Giám thị tố cáo tiêu cực Đỗ Việt Khoa:
Sự nổi tiếng đau xót!
(Dân trí) - Thầy giáo Đỗ Việt Khoa thời gian qua đã khiến cả nước biết mặt, biết tên và “lấy đi” không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí. Sau <a href="http://www9.dantri.com.vn/Sukien/2006/7/129223.vip">cuộc gặp gỡ với tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT</a> chiều 13/7, thầy giáo Khoa đã có cuộc trò chuyện thân mật và thẳng thắn với Dân trí về tất cả mọi vấn đề mà dư luận quan tâm và muốn tường tận.
Đó là lời tuyên chiến của Bộ trưởng!
Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm gia đình ông của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?
Đó là điều rất vinh dự đối với gia đình tôi vì đây là lần đầu tiên có một vị lãnh đạo đầu ngành đến thăm. Tuy nhiên, điều đáng mừng hơn vì nội hàm của chuyến thăm này chính là thông điệp, là lời tuyên chiến của Bộ trưởng đối với những tiêu cực trong giáo dục, đặc biệt là ở khâu thi cử.
Ông hiện đã là người nổi tiếng, được Bộ trưởng tặng bằng khen và đến tận nhà thăm. Trước khi làm việc này, ông có nghĩ kết quả sẽ tốt đẹp như ngày hôm nay?
Thực tình những điều này nằm ngoài suy nghĩ của tôi. Lúc đầu, tôi nghĩ chỉ xử lý ở nội bộ trong Sở, trong Ngành nhưng rồi tình huống “trớ trêu” đẩy tôi ra trước dư luận. Đến hôm nay, tôi vẫn không ngờ việc làm nhỏ bé của mình lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ và đông đảo đến thế. Mỗi ngày, tôi nhận được hàng trăm bức thư từ mọi miền đất nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài gửi về hưởng ứng.
Và cả đe doạ?
Có. Nhưng rất ít. Chính thức thì cho đến hôm nay chỉ có hai bức thư từ bưu cục Vạn Điểm và bưu cục Thường Tín (Hà Tây) gửi với lời đe dọa “phải trả giá”. Điều mừng nhất là học sinh của tôi rất ủng hộ thầy vì “điều chúng em cần nhất là sự công bằng”. Đây cũng là một trong những động lực để tôi bất chấp nguy hiểm.
Không thù ghét cũng không màng công danh
Nhưng cũng có suy luận rằng ông thù ghét cá nhân ai đó...?
Đúng là cũng có thể có ai đó nghĩ như vậy và tôi không lạ về điều đó. Nhưng tôi xin được nói thẳng, tôi đã bức xúc từ nhiều năm trước. Cụ thể là năm 2003, khi làm giám thị ở Phú Xuyên B, tôi biết ở đây người ta đã thu của mỗi học sinh 150 ngàn đồng để chi cho ăn uống, bồi dưỡng đường sữa, hoa quả và phong bì 300 ngàn đồng/giám thị.
Tôi và một số đồng nghiệp đã rất khổ tâm, nhất là khi vào phòng bảo vệ, thấy bốn máy photocopy hoạt động hết công suất. Sau đó, bài thi được đem chia cho các thí sinh tại các phòng như chia bài lá. Tôi mời chủ tịch hội đồng thi xuống và phản đối quyết liệt, doạ sẽ đưa lên Bộ. Thế nhưng họ xin và hứa sẽ không để chuyện này tái diễn.
Tại sao khi đó họ xin, ông đồng ý, còn năm nay lại không?
Thật ra khi ấy, tôi cũng chỉ “võ mồm” thế thôi chứ nếu mình làm to chuyện, họ xoá sạch hiện trường rồi lật lại thì mình làm gì có chứng cứ? Vì vậy, ức thì ức nhưng đành phải chịu.
Quan hệ cá nhân giữa ông với ông Từ Ngọc Lĩnh (Chủ tịch Hội đồng thi Phú Xuyên A 2006) như thế nào?
Thầy Lĩnh đồng thời cũng là Hiệu trưởng trường tôi. Về quan hệ cá nhân, có thể nói là tôi khá thân với thầy Lĩnh. Đó là người biết tôn trọng ý kiến người khác, dù tôi không có chức, không có quyền và cũng chưa phải là đảng viên mà chỉ là một giáo viên tốt nên cũng không có chuyện tranh giành chức tước ở đây.
Điều không may cho cả tôi và thầy Lĩnh là cả hai cùng về một Hội đồng. Trong khi trước đó, tôi đã bàn với bà xã rằng năm nay dù coi thi ở bất cứ đâu nếu tiêu cực là tôi không để yên.
Đó là sự gian dối
Hội Khuyến học Việt Nam gửi thư chúc mừng thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Hà Nội, ngày 12/7/2006
Thân gửi thầy giáo Đỗ Việt Khoa!
Nhân dịp thầy giáo được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích chống tiêu cực, Hội Khuyến học Việt Nam xin gửi tới thầy giáo lời chúc mừng thân thiết.
Trên thực tế, chủ trương chống tiêu cực trong giáo dục cũng là một hình thức khuyến học. Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao việc làm vừa qua của thầy và đồng thời mong muốn thầy tiếp tục góp phần cùng chúng tôi trên con đường hướng tới mục tiêu "Cả nước trở thành một xã hội học tập".
Chúng tôi cũng đánh giá cao sự tin cậy của thầy đối với báo Khuyến học & Dân trí, cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam thời gian qua.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam GS. Phạm Tất Dong |
Ông có vẻ không được bình tĩnh khi nói đến tiêu cực trong thi cử?
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống trực tính. Bố tôi còn quyết liệt hơn tôi rất nhiều. Ông không ngại to tiếng ở bất cứ đâu nếu thấy bất bình. Khi lớn lên, tôi theo học tại trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội), một môi trường cực kỳ nghiêm túc. Trong lớp tôi, dù kiểm tra 15 phút cũng không có chuyện quay cóp hay trông bài của nhau.
Một chuyện đã ăn sâu trong ký ức của tôi đến tận bây giờ là trong một kỳ kiểm tra ngoại ngữ, tôi không biết một từ mới, mở từ điển ra xem. Khi đó, cô giáo nhắc nhẹ: “Khoa quay cóp nhé”. Và thế là tôi ngượng. Ngượng với cô, ngượng với bạn bè và ngượng với chính mình. Tôi còn sợ bạn bè nghi ngờ thành tích học tập của tôi.
Vì vậy đến bay giờ, ông vẫn còn bức xúc với bệnh thành tích?
Tôi không nghĩ tiêu cực trong thi cử hiện nay là bệnh thành tích mà phải gọi đích danh đó là sự gian dối mà học đường chỉ là một biểu hiện.
Ông có dám khẳng định mình là người trung thực?
Suốt 12 năm đứng trên giảng đường, tôi chưa bao giờ nói dối học trò mà luôn khuyên các em hãy dũng cảm, dám nói, dám làm và đừng vụ lợi. Không ít đồng nghiệp của tôi khi gặp chuyện bất bình đã không dám lên tiếng, đến nhờ tôi nói giúp. Và lúc nào tôi cũng sẵn sàng giúp đỡ họ.
Tôi sẽ phải trung thực hơn, gương mẫu hơn
Sự nổi tiếng bao giờ cũng là một áp lực. Ông có lo ngại mình có thể sẽ bị trả thù hay khó khăn trong công việc?
Tôi không sợ sự trả thù vì tôi hiểu những việc tôi làm đã và tiếp tục nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Điều tôi lo sợ chính là những thách thức tôi tự đặt ra cho mình. Nghĩa là tôi phải sống trung thực hơn, có trách nhiệm hơn, gương mẫu hơn...
Tôi rất sợ có một ngày nào đó, người ta bảo: “Thầy Khoa chống tiêu cực ngày trước giờ đang làm điều xấu”. Thật tình, tôi luôn nghĩ mình là kẻ nổi tiếng bất đắc dĩ và đau xót. Giá như tôi không phải nổi tiếng thì hay biết chừng nào.
Tại sao vậy?
Tôi nổi tiếng vì đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử nói riêng, trong học đường nói chung. Vậy nếu thi cử và học đường không có hoặc rất ít tiêu cực thì sẽ không có hoặc ít có đấu tranh và khi đó, tôi sẽ sống bình dị ở một ngôi trường nơi phố huyện.
Tôi đã gửi niềm tin đúng chỗ
Khi ông quyết định đương đầu với tiêu cực, nơi đầu tiên ông gọi điện là báo Khuyến học & Dân trí. Vì sao ông lại làm điều này?
Khuyến học & Dân trí là tờ báo tôi đọc thường xuyên từ mấy năm nay. Trong kỳ thi tốt nghiệp, tôi thấy báo có nhiều bài đấu tranh mạnh mẽ, thẳng thắn và không kém phần quyết liệt. Tôi đã gọi điện đến báo để phản ánh tình hình đồng thời xin số máy điện thoại của Thứ trưởng Bành Tiến Long.
Rất mừng là chỉ 2 tiếng sau khi tôi gọi điện đến toà soạn, trên Dân trí điện tử đã xuất hiện bài: “Giám thị tố cáo… giám thị”. Thật tình, cái “tít” này chưa đích đáng lắm vì cho đến bây giờ, tôi chưa tố cáo một giám thị nào tiêu cực mà chỉ tố cáo tiêu cực trong thi cử. Và từ đó, Dân trí luôn đồng hành cùng tôi cả trong những giai đoạn khó khăn nhất. Tôi đã gửi niềm tin đúng chỗ.
Khó khăn nhất là giai đoạn nào?
Là thời gian chờ đợi quan điểm của Bộ. Nếu khi đó, sự việc bị “chìm xuồng” thì tôi chỉ còn nước về nhà đuổi gà cho vợ mà dằn vặt vì trước tôi, đã có người làm nhưng rồi sự việc chẳng đi đến đâu.
Vì vậy, một lần nữa qua quý báo, cho tôi gửi lời cám ơn tới tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, tới các cơ quan báo chí và dư luận trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài đã động viên tôi cả về tinh thần lẫn vật chất. Cũng xin nói thêm là nhiều người còn gửi cả tiền cho tôi như bác Nguyễn Trọng Mỹ (Hà Nội) đã tặng tôi một triệu đồng để “mua giấy bút chống tiêu cực”.
Xin cám ơn ông!
Nguyễn Hoàng
(Thực hiện)