Con thi giữa kỳ căng như chuyển cấp, mẹ bức xúc: "Giảm tải mà thế này ư?"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Hai tuần trước ngày con thi giữa kỳ, chị Nguyễn Thu Hiền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) phải nhờ mẹ ruột vốn là giáo viên ngữ văn từ quê lên để kèm học cho con.

Một năm học 4 kỳ thi căng thẳng

Chị Nguyễn Thu Hiền có hai con học lớp 5 và lớp 10 công lập. Lịch thi giữa kỳ của hai con diễn ra đồng thời, kéo dài gần 3 tuần lễ bao gồm cả ôn tập. 

"Tôi cảm giác như lặp lại quãng thời gian nước rút con trai thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10. Cả nhà lao vào học, học thêm, ôn tập. Bữa tối vội vã, giờ học kéo dài đến 11h đêm với con nhỏ và 12h đêm với con lớn", chị Hiền chia sẻ.

Con gái chị Hiền học lớp 5, thi ba môn toán, ngữ văn, tiếng Anh. Mặc dù cho con đi học thêm cả ba môn, chị Hiền vẫn không yên tâm khi các phiếu ôn tập của con trên lớp chỉ đạt mức 7-8 điểm. Chị buộc phải nhờ bà ngoại của con là giáo viên dạy văn về hưu từ quê lên kèm cháu học. Riêng chị kèm con học môn toán.

Con thi giữa kỳ căng như chuyển cấp, mẹ bức xúc: Giảm tải mà thế này ư? - 1

Một tiết học địa lý của học sinh Trường THCS Thăng Long, Hà Nội (Ảnh: THCS Thăng Long).

Chị Hiền giãi bày, không chỉ riêng nhà chị lo lắng với kỳ thi giữa kỳ này. Bạn bè, đồng nghiệp chị hằng ngày cũng chỉ nói chuyện học hành, ôn tập của con. Mẹ đẻ chị chạy đi chạy lại giữa nhà con gái và nhà con trai để dạy kèm cả cháu nội lẫn cháu ngoại.

"Bà nói nếu không kèm cặp sát sao thì các cháu khó có điểm 9, 10. Thi giữa kỳ bây giờ là xếp phòng thi theo tên, đánh số báo danh, giáo viên chủ nhiệm không được coi thi lớp mình, thi cử nghiêm túc và căng thẳng như các kỳ thi lớn", chị Hiền cho hay.

Con trai chị Hiền phải thi 5 môn theo phân ban đã chọn gồm toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh, ngữ văn. Ngoài ra, hai môn lịch sử và sinh học đánh giá bằng hình thức bài thuyết trình. Cháu mất hai đêm thức đến 3h sáng để hoàn thành bài thuyết trình với mong muốn đạt điểm trên 8.

Đặt mục tiêu xét tuyển đại học sớm bằng học bạ kết hợp chứng chỉ IELTS, con chị Huyền bắt buộc phải đạt mức điểm tối thiểu là 8 ở tất cả các môn. Nếu điểm thấp sẽ khó "gỡ" vì đây là bài thi duy nhất tính hệ số 2 trong một kỳ học. Bài kiểm tra cuối kỳ tính hệ số 3 nhưng mức độ khó tăng lên.

Con chị Hiền chỉ học tăng cường ở trường, không đi học thêm. Các môn học không có đề cương ôn tập, thầy cô cho ít đề luyện tập. Chị phải thuê gia sư hai môn toán, lý để kèm con, luyện đi luyện lại những bài thi trắc nghiệm tìm được trên mạng.

"Khó nhất là môn văn, hoàn toàn không có đề cương, không có đề minh họa. Đề thi sẽ ra một tác phẩm bất kỳ không có trong sách giáo khoa. Con bắt buộc phải luyện tập thật kĩ kỹ năng phân tích tác phẩm, nắm chắc các biện pháp nghệ thuật, các cách thức viết đoạn văn theo những chủ đề khác nhau. 

Nếu so với kỳ thi vào lớp 10, thi giữa kỳ môn ngữ văn 10 còn thách thức hơn vì không có khoanh vùng ngữ liệu cho học sinh", chị Hiền nêu quan điểm.

