ĐH Kinh doanh và Công nghệ chưa được phép tuyển sinh ngành Y

(Dân trí) - Theo văn bản của Bộ GD-ĐT, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mới đủ điều kiện, được phép tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016. Đối với ngành Y đa khoa, chỉ khi trường bổ sung hạng mục còn thiếu theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thì mới được tuyển sinh.

Đối với ngành Y Đa khoa thì Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng kí chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ (có tham khảo Công văn 7836 của Bộ Y tế), trong đó có 01 tiến sĩ Sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học: Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Ký sinh trùng, Sinh lí bệnh Miễn dịch, Mô phôi; thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã kí trị giá 11 tỉ đồng.

ĐH Kinh doanh và Công nghệ được phép tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016 sau khi bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra liên ngành
ĐH Kinh doanh và Công nghệ được phép tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016 sau khi bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra liên ngành

 

Theo kết luận của Đoàn kiểm tra Liên bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế) thì Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bổ sung cơ sở vật chất và đội ngũ theo góp ý của các thành viên trong Đoàn thẩm định liên ngành tại Biên bản ngày 5/10/2015. Điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên của trường đã vượt so với quy định mở ngành của Thông tư 08; có tham khảo đề xuất của Bộ Y tế với Bộ GD-ĐT tại Công văn số 7836 năm 2014. Cụ thể, Đối với ngành Y Đa Khoa: Về đội ngũ giảng viên ngành Y có 34 người có trình độ thạc sĩ trở lên/56 giảng viên cơ hữu, trong đó 23 tiến sĩ và 11 thạc sĩ; 10 chuyên khoa I và 12 chuyên khoa II. Thiếu 01 tiến sĩ Sản khoa và 6 môn học chưa có giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Kí sinh trùng, Sinh lí bệnh miễn dịch, Mô phôi.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Y: đảm bảo được cơ sở vật chất tối thiểu theo yêu cầu của chương trình đào tạo; còn thiếu một số thiết bị thực hành, thí nghiệm. Tuy nhiên, Nhà trường phải bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán trị giá 11 tỉ và giao hàng tháng 1/2016.

Đối với ngành Dược học: Về đội ngũ giảng viên ngành Dược: 20 giảng viên có trình độ tiến sĩ, Phó giáo sư, thạc sĩ, 2 chuyên khoa I, 1 chuyên khoa II, trong đó 14 chuyên ngành và 8 cơ sở. Có 1 giảng viên/19 môn cơ sở và chuyên ngành, trong đó thiếu giáo viên chuyên ngành dạy môn Phân tích kiểm nghiệm.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho đào tạo ngành Dược học: Về cơ bản đảm bảo được cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo; còn thiếu một số lượng trang thiết bị. Trường cần bổ sung danh mục thiết bị theo hợp đồng mua bán 23 tỉ và giao hàng vào tháng 2/2016.

Về cơ sở thực hành thì có đủ bệnh viện đa khoa đảm bảo theo yêu cầu thực hành, thực tập của sinh viên, có sự hướng dẫn, đánh giá của các Giảng viên cơ hữu của trường.

Mặc dù cho phép tuyển sinh ngành Dược nhưng đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ phải thực hiện xong hợp đồng mua bán thiết bị đã kí trị giá 23 tỉ đồng; bổ sung tối thiểu 1 thạc sĩ môn Phân tích kiểm nghiệm và báo cáo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế. Chỉ tiêu xác định theo đúng Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT ngày 16/12/2015 của Bộ GD-ĐT.

Bên cạnh đó, trường cũng cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để sớm được công nhận là phân hiệu của Trường tại Từ Sơn (Bắc Ninh).

Về việc khi nào được phép mở ngành Bác sỹ Đa khoa, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho biết: Hai Bộ không ấn định lúc nào thì cho phép tuyển sinh ngành Bác sỹ đa khoa đối với ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Chỉ khi nào trường bổ sung, hoàn thiện đúng các tiêu chí và đoàn kiểm tra đưa ra và báo cáo lại cho Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế kiểm tra. Sau khi hai bộ đồng ý thì lúc đó trường sẽ được phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định.

Hiện tại Bộ GD-ĐT cùng đại diện của Bộ Y tế, ĐH Y Hà Nội đang chủ trì họp báo để làm rõ hơn về công tác đào tạo ngành Y - Dược. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của buổi họp báo này.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)