp, ngoài giờ học đi làm thêm kiếm tiền tự lập.

Thiết tự hào khoe với chúng tôi: “Suốt những năm tháng đi học, Mình không phải xin bố mẹ tiền. Nhưng mà nhiều lúc cũng không có tiền, mình phải ăn mì tôm cả tháng, tích cóp cả tuần mới đủ một bữa cơm căng tin của trường”.

Giọt mồ hôi góp nên thành công

Thế rồi, thành quả của sự cố gắng, ý chí phấn đấu vươn lên, không ngừng học hỏi cũng đến với Thiết.

Liên tục trong năm 2016 cậu nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Huy chương vàng nghề Tự động hoá công nghiệp, nhận giải thưởng sinh viên 5 tốt cấp thành phố Hà Nội, được vinh danh gương mặt trẻ thủ đô, danh hiệu Tuổi trẻ sáng tạo từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...

Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam kể chuyện bỏ đại học, làm phụ hồ... - 2

Liên tục nhiều giải thưởng lớn đến với Thiết 

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng xuất sắc, Thiết trở thành kỹ sư cho Vinfast một công ty làm việc về lĩnh vực ô tô thuộc Tập đoàn Vingroup.

Được làm việc trong một công ty lớn hàng đầu Việt Nam cùng với mức lương lý tưởng. Thế nhưng, chưa bao giờ Thiết ngừng cố gắng, ngừng học hỏi, cập nhập và đổi mới bản thân.

Mới  đây Thiết vinh dự được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) lựa chọn làm 1 trong 10 đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam.

Trong niềm vui sướng và tự hào, Thiết nhận thấy thương hiệu Đại sứ kỹ năng nghề còn đặt ra trách nhiệm lớn trong việc lan toả và truyền đạt những kiến thức về kỹ năng nghề tới bạn trẻ.  

Thiết tâm sự: "Hình ảnh đại sứ kỹ năng nghề thể hiện sự định hướng đúng đắn về học nghề - lập nghiệp, đặc biệt là một bằng chứng với các em học sinh đang lựa chọn nghề nghiệp..."

Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam kể chuyện bỏ đại học, làm phụ hồ... - 3

Thiết luôn dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm với các bản trẻ 

Từ những gì đã trải qua, Thiết cho rằng, nhiều bạn trẻ ngày nay vội vàng khi chọn cho mình môi trường học tập  không đúng với đam mê, sở thích và hơn nữa là không sát với nhu cầu của xã hội. Do lựa chọn ngành và cấp học sai lầm, nhiều bạn trẻ có thể chán nản học cho qua, hời hợt thậm chí là bỏ học như Thiết đã từng.

Chia sẻ với những bạn trẻ đang chuẩn bị phải chọn cho mình một lối đi riêng Thiết nói: “Lựa chọn nghề nghiệp phải sát với thực tế, không phải con đường nào đẹp nhất cũng dẫn tới thành công, học ngoại ngữ để thấy mình không cô độc và hơn hết luôn phải tự tin, nỗ lực hết mình đối với con đường đã lựa chọn”.