Con thi giữa kỳ căng như chuyển cấp, mẹ bức xúc: Giảm tải mà thế này ư? - 2

Học sinh thi lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2023 (Ảnh: Mạnh Quân)

Kết thúc kỳ thi giữa kỳ của hai con, chị Hiền như trút được một gánh nặng.

"Tôi nhẩm tính một năm sẽ có hai kỳ thi giữa kỳ, hai kỳ thi cuối kỳ. Vậy là có đến 4 kỳ thi căng thẳng. Cả nhà mới đi qua cửa ải đầu tiên, còn đến 3 cửa ải nữa mới hết năm học. Chương trình mới nói là giảm tải mà giảm tải thế này ư", chị Huyền tâm sự.

Giảm số bài kiểm tra nhưng tăng áp lực

Cô N.T.K., một giáo viên ngữ văn cấp THCS, cho biết, chương trình Giáo dục phổ thông mới giảm số bài kiểm tra hệ số 2 với mục đích giảm áp lực thi cử.

Với môn ngữ văn, trước đây có thể có đến 5-6 bài kiểm tra một tiết hệ số 2 thì nay chỉ còn một bài kiểm tra giữa kỳ tính hệ số 2, bên cạnh đó là các bài kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng nhẹ nhàng.

"Về mặt hình thức, việc giảm số bài kiểm tra là giảm áp lực thi cử cho học sinh. Tuy nhiên thực tế triển khai cho thấy học sinh và cha mẹ lo lắng hơn vì áp lực điểm số. 

Hiện điểm trung bình môn học kỳ được tính theo công thức: (Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên x hệ số 1 + điểm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ x hệ số 2 + điểm kiểm tra, đánh giá cuối kỳ x hệ số 3)/Tổng số điểm đánh giá thường xuyên + 5. 

Do vậy, dễ hiểu khi học sinh bước vào bài thi đánh giá giữa kỳ với tâm lý căng thẳng", cô N.T.K. phân tích.

Cô N.T.K. cũng nhận định, cách các trường học tổ chức kỳ thi giữa kỳ theo hình thức xáo đều học sinh toàn trường để chia phòng thi, đánh số báo danh, bố trí cán bộ coi thi như một kỳ thi lớn cũng là yếu tố quan trọng làm tăng áp lực cho học sinh. 

Con thi giữa kỳ căng như chuyển cấp, mẹ bức xúc: Giảm tải mà thế này ư? - 3

Một buổi học ngoại khóa của học sinh tiểu học tại Hà Nội (Ảnh: Hoàng Hồng).

Tuy nhiên, có nhiều điểm tích cực trong cách kiểm tra, đánh giá mới mà cô N.T.K. cho rằng cần nhìn nhận toàn diện.

"Một là thầy cô có nhiều thời gian ôn tập, để học sinh "ngấm" kiến thức sâu. Hai là hình thức kiểm tra, đánh giá đề cao tính nghiêm túc, ngăn ngừa gian lận, do đó học sinh phải ôn tập chỉn chu hơn, dẫn tới kết quả thực chất hơn.

Ba là áp lực thi cử ở góc độ nào đó là cần thiết để học sinh và cha mẹ nâng cao nhận thức về chất lượng học tập. Điểm 9, 10 không dành cho đại trà. Học sinh phải thực sự nỗ lực mới đạt được. Còn để đạt mức 7, 8 thì không khó và cũng không áp lực. 

Vậy để giảm tải áp lực cho con, cha mẹ cũng nên hạ thấp tiêu chuẩn về điểm số với con. Không thể nào muốn con đạt 9, 10 nhưng đồng thời muốn con đầu tư ít thời gian, công sức cho học tập", cô N.T.K. bày tỏ quan điểm cá nhân.

Cô N.T.K. cũng lưu ý thêm, việc giảm tải cho học sinh không nằm ở khung chương trình Giáo dục phổ thông mới mà ở cách thức mỗi trường, mỗi thầy cô vận hành chương trình trong thực tế: "Cùng khối lượng kiến thức đó, phương pháp phù hợp tích cực sẽ giúp học sinh tiếp nhận bài học một cách nhẹ nhàng và ngược lại".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm