Công khai danh sách Giáo sư, bác sĩ về dạy tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ

(Dân trí) - Việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được mở ngành y, dược, dư luận băn khoăn lo lắng nhất về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Lãnh đạo nhà trường khẳng định: “Đội ngũ giảng viên của trường là những GS,PGS hàng đầu của các trường ĐH Y, các bác sĩ ở bệnh viện lớn tham gia”.

 

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Vũ Văn Hóa, ​Hiệu phó trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, trường đã mời các GS.PGS.TS hàng đầu của ĐH Y, các bác sĩ giỏi, uy tín ở các bệnh viện lớn về quản lý và giảng dạy như ngành Dược có PGS.TS Lê Văn Truyền, PGS.TS Chu Quốc Cường, Tiến sĩ Lê Ngọc Phan, Tiến sĩ Trần Đức Long, PGS.TS Phạm Văn Thỉnh… giảng viên cơ hữu.

Ngành Y đa khoa có GS.TS Lê Anh Tuấn, GS.TS Phạm Vinh Quang, PGS.TS Nguyễn Văn Tường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Tiến sĩ Nguyễn Phạm Ý Nhi, Bác sĩ Trần Văn Hùng, GS.TS Phạm Ngọc Đính… họ đều là những giảng viên cơ hữu của trường.

Đội ngũ giảng viên ngành y, dược, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ chuẩn bị như sau: ngành Y đa khoa của Trường có 47 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 6 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS y học cơ sở ngành, nội, ngoại, sản, nhi, y học dự phòng và y tế công cộng. Theo trình độ thì có 33 TS, PGS, GS; có 14 ThS và BS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức ngành và chuyên ngành.

Ngành Dược của Trường có 31 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 7 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS có chuyên ngành về bào chế, phân tích kiểm nghiệm thuốc, dược liệu, tổ chức và quản lý dược, dược lý lâm sàng, hoá dược và vật lý hoá. Theo trình độ thì có 5 TS, PGS, GS; có 18 ThS và DS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức của chương trình đào tạo.

Trường sẽ cung cấp đầy đủ danh sách giảng viên cơ hữu

Trước đó, trong kết luận Biên bản thẩm định hồ sơ và các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngày 5/10 do Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế tham gia đã ghi rõ:

Về cơ bản nhà trường đã chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện về đội ngũ bám theo các điều kiện mở ngành (Thông tư 08) và tham khảo các điều kiện mở 2 ngành này tại công văn số 7836 của Bộ Y tế; cơ sở vật chất, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thư viện về cơ bản đã bám theo quy định của Bộ GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo 2 ngành Y đa khoa và dược học. Hồ sơ đã cơ bản đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư 08.

Đoàn thẩm định đề nghị trường bổ sung thêm đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành thí nghiệm theo góp ý của các thành viên đoàn thẩm định để đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào tạo. Đoàn thẩm định ủng hộ việc mở ngành đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học sau khi bổ sung đầy đủ các minh chứng và hoàn thiện Hồ sơ mở ngành.

Tiếp thu ý kiến của đoàn thẩm định, GS.TS Đinh Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, sẽ tổ chức hoàn thiện 02 đề án và điều chỉnh, bổ sung về cơ sở vật chất và đội ngũ để đảm bảo chất lượng đào tạo. Trường sẽ giải trình với Bộ GD-ĐT về việc thành lập phân hiệu của trường tại cơ sở Từ Sơn. Tuy nhiên, do trường đã tập trung tuyển dụng đội ngũ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị với vốn khá lớn gần 100 tỉ đồng và đội ngũ trường đang phải trả lương giữ chân các giảng viên  nhất là đội ngũ các trưởng Bộ môn. Vì vậy, để tránh lãng phí, trường kính đề nghị Đoàn thẩm định và Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành trước để kịp tuyển sinh trong năm tới.

Sau đó ngày 17/11 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có yêu cầu Trường ĐH Kinh doanh công nghệ hoàn thiện các yêu cầu kể trên mới ủng hộ việc mở ngành. Tuy nhiên đến ngày 19/11, Bộ GD-ĐT đã có quyết định cho phép trường này mở ngành đào tạo bác sỹ đa khoa.

Trao đổi với báo chí ngày 26/11, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho rằng, tại thời điểm đoàn tới thẩm định, trường giới thiệu có 47 cán bộ giảng dạy, (Theo quy định của Bộ Y tế, yêu cầu tối thiểu phải có 50 người trình độ thạc sĩ trở lên mới được mở ngành). Tuy nhiên, trong 47 cán bộ giảng dạy có tới 30 cán bộ chưa có bản cam kết sẽ tham gia làm giảng viên cơ hữu của trường. Hiện Bộ Y tế chưa nhận được phản hồi của trường và Bộ GD-ĐT về việc đáp ứng những yêu cầu mà đoàn thẩm định đưa ra thì Bộ GD&ĐT đã cấp phép.

Về thông tin trên, ông Hóa cho hay, hiện nay 47 giảng viên của ngành y này đã thực hiện cam kết với trường và chúng tôi có đầy đủ hồ sơ nếu báo chí muốn xem.

Theo ông Hóa, hiện trường có đủ khả năng đào tạo hai ngành này đối với sinh viên năm thứ nhất và thứ hai, còn những thủ tục cần thiết khác, trường sẽ phải hoàn thiện trong 3 năm tới.

Trường dự kiến, đầu tháng 12 tới, trường sẽ thông báo tuyển sinh hai ngành học mới và tuyển sinh từ năm 2016. Tổ hợp xét tuyển hai ngành này là Toán - Lý - Hoá, Toán - Hoá - Sinh, Toán - Lý - Sinh; thí sinh đạt 20 điểm trở lên và không có môn nào dưới 5 điểm có thể nộp hồ sơ.

Trao đổi với Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Kết quả thẩm định của đoàn thẩm định liên bộ cho thấy: Trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện mở ngành, đáp ứng các yêu cầu chung về mở ngành và các yêu cầu mang tính chuyên ngành của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã có công văn đồng ý cho Trường mở ngành sau khi hoàn thiện các nội dung theo góp ý của đoàn thẩm định.

Tất cả số giảng viên đã đủ hồ sơ chuyên môn, trong đó có một số còn thiếu hợp đồng lao động và cam kết chỉ làm việc duy nhất cho trường; nhà trường giải trình đó là những giảng viên sẽ tham gia giảng dạy các năm học sau của chương trình nên sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trong thời gian tới, sau khi được mở ngành. Vì vậy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT ra quyết định cho trường mở ngành để thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục đào tạo.

“Trong quá trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y Tế để kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng” – bà Phụng khẳng định.

Hồng Hạnh

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)