Bộ trưởng trực tiếp gặp giám thị tố cáo:

Cuộc gặp gỡ hy hữu trong ngành giáo dục

(Dân trí) - Sau buổi làm việc với Sở GD-ĐT Hà Tây, 17h30 chiều 12/7, tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp gỡ với giám thị Đỗ Việt Khoa ngay tại nhà riêng của thầy giáo này. Thầy Khoa đã rất xúc động trước nghĩa cử hiếm có của người đứng đầu ngành giáo dục.

Cách đó khoảng 1 tiếng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tây Uông Đình Hồng đã gọi điện cho thầy Khoa để thông báo khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ đến thăm nhà.

 

Trao đổi với chúng tôi trong lúc chờ đợi chuyến thăm của Bộ trưởng, ông Khoa cho biết: Ông rất bất ngờ vì từ sáng đến giờ ông chưa hề nhận được một thông tin chính thức nào về cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng, và nhất là cuộc gặp gỡ lại diễn ra ngay tại nhà riêng của ông.

 

17h30, đoàn xe của Bộ trưởng dừng lại trước cửa nhà của giám thị Đỗ Việt Khoa. Đi cùng Bộ trưởng có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, Phó chánh thanh tra Bộ Trần Bá Giao, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT Nguyễn Quốc Anh và Giám đốc Sở GD-ĐT Uông Đình Hồng. Ngay nhà thầy Khoa, đã có hàng chục phóng viên báo chí chờ sẵn.

 

Trong cuộc trao đổi với người đứng đầu ngành giáo dục, giám thị Khoa tỏ thái độ rất rõ ràng rằng nếu chỉ xử lý ở mức độ như Sở GD-ĐT Hà Tây đã áp dụng thì sẽ không đủ sức răn đe và như vậy sẽ rất khó để trả lại cho Hà Tây và tất cả các địa phương trong cả nước sự trong sạch của các kỳ thi.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định một trong những vấn đề trọng tâm mà ông sẽ thực hiện ngay khi bắt đầu cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là phát động trong toàn ngành phong trào “nói không” với gian lận trong thi cử.

 

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã trao tặng thầy giáo Khoa cuốn sách “Bác Hồ với giáo dục” trong đó có ghi lời đề tặng của Bộ trưởng: “Thân tặng thầy Đỗ Việt Khoa. Cảm ơn thầy và chúc thầy luôn giữ vững cái nhân của người Việt Nam, cái nghĩa của phận làm cha, cái đức của người làm thầy”.

 

Giám thị Đỗ Việt Khoa đã trao tận tay Bộ trưởng bức thư gồm 10 kiến nghị đối với nền giáo dục nước nhà. Cuộc gặp gỡ kết thúc sau khoảng 40 phút trao đổi giữa giám thị Đỗ Việt Khoa và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

 

Theo lời thầy Khoa thì tuy thời gian trao đổi không nhiều, nhưng ông cảm thấy rất phấn khởi vì “dù chỉ là một giáo viên quê mùa ở Vân Tảo nhưng vẫn nhận được sự quan tâm của người đứng đầu ngành giáo dục”.

 

Ngay sau khi Bộ trưởng rời khỏi Vân Tảo, thầy Khoa đã đến thăm toà soạn báo Dân trí. Lúc đó đã là 19h30. Quả là một sự kỳ ngộ bởi vì hôm đầu tiên giám thị Đỗ Việt Khoa gọi điện cho chúng tôi để chia sẻ bức xúc, đó cũng là lúc 19h30 của buổi tối cách đây đúng 42 ngày, tối ngày 31/5. 

 

10 kiến nghị của giám thị Đỗ Việt Khoa gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 

 

1. Tôi khẳng định: Chuyện thi cử ở mọi cấp học đều có tiêu cực. Nó diễn ra trên cả nước. Tuy nhiên mức độ tiêu cực mỗi nơi một khác. Tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng ở các hội đồng thi Hà Tây, Nam Định, Bắc Ninh... và những nơi có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao.

 

 Tiêu cực trong hệ Đại học tại chức, trong Bổ túc THPT càng nặng nề hơn. Bộ phải có những biện pháp, những văn bản chấn chỉnh ngay hiện tượng này.

 

2. Tuyển sinh, đào tạo và thi tốt nghiệp ở các hệ Bổ túc văn hóa THPT và hệ ĐH tại chức rất kém chất lượng. Nó tạo điều kiện nâng cao bằng cấp chủ yếu cho giới lãnh đạo các địa phương. Nhiều ý kiến đề nghị chấn chỉnh và thanh sát chất lượng ngay 2 loại hình này.

 

3. Căn bệnh thành tích, căn bệnh không trung thực, không dám nói, nói dối, làm dối ngày càng nghiêm trọng trong ngành Giáo dục và trong xã hội. Khắp nơi có tình trạng nâng điểm, cấy điểm, cho điểm không đúng chất lượng thật của học sinh. Phải chấm dứt tình trạng đó bằng cách phát động phong trào nói thật, làm thật. Có văn bản xử lý những nơi có tình trạng cho điểm không đúng thực tế.

 

4. Cấu trúc chương trình, sách giáo khoa chưa phù hợp, việc thay sách thường xuyên rất gây tốn kém. Đề nghị Bộ có văn bản không ép học sinh các thành phố học môn kỹ thuật nông nghiệp. Học sinh thành thị không cần học môn đó.

 

5. Việc học và thi nghề phổ thông hoàn toàn vô bổ. Thực tế học sinh không học nghề đầy đủ. Việc thi chỉ cốt sao học sinh được cộng 1-2 điểm cho khỏi trượt tốt nghiệp THPT. 

 

Sau khi thi, gần như 100% học sinh đều có bằng tốt nghiệp nghề loại  khá và giỏi, mặc dù các em không học gì.

 

Việc phổ cập tin học trong trường THPT cũng rất hình thức.

 

6. Nên xóa bỏ việc xếp loại cho học sinh tiểu học. Chỉ cần có 2 nhóm: hoặc lên lớp, hoặc không đạt thì ở lại lớp, như 1 số nước trên thế giới đã làm. Không nên  thi học sinh giỏi ở lớp 5. Vì những việc này gây áp lực không cần thiết cho các cháu nhỏ.

 

7. Chất lượng đào tạo Đại học hiện nay còn rất thấp. Đào tạo kiểu hàn lâm, lý thuyết suông, thiếu thực hành. Kiến thức và công nghệ mà sinh viên được đào tạo thường lạc hậu hơn những yêu cầu  của đời sống, của sản xuất. Sinh viên ra trường không làm việc được ngay và thường phải đào tạo lại.

 

Hãy yêu cầu các công ty, các nhà tuyển dụng, sử dụng lao động kỹ thuật cao phải tham gia đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cao đó, bằng việc thỉnh giảng, đưa sinh viên đến thực tập tại các công ty của mình hoặc có đóng góp nào đó vào việc đào tạo lao động.

 

Mạnh dạn giảm số tiết của các môn học kinh điển như: Lịch sử Đảng, Triết học… Tăng thời lượng các môn chuyên ngành và kỹ thuật.

 

8. Bộ cần xem xét lại việc tổ chức bộ máy lãnh đạo, nhất là công tác thanh tra: vừa thiếu, vừa yếu. Thanh tra phải là đội ngũ vừa mạnh, vừa sạch. Cần có cơ chế sao cho: hễ thanh tra Bộ nhận được đơn tố giác, hoặc các cuộc gọi điện tố giác tiêu cực, sai trái thì thanh tra phải tiến hành thẩm định kiểm tra, xử lý ngay. Không bắt buộc yêu cầu người tố cáo phải ra mặt, phải có đầy đủ chứng cứ. Bộ phải tìm chứng cứ từ việc thanh sát. Vừa qua thanh tra đã chưa làm được điều này.

 

Phải thiết lập đường dây nóng, và trang web chuyên trách tiếp nhận vấn đề tố cáo và những đề xuất xây dựng từ thầy cô, học sinh, phụ huynh và các tầng lớp xã hội khác. Chúng ta là ngành giáo dục, nên cần thiết phải đi trước 1 bước.

 

9. Cần xây dựng văn hóa từ chức và bỏ phiếu tín nhiệm trong ngành giáo dục, trong các trường học. Lãnh đạo nào sai trái, không giành được trên 50% phiếu tín nhiệm thì phải bị bãi chức. Mặc dù đã có cơ chế phân cấp quyền lãnh đạo, nhưng Bộ vẫn nên can thiệp xử lý trực tiếp các lãnh đạo sai trái trong  ngành giáo dục.

 

10. Tôi xin ủng hộ Bộ trưởng mở ngay cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử”.

Mai Minh - Trần Huy

Dòng sự kiện: Giám thị tố giám thị