Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nhân lực ngành y, tiêu chí chất lượng phải đặt lên hàng đầu

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việc đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, đào tạo Bác sĩ, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là yêu cầu, tiêu chí hàng đầu”.

 


Do đặc thù của ngành y nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Do đặc thù của ngành y nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Đại học đa ngành đào tạo y, dược: Chất lượng ở đâu?

Chiều tối ngày 2/12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế truyền đạt ý kiến của PTT Vũ Đức Đam về việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y, dược.

Theo đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT kiểm tra việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục – đào tạo – Y tế tổ chức trước khi Bộ GD&ĐT quyết định cho phép trường mở ngành).

PTT chỉ đạo, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học khi trường đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một quyết định kịp thời để người dân yên lòng, bởi thời gian vừa qua, nhiều trường đại học đa ngành, ngoài công lập được Bộ GD-ĐT cấp phép cho mở ngành y dược với chất lượng tuyển đầu vào rất thấp. (Hiện nay cả nước có 12 cơ sở đào tạo y khoa chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và 9 trường đa ngành (trong đó có 5 trường tư thục).

Cụ thể, năm 2015, điểm chuẩn của trường Đại học Y Dược TP HCM lấy chuẩn đầu vào ngành Y đa khoa cao nhất cả nước với 28 điểm; ngành Dược là 26; trường Đại học Y Hà Nội lấy 27,75 điểm vào Y đa khoa; trường đại học Y Thái Bình, Y Hải Phòng có chuẩn đầu vào cho 2 ngành Y đa khoa là 26 và 25,5; ngành Dược học là 25,5 và 25…

Trong khi đó, nhiều đại học dân lập đào tạo ngành y, dược mức chuẩn chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn. Cụ thể, năm 2015, trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) lấy 15 điểm vào ngành Dược học, 20 điểm cho Y đa khoa. Năm 2014, điểm trúng tuyển vào hai ngành này của trường chỉ lần lượt là 14 và 18.

Trường Đại học Lạc Hồng có điểm trúng tuyển ngành Dược học (dược sĩ đại học) năm 2015 là 15; trường Đại học Đại Nam (Hà Nội) lấy 17 điểm vào khối dược... Các trường như ĐH Đại Nam, Cần Thơ… mức điểm trúng tuyển vào ngành Dược học, Điều dưỡng chỉ ở điểm mức sàn. Các trường Cao đẳng y, dược cả công lập và dân lập trên cả nước hầu hết lấy chuẩn đầu vào bằng mức sàn, từ 12 điểm. 

Nhiều chuyên gia, bác sĩ ngành y tế cho rằng, xuất phát từ đặc thù của ngành y nên trên thế giới mặc dù có nhiều trường đại học đa ngành tham gia đào tạo Y, Dược nhưng đều phải tuân theo các tiêu chí rất ngặt nghèo. Chúng ta cũng không nên phân biệt trường công lập hay ngoài công lập nhưng cần nhìn nhận một thực tế là các trường đại học Tư thục ở nước ta phần lớn đều vẫn nằm ở “top dưới” nên việc đào tạo Y khoa ở các trường này cần được giám sát cẩn trọng vì lợi ích của cộng đồng.

Trao đổi với Dân trí, bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc Hội- Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, một số trường dân lập tuyển sinh ngành Y- Dược với số điểm đầu vào thấp. Tôi không hiểu họ chuẩn bị cơ sở đào tạo đến đâu nhưng sự thực đáng rất lo ngại bởi đào tạo theo số lượng thì khó đảm bảo chất lượng.

Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư Bác sĩ Trần Đông A, vấn đề đào tạo y khoa là liên quan đến con người, môi trường để sinh viên cọ xát, thực hành hay làm việc hết mình chính là trong bệnh viện. Đào tạo ngành y có đặc thù riêng vì không chỉ dạy những kiến thức lý thuyết mà hơn hết là cần phải có cả thực hành. Tôi rất sợ việc mở ra đào tạo ngành y tràn lan, vì nếu một trường mà không có đủ cơ sở vật chất thì lấy gì để điều trị, giảng dạy.

TS. BS. Võ Xuân Sơn Phòng khám Đa khoa Quốc tế EXSON cho hay, tôi được biết có một vài trường Đại học công lập, khi tuyển sinh dạy Đại học hệ chính quy ngành Y đa khoa đã không có đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên. Câu chuyện dùng dằng mãi, cuối cùng cùng cũng có kết thúc, nhưng chất lượng đào tạo vẫn là dấu hỏi lớn mà câu trả lời còn rất mù mờ.

2 năm, 2 bộ chưa ban hành nổi tiêu chí mở ngành y, dược

Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cho biết việc mở các ngành đào tạo đại học y, dược được thực hiện theo quy định theo Thông tư 08 ban hành ngày 17/ 2/2011 của Bộ GD&ĐT.

Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo... chung cho tất cả các ngành, các trường nên sau khi Thông tư này được ban hành thì từ cuối năm 2011-2012 một số trường đại học ngoài công lập đã tiến hành đầu tư và làm các thủ tục để xin được mở ngành “hot” này.

Việc cho phép mở ngành cũng được thực hiện một cách khá bình thường khi Bộ GD&ĐT xét thấy các trường đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí như quy định tại Thông tư.

Đến tháng 4 và tháng 11/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với 2 Bộ GD&ĐT, Y tế và đã chỉ đạo hai Bộ rà soát, xác định yêu cầu, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.

Tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế thống nhất tạm dừng cho phép các trường đại học đa ngành mở ngành đào tạo y, dược.

Tới tháng 5/2015, Văn phòng Chính phủ lại có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng đôn đốc 2 Bộ phải ban hành ngay văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo trong lĩnh vực Y tế. Tuy nhiên, đến nay cả 2 bộ vẫn chưa đưa ra nổi quy định tiêu chí mở ngành.

Sự kiện trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ GD&ĐT cho phép mở ngành y, dược làm tăng thêm bức xúc của dư luận bấy lâu nay về chất lượng ngành y.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải thích, trường đã có đề án trình Bộ cho phép mở ngành Y đa khoa và Dược học từ tháng 6/2012. Thời điểm đó, trường chưa đáp ứng được yêu cầu, điều kiện nên Bộ chưa cho phép. Ngay sau đó, trường đã tiến hành đầu tư bổ sung, hoàn thiện các điều kiện theo quy định. Tới tháng 7/ 2015, trường tiếp tục trình hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép mở ngành Y, Dược.

Trước thực tế trường đã đầu tư cơ sở vật chất trước khi 2 Bộ có chủ trương tạm dừng cho phép mở ngành đào tạo Y, Dược nên 2 Bộ đã lập Đoàn liên ngành để thẩm tra. Đoàn liên ngành đã có biên bản trong đó yêu cầu trường phải hoàn thiện một số việc.  Bộ Y tế ủng hộ chủ trương cho trường mở ngành nếu đáp ứng được các yêu cầu của Đoàn thẩm định. Sau khi xem xét hồ sơ bổ sung của trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký Quyết định cho phép trường mở hai ngành Dược học và Y đa khoa.

Hiện trường mới được mở ngành, chưa tuyển sinh. Tuy nhiên, hai bộ cùng kiến nghị lên Chính phủ tiếp tục hướng dẫn trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các công việc cần thiết đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà Đoàn thẩm định đã đặt ra và sẽ chỉ cho phép trường tuyển sinh khi đã đảm bảo đầy đủ điều kiện.

Ngày 2/12, PTT Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Y tế tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đào tạo Y, Dược tại các trường đại học đa ngành và có phương án, giải pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Đồng thời, khẩn trương ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